Theo Thời báo VTV, bệnh nhân H.V.B (67 tuổi, trú tại xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đến Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh thăm khám do đau âm ỉ vùng hạ vị kèm cảm giác căng tức bụng dưới trong hai ngày liên tục.
Kết quả siêu âm màu 4D cho thấy người bệnh có khối u bì buồng trứng trái kích thước 60x45 mm. Nhận định đây là khối u có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh bệnh nhân lớn tuổi, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật nội soi bóc tách u.
Sau 45 phút phẫu thuật, ekip đã bóc tách thành công khối u. Khi kiểm tra, các bác sĩ ghi nhận trong khối u có chứa nhiều thành phần bất thường như tóc, răng, sụn xương và bã nhờn - dấu hiệu điển hình của u bì buồng trứng.
Hiện tại, người bệnh hồi phục ổn định, các chỉ số sinh tồn tốt và đang tiếp tục được theo dõi tại khoa Sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Sau 45 phút phẫu thuật, ekip đã bóc tách thành công khối u. Ảnh minh họa: Thời báo VTV
Theo bác sĩ CKII. Đặng Thị Việt Phương - Trưởng khoa Sản, u bì buồng trứng (hay còn gọi là u quái trưởng thành) là dạng khối u phát triển từ tế bào mầm trong buồng trứng, có thể chứa các mô như tóc, răng, xương và da.
Phần lớn u bì là lành tính và diễn tiến âm thầm, tuy nhiên nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, khối u có thể vỡ, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ - đặc biệt là người trong độ tuổi tiền mãn kinh cần đi khám phụ khoa định kỳ từ 6 đến 12 tháng/lần. Những trường hợp có tiền sử u xơ, u nang hoặc dấu hiệu bất thường như đau bụng kéo dài, rối loạn kinh nguyệt, cần thực hiện siêu âm và tầm soát sớm để có hướng điều trị phù hợp. Việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời là yếu tố then chốt giúp giảm nguy cơ biến chứng và bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Báo Dân Trí đưa tin, ngày 24/5, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về trường hợp bé gái bị viêm da nặng sau khi tiếp xúc với sứa biển. Mẹ bệnh nhi cho biết, đợt nghỉ lễ 30/4, gia đình cho bé đi tắm biển, khi bé đang bơi thì thấy có vật thể dạt lại gần. Thấy vật thể trong suốt (loài sứa biển) rất đẹp, bé đã vòng tay ôm.
Ngay sau đó, bé bị tổn thương da nặng, bao gồm dát đỏ, sẩn đỏ, mụn nước, phỏng nước thành vệt, sưng nề, trợt rỉ dịch, viêm tấy, kèm theo ngứa, châm chích tại vùng cẳng tay và mu bàn tay hai bên, ở vị trí tiếp xúc với xúc tu sứa.
Bệnh nhi được nhập viện điều trị, với sự phối hợp giữa khoa Da liễu và khoa Cấp cứu và Chống độc. Sau một tuần điều trị với các biện pháp kháng sinh toàn thân, thuốc giảm viêm, giảm ngứa, thuốc bôi và chăm sóc tại chỗ, tình trạng của trẻ đã dần cải thiện, vị trí vùng da tổn thương hết sưng nề, không còn trợt rỉ dịch.
Bác sĩ lưu ý, trong mùa hè, nguy cơ viêm da do tiếp xúc tăng lên do trẻ đi tắm biển dịp hè. Khi tiếp xúc với sứa, chất gây dị ứng từ sứa gây ra các triệu chứng như ngứa, sưng nề, phát ban da và trong trường hợp nghiêm trọng sẽ gây tình trạng phản vệ, thậm chí sốc.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng 2 cẳng tay bị tổn thương nghiêm trọng sau khi tiếp xúc sứa biển. Ảnh: Dân Trí
Khi trẻ đã tiếp xúc với sứa, nếu có một trong các biểu hiện như buồn nôn, nôn, khó thở, đau ngực, tím tái, phụ huynh cần bình tĩnh, gọi hỗ trợ từ nhân viên y tế gần nhất.
Cố gắng giữ cho trẻ hạn chế cử động, hạn chế chà xát vào vùng da đã tiếp xúc với sứa. Sau đó, ngay lập tức lấy con sứa ra khỏi cơ thể của trẻ. Lưu ý, nhớ đeo găng tay hoặc lót tay bằng túi nilon để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với độc tố tiết ra từ xúc tu của sứa.
Rửa sạch vết thương với nước biển, chú ý không rửa bằng nước ngọt do việc thay đổi áp suất có thể kích thích xúc tu còn trên da giải phóng độc tố. Nếu có sẵn giấm (acid acetic 3-5%), có thể rửa vùng tổn thương với giấm trong vòng 30 giây để ức chế tế bào giải phóng độc tố trên các xúc tu sứa.
Sử dụng những vật dụng sẵn có như thìa, thẻ cạo nhẹ nhàng lên vết sứa tiếp xúc để loại bớt những tế bào độc của sứa trên da.
Có thể giảm đau bằng việc chườm ấm hoặc xả dưới vòi nước ấm (khoảng 40-45 độ) trong vòng 20 phút hoặc chườm đá bọc trong túi nilon sạch. Thuốc giảm đau dễ tìm như ibuprofen hoặc paracetamol.
Làm dịu tổn thương da bằng kem/nhũ tương dưỡng ẩm, giảm ngứa, giảm sưng đau bằng kem chứa thành phần corticoid, kháng histamin.
Chú ý không đắp lá, bôi thuốc không rõ loại, hay rửa vết thương bằng nước tiểu vì có thể gây ra tình trạng nặng hơn, thương tổn lan rộng hoặc nhiễm trùng tổn thương.
Sau khi xử lý ban đầu, trẻ cần được đưa đến khám tại các cơ sở y tế để được đánh giá mức độ nặng, điều trị chăm sóc vết thương kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn.
Khi cho trẻ đi tắm biển, cha mẹ cần giáo dục để trẻ nhận biết, tránh xa khi phát hiện sứa gần khu vực bơi.
Theo VietNamNet, tai nạn lao động xảy ra với chị K.T.T (44 tuổi, làm công nhân). Đồng nghiệp của chị cho biết, khi hai người đang làm việc, xe rác bất ngờ xe rác lùi, đè lên bụng, ngực chị T.. Thấy chị T. đau ngực, bụng, khó thở, người làm cùng đưa vào bệnh viện tuyến dưới, sau đó chuyển ngay lên Bệnh viện 198 (Bộ Công an, Hà Nội).
Thời điểm vào viện, bệnh nhân hạ SpO2 (nồng độ bão hoà oxy trong máu), về còn 85-90% (bình thường phải trên 95-96%), phổi trái thông khí giảm. Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định thở oxy kính, đặt đường truyền tĩnh mạch, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, lồng ngực, phát hiện có tràn máu màng phổi, vỡ tuỵ, vỡ lách, đụng dập gan trái.
Chỉ 10 phút có cuộc điện thoại hội chẩn cấp cứu, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp đã có mặt. Sau khi khám sơ bộ, chỉ định mổ khẩn cấp - đưa thẳng bệnh nhân lên phòng mổ, vừa di chuyển, vừa hồi sức.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: VietNamNet
Ca mổ diễn ra ngay sau đó. Bác sĩ gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân có lúc huyết áp tụt sâu vì mất máu nhiều (cả máu đông và máu cục, số lượng ước tính khoảng 2 lít). Tuy nhiên, tổn thương chính gây chảy máu là động mạch lách đã được xử lý gọn gàng, phần đuôi tuỵ và lách tổn thương được cắt bỏ, khoang màng phổi cũng được dẫn lưu để đảm bảo thông khí phổi.
Tới ngày 24/5, bệnh nhân hồi phục tốt, không còn dấu hiệu chảy máu, đã có thể tự đi lại và chăm sóc tại chỗ, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Chấn thương bụng kín vỡ tụy là một trong những chấn thương ít gặp nhưng có nhiều biến chứng nguy hiểm đòi hỏi cấp cứu và phẫu thuật kịp thời.