Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 12/9/2024: Bé sơ sinh mang khối u quái cực hiếm gặp

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 12/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé sơ sinh mang khối u quái cực hiếm gặp

VietNamNet đưa tin chiều 11/9, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết mới tiếp nhận một ca u quái cực kỳ hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Theo đại diện bệnh viện, có thể nói đây là ca đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.

Cụ thể, khoảng một tuần trước, bé trai 1 tháng tuổi được gia đình đưa đến bệnh viện khám vì nôn ói rất nhiều. Qua khai thác bệnh sử, bé được sinh lúc 37 tuần thai, nặng 3,4kg khi sinh. Tuy nhiên, bé rất hay ọc sữa và chướng bụng. Mẹ bé không khám định kỳ, chỉ khám ở phòng khám tư vào những tháng cuối thai kỳ.

Khi nhập khoa Sơ sinh, bé ọc sữa nhiều, lừ đừ do mất nước, bụng rất chướng. Sau khi thăm khám, bé được chỉ định siêu âm ổ bụng. Kết quả cho thấy trong bụng trẻ có khối hỗn hợp kích thước 10x6cm, trên phim X-quang bụng hiển thị những nốt vôi hóa vùng khối u.

Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa liên quan, xác định khối u vùng thượng vị là nguyên nhân chính gây ra tắc nghẽn và các triệu chứng đường tiêu hóa, ekip điều trị đã thống nhất chỉ định phẫu thuật.

Các bác sĩ phẫu thuật lấy khối u quái trong bụng bệnh nhi. Ảnh: VietNamNet

Khi mổ, các bác sĩ nhận thấy khối u có kích thước 12x6cm, chiếm gần như trọn ổ bụng trẻ. Khối u dính vào dạ dày, một phần nằm gọn trong lòng dạ dày. Kíp mổ đã cắt bỏ 1 phần dạ dày chứa u, bóc tách toàn bộ đưa ra ngoài cơ thể. Khối u này nặng khoảng 1kg. Sau mổ, tình trạng bé dần cải thiện, bắt đầu bú sữa.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, u quái dạ dày ở trẻ em cực kỳ hiếm gặp, đặc biệt ở trẻ sơ sinh. Y văn thế giới ghi nhận chưa tới 100 ca. Tại Việt Nam chưa từng ghi nhận trường hợp u quái dạ dày nào ở trẻ sơ sinh.

Bác sĩ Thạch cho biết, khối u này thường lành tính nhưng có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn dạ dày, thiếu máu hay vỡ dạ dày. Bệnh thường được biểu hiện bởi tình trạng chướng bụng, sờ thấy khối ở bụng, nôn ói, thiếu máu, suy hô hấp. Bệnh có thể được phát hiện sớm nếu bà mẹ mang thai theo dõi đầy đủ hoặc khám tổng quát, tầm soát dị tật trẻ sau sinh.

Cấp cứu bệnh nhân bị áp xe ruột thừa rất nguy hiểm

Theo báo Đồng Nai, các bác sĩ Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark mới đây đã khẩn trương phẫu thuật nội soi cấp cứu một bệnh nhân bị áp xe ruột thừa rất nguy hiểm.

Cụ thể, bệnh nhân N.V.H. (34 tuổi, ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng hố chậu phải và hạ vị kèm tiểu buốt nhiều lần. Tình trạng đau này đã kéo dài 1 tuần, bệnh nhân có đi khám ở phòng khám tư nhân, được cho thuốc về uống nhưng không đỡ đau, ngược lại mức độ đau còn nhiều hơn.

Qua thăm khám tại bệnh viện, các bác sĩ thấy bệnh nhân đau hố chậu phải nhiều kèm khối cứng ở hố chậu phải. Nghi ngờ áp xe ruột thừa hoặc u ruột, bác sĩ cho người bệnh siêu âm bụng kiểm tra.

Hình ảnh kết quả siêu âm cho thấy có khối áp xe ruột thừa. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cấp cứu áp xe ruột thừa và dẫn lưu ổ bụng cho bệnh nhân.

Bác sĩ CKI Lê Văn Cường ở khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ, phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa biến chứng áp xe là một phẫu thuật nội soi khó, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao để tránh để lại những biến chứng sau mổ như rò tiêu hoá, áp xe tồn lưu, sót gốc ruột thừa...

Theo bác sĩ Cường, hiện nay tỷ lệ viêm ruột thừa biến chứng áp xe rất thấp, hay gặp ở những người bệnh có triệu chứng nhầm với những bệnh lý khác như viêm bàng quang, viêm ruột non, viêm dạ dày...

Người dân nếu có các triệu chứng đau bụng bất thường nên đến khám ở những bệnh viện có chuyên khoa sâu, có phương tiện kỹ thuật cao để xác định chính xác bệnh, tránh những biến chứng nặng.

Hà Nội ghi nhận 190 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua

VTV Times đưa tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa có cập nhật về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong tuần từ 30/8 - 6/9. Cụ thể, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 190 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, giảm 75 trường hợp so với tuần trước .

Số ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 28 quận, huyện. Trong đó, các quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc gồm: Hà Đông (35), Đan Phượng (26), Nam Từ Liêm (12), Phúc Thọ (10) và Cầu Giấy (10). Cộng dồn năm 2024 là 2.737 ca, không có ca tử vong. 

Về ổ dịch, trong tuần ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện: Hà Đông và Nam Từ Liêm mỗi nơi 2 ổ dịch; Đông Anh, Chương Mỹ, Quốc Oai, Tây Hồ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm mỗi nơi 1 ổ dịch. Số ổ dịch giảm 6 ổ so với tuần trước (16 ổ dịch). Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 131 ổ dịch, còn 29 ổ dịch đang hoạt động.

Cộng dồn năm 2024, Hà Nội ghi nhận 2.737 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Ảnh minh họa

Về bệnh tay chân miệng, trong tuần thành phố ghi nhận 30 trường hợp mắc, giảm 4 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay là 1.909 trường hợp, không có ca tử vong. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch, cộng dồn năm 2024 là 41 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.

Bệnh sởi trong tuần ghi nhận 1 trường hợp mắc tại huyện Mỹ Đức. Bệnh nhân nam, 34 tuổi, tiền sử tiêm vaccine phòng sởi chưa rõ. Khởi phát bệnh ngày 29/8 với triệu chứng sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi; đến ngày 31/8 xuất hiện ban từ đầu mặt lan xuống thân người; nhập Bệnh viện Đa khoa Hà Đông điều trị ngày 4/9; kết quả xét nghiệm sởi dương tính. Cộng dồn năm 2024 đến nay, thành phố có 3 ca mắc sởi, không có ca tử vong.

Bệnh ho gà ghi nhận 1 ca mắc trong tuần. Cộng dồn năm 2024 là 225 trường hợp mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong. Phân bố theo nhóm tuổi có 139 trường hợp trẻ dưới 2 tháng tuổi (61,7%); 42 trường hợp từ 3-12 tháng tuổi (18,7%); 19 trường hợp 13-24 tháng (8,4%); 16 trường hợp 25-60 tháng (7,1%); 9 trường hợp trên 60 tháng tuổi (4%).

Bệnh uốn ván ghi nhận 1 trường hợp mắc (nam 47 tuổi, công nhân môi trường) tại huyện Gia Lâm. Cộng dồn năm 2024 đến nay có 13 trường hợp mắc, 1 tử vong. Các dịch bệnh khác như rubella, não mô cầu, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trong tuần.

Tin nổi bật