Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 24/9/2024: Đau bụng kéo dài, đi khám phát hiện mắc ung thư

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 24/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 24/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đau bụng kéo dài, đi khám phát hiện mắc ung thư

Báo Đại Biểu Nhân Dân đưa tin, Bệnh viện K đã tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp bệnh nhân nữ bị ung thư trực tràng giai đoạn muộn.

Đó là trường hợp bệnh nhân T.T.T (91 tuổi, Hà Nội) có tiền sử đau bụng kéo dài nhưng không đi khám. Khi các dấu hiệu ngày càng thường xuyên hơn, đau thắt vùng bụng thì người bệnh mới đến Bệnh viện K kiểm tra.

Tại đây, các bác sĩ đã chỉ định chụp chiếu và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy người bệnh có tổn thương u trực tràng trung bình cách rìa hậu môn 7cm có kích thước 5x6cm.

U đã phá vỡ thanh mạc trên đại thể, chưa xâm lấn các cơ quan lân cận, tổ chức trực tràng và mô liên kết xung quanh mùn nát. Kết quả được chẩn đoán: Ung thư trực tràng trung bình T4aN1M0.

Bệnh nhân được tích cực điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

Do bệnh nhân tuổi cao trên 90, nhiều thách thức được đặt ra trong quá trình phẫu thuật như kỹ thuật ngoại khoa, gây mê trong suốt quá trình mổ 3-4h, mất máu. Đặc biệt, quá trình gây mê cho người bệnh lớn tuổi là một vấn đề quan trọng, được đánh giá, chuẩn bị kỹ lưỡng bởi nhiều vấn đề có thể xảy ra.

Vì vậy, các bác sĩ đã khai thác thông tin rất kỹ như tiền sử bệnh; các vấn đề sức khỏe hiện đang gặp phải để chủ động khi thực hiện ca phẫu thuật, đảm bảo tính toán chính xác giúp ca mổ diễn ra thuận lợi.

Ekip phẫu thuật gồm PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Ngoại bụng I Bệnh viện K (Trưởng kíp) và kíp gây mê TS.BS Trần Đức Thọ - Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, cùng các bác sĩ khoa Ngoại bụng I đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Sau 3 giờ, ekip phẫu thuật đã thực hiện loại bỏ tổn thương cắt đoạn đại tràng sigma – trực tràng, làm hậu môn nhân tạo đại tràng xuống, cầm máu kỹ. Ca mổ diễn ra thành công, bệnh nhân hồi phục tốt, dự kiến ra viện sau 7 ngày điều trị.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Nhiều gia đình có người thân cao tuổi ngoài 70 phát hiện bệnh ung thư thường có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Tuy nhiên thực tế chứng minh nhiều ca bệnh ngoài 90 tuổi vẫn được các bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật thành công.

“Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá tổn thương, chưa xâm lấn, thể trạng bệnh nhân đảm bảo và sự quyết tâm của cụ T. và gia đình cũng như đội ngũ bác sĩ, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u, giúp bệnh nhân thuận tiện hơn trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng đời sống”, PGS.TS Phạm Văn Bình thông tin.

Bé trai gặp sự cố bất ngờ trong lúc chơi đùa

Báo Dân Trí dẫn lời kể của người nhà bé trai T.P.T. (30 tháng tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết, trong khi chơi đùa, bé ngậm một mảnh tròn kim loại rồi bất ngờ nuốt luôn vào bụng.

Phát hiện sự việc, người nhà nhanh chóng đưa bé đi cấp cứu trong tình trạng nôn liên tục, rất khó chịu ở cổ họng. Ngay khi vào viện, bé được các bác sĩ chỉ định chụp X-quang để xác định vị trí của dị vật.

Hình ảnh chụp chiếu cho thấy, bệnh nhi có dị vật cản quang dạng tròn ở đoạn hạ họng - miệng thực quản, kích thước ước lượng khoảng 17mm, to hơn kích thước đường tiêu hóa trên của một trẻ 30 tháng tuổi.

Mảnh kim loại tròn, đường kính lớn được lấy ra khỏi đường thở của bệnh nhi. Ảnh: Dân Trí

Bệnh nhi được nhanh chóng được chuyển đến khoa để tiến hành gắp dị vật ra ngoài. Hậu can thiệp, bác sĩ kiểm tra lại tại nơi dị vật mắc kẹt thấy có vết sướt nông nhẹ, chưa gây biến chứng nghiêm trọng.

Ngày 23/9, bác sĩ CKI Nguyễn Trọng Tường - Phó trưởng khoa Nội soi chia sẻ, nếu không được xử trí gắp dị vật ra kịp thời, mảnh kim loại có thể sẽ bị nghẹt lại ở thực quản bệnh nhi, gây các biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, dị vật có thể khiến bé tắt thở.

Cứu sống bé 11 ngày tuổi bị bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp

Báo Giáo Dục và Thời Đại đưa tin, mới đây Bệnh viện E tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi (11 ngày tuổi, nặng 2,3 kg ở Hòa Bình) mắc bệnh cửa sổ chủ phế - một bệnh tim bẩm sinh rất hiếm gặp. Bệnh gây suy tim và có nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở tăng dần, thở nhanh, bỏ bú, suy tim nặng… Trước đó, bệnh nhi đã được xác định mắc bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp từ khi còn trong bào thai thông qua siêu âm tầm soát. Tuy nhiên, gia đình vẫn quyết định giữ thai.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã nhanh chóng hội chẩn và lên phương án điều trị, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.

Các bác sĩ đã lựa chọn phương án phẫu thuật đóng cửa sổ bằng phương pháp ít xâm lấn. Qua đó, nhằm tránh cho bệnh nhi phải trải qua một cuộc phẫu thuật mổ mở và cưa xương ức nặng nề.

Các bác sĩ lựa chọn phương án phẫu thuật đóng cửa sổ bằng phương pháp ít xâm lấn nhằm tránh cho bệnh nhi phải trải qua một cuộc phẫu thuật mổ mở và cưa xương ức nặng nề. Ảnh: Giáo Dục và Pháp Luật

Theo TS.BS Đỗ Anh Tiến – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, cửa sổ chủ phế là một dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp (chiếm 0,5% trong số các bệnh lý tim bẩm sinh).

Đây là tình trạng có sự thông thương giữa động mạch chủ lên và động mạch phổi ngay trên van sigma. Đây là một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp, do bất thường trong sự vách hóa thân chung của động mạch thành động mạch chủ và động mạch phổi.

TS.BS Đỗ Anh Tiến giải thích, cửa sổ chủ phế chia làm 3 type (phụ thuộc vào vị trí của cửa sổ). Với type 1, cửa sổ phế chủ nằm giữa động mạch chủ lên và động mạch phổi ngay trên xoang valsalva.

Với Type 2, cửa sổ nằm xa hơn, giữa động mạch chủ lên và nơi xuất phát của động mạch phổi phải từ thân động mạch phổi. Trong khi đó, với Type 3, động mạch phổi phải xuất phát từ động mạch chủ.

Nếu trường hợp kích thước cửa sổ nhỏ, người bệnh có thể được điều trị được bằng thuốc, sau đó đợi đủ điều kiện mới tiến hành phẫu thuật.

Trong trường hợp người bệnh không đáp ứng thuốc, bị suy tim nhiều, tăng áp lực động mạch phổi nặng, các bác sĩ phải lựa chọn phương án phẫu thuật sớm để giữ tính mạng cho bệnh nhi trước.

Theo TS.BS Đỗ Anh Tiến, trước đây, khi trẻ mắc căn bệnh này thì bệnh diễn biến rất nặng nề và thường tử vong trước khi 15 tuổi. Nếu không phẫu thuật sớm, khoảng 40% trẻ tử vong trong năm đầu tiên.

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể kể đến như: suy tim, tăng áp phổi, viêm phổi, hội chứng Eisenmenger…

TS.BS Đỗ Anh Tiến khuyến cáo, cửa sổ chủ phế là một bệnh lý tim bẩm sinh hiếm gặp, bệnh gây ra những biến chứng nặng nề và nguy cơ tử vong cao. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng.

Đây là một bệnh lý có thể phát hiện thông qua sàng lọc trước sinh. Do vậy, phụ nữ cần thăm khám đầy đủ khi mang thai để tầm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi.

Tin nổi bật