Theo thông tin trên Thời báo VTV, các bác sĩ phẫu thuật ở California (Mỹ) đã thực hiện thành công ca ghép bàng quang đầu tiên trên thế giới. Người trải qua ca ghép lịch sử này là anh Oscar Larrainzar (41 tuổi) - một người cha có 4 con.
Nhiều năm trước, anh Oscar Larrainzar đã phải cắt bỏ phần lớn bàng quang do ung thư nhưng căn bệnh quái ác không dừng lại ở đó. Sau này, cả hai quả thận của anh cũng bị loại bỏ do ung thư và suy thận giai đoạn cuối, buộc anh phải lọc máu suốt 7 năm.
Ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Ronald Reagan UCLA (thuộc Đại học California, Los Angeles, Mỹ) do 2 bác sĩ đã nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật thực hiện. Trong ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ hôm 4/5, các bác sĩ đã ghép thành công cho anh cả bàng quang và một quả thận từ người hiến tạng. Đây là bước tiến triển đầy hứa hẹn cho những bệnh nhân khác mắc phải các chứng rối loạn bàng quang nghiêm trọng.
"Đây là thời khắc mang tính lịch sử trong y học, giúp cải thiện cuộc sống cho các bệnh nhân gặp vấn đề về bàng quang. Từ nay, bàng quang có thể được thêm vào danh sách những cơ quan có thể cấy ghép", Tiến sĩ Inderbir Gill - Giám đốc điều hành Viện Tiết niệu thuộc Đại học Nam California, một trong 2 bác sĩ phẫu thuật thực hiện ca phẫu thuật - cho biết.
Các bác sĩ cho biết tình trạng hồi phục của bệnh nhân Larrainzar "đạt kỳ vọng", song vẫn còn nhiều điều chưa biết trước. Ảnh: UCLA
Theo tuyên bố của UCLA ngày 19/5, đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học, một bàng quang người được cấy ghép hoàn chỉnh và hoạt động tốt trong cơ thể người nhận.
Tiến sĩ Nima Nassiri của Viện Niệu khoa thuộc Đại học California Los Angeles (UCLA) là bác sĩ cùng thực hiện ca phẫu thuật nói trên. Ông chia sẻ: "Nỗ lực đầu tiên trong việc cấy ghép bàng quang này là thành quả của hơn 4 năm nghiên cứu và chuẩn bị. Đối với các bệnh nhân, điều này quả thực hữu ích".
Các bác sĩ thực hiện ghép thận trước, sau đó ghép bàng quang, rồi kết nối hai cơ quan này bằng kỹ thuật do chính họ tiên phong phát triển. Đây là yếu tố then chốt góp phần tạo nên thành công của ca phẫu thuật.
Theo Tiến sĩ Nima Nassiri, ca phẫu thuật cho kết quả khả quan gần như ngay lập tức. Ông nêu rõ: "Thận mới bắt đầu sản xuất một lượng lớn nước tiểu ngay sau khi được ghép và chức năng thận cải thiện rõ rệt. Không cần phải lọc máu sau phẫu thuật và nước tiểu đã được dẫn lưu bình thường vào bàng quang mới".
Các bác sĩ cho biết, trước đây, việc ghép toàn bộ bàng quang người chưa từng được thực hiện, phần lớn do cấu trúc mạch máu phức tạp của vùng chậu khiến kỹ thuật trở nên cực kỳ khó khăn.
Các phương pháp điều trị hiện nay đối với bệnh nhân cần tái tạo bàng quang thường bao gồm tạo bàng quang nhân tạo từ một phần ruột hoặc đặt ống thông tiểu. Tuy nhiên, những phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó có nhiễm trùng và các vấn đề về tiêu hóa.
Điều đó khiến các bác sĩ trên khắp thế giới tìm kiếm các kỹ thuật ghép bàng quang trong nhiều năm. Với kỹ thuật ghép bàng quang hoàn chỉnh, các bác sĩ hy vọng sẽ khắc phục được những hạn chế này, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân.
Hiện tại, các bác sĩ cho biết tình trạng hồi phục của bệnh nhân Larrainzar "đạt kỳ vọng", song vẫn còn nhiều điều chưa biết trước. Ví dụ, bàng quang mới của Larrainzar sẽ hoạt động như thế nào theo thời gian và anh sẽ cần dùng thuốc ức chế miễn dịch trong bao lâu để ngăn ngừa tình trạng đào thải của bàng quang mới.
Báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ TS.BS Đoàn Trọng Tú – Trưởng khoa Ngoại bụng II, Bệnh viện K cho hay, kết quả nội soi dạ dày thực quản của bệnh nhân P.Q.T. (54 tuổi, trú tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) cho thấy tổn thương biến đổi niêm mạc kích thước 1,5cm, vị trí thực quản 1/3 dưới cách cung răng 38cm. Dạ dày viêm sung huyết, có tổn thương loét sùi kích thước 2cm.
Ông T. được sinh thiết hai vị trí, kết quả mắc ung thư biểu mô vảy thực quản và ung thư biểu mô tuyến dạ dày. Rất may mắn, kết quả chụp cắt lớp vi tính toàn thân không thấy nghi ngờ di căn cũng như các tổn thương di căn xa.
Các bác sĩ xác định, nam bệnh nhân mắc ung thư ở 2 vị trí giai đoạn sớm do thăm khám sớm và kịp thời phát hiện, có cơ hội điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Theo đánh giá của các bác sĩ Bệnh viện K, việc điều trị cho bệnh nhân ung thư hai vị trí thực quản và dạ dày rất phức tạp. Sau khi tính toán, các bác sĩ quyết định cắt toàn bộ thực quản - dạ dày để vét hạch triệt căn.
Thông thường, việc tạo hình thực quản sử dụng dạ dày là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, trường hợp này lại đi kèm ung thư dạ dày, yêu cầu phải cắt dạ dày, vì vậy, chỉ định phù hợp nhất lúc này là tạo hình bằng đại tràng để đảm bảo sức khỏe cũng như chức năng của hệ tiêu hóa. Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ thành công, bệnh nhân bình phục sau đó ít ngày.
Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ thành công, người bệnh bình phục sau đó ít ngày. Ảnh: Công An Nhân Dân
Theo TS.BS Đoàn Trọng Tú, ung thư tiêu hóa nếu phát hiện ở giai đoạn muộn có thể cần điều trị phức tạp hơn, bao gồm phẫu thuật phối hợp nhiều phương pháp hóa trị, xạ trị hoặc điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích.
Ung thư thực quản, dạ dày ở giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng, mơ hồ, không đặc trưng nên mọi người thường dễ bỏ qua. Khi giai đoạn bệnh tiến xa hơn, có thể gặp các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống. Ung thư xâm lấn di căn căn xa đến các bộ phận khác còn có thể gây ra những biến chứng khó kiểm soát.
Qua trường hợp này, các bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo người dân nên chủ động hơn trong việc khám sức khỏe, tầm soát ung thư, góp phần giảm tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh và cũng giúp cho việc điều trị dễ dàng, đạt được hiệu quả tốt nhất.
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, ngày 20/5, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngày 17/5, bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu cho bệnh nhi L.K.C (24 tháng tuổi, trú tại xã Nhân Lý, Chiêm Hóa, Tuyên Quang).
Bé C. nhập viện với tình trạng có nhiều vết thương rách da vùng mặt phức tạp. Theo thông tin từ gia đình, C. bị chó nhà tấn công, gia đình đã đưa bé ra Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hoá cấp cứu rồi chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được các bác sĩ phòng Thường trực cấp cứu, kịp thời thăm khám. Sau tư vấn chuyên môn, bệnh nhi đã được các y bác sĩ đưa đến điểm tiêm huyết thanh kháng dại cùng vaccine phòng dại và tiến hành mổ cấp cứu ngay trong đêm.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Bác sĩ CKI. Vương Ngọc Thịnh ở khoa Răng Hàm Mặt cho biết, bệnh nhi C. có nhiều vết thương rách da sâu và nham nhở ở khắp mặt. Ekip phẫu thuật đã thực hiện làm sạch các vết thương nhiều lần bằng dung dịch sát trùng; cầm máu tại chỗ; cắt lọc, loại bỏ các dị vật như da chết, đất, lông… trên vết thương; khâu phục hồi lại tất cả các vết thương theo các lớp và các mốc giải phẫu.
Ca mổ được thực hiện dưới gây mê Nội khí quản với sự giám sát chặt chẽ của ekip gây mê. Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi sát, điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện.
Sau 1 ngày phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhi đã tỉnh táo, không nôn, không sốt; Các vết mổ khô, sạch, sưng nề nhẹ, không chảy dịch mủ; Trẻ ăn uống được cháo, sữa với sự hướng dẫn và chăm sóc của điều dưỡng khoa.
Hiện, trẻ đã được chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị, do theo dõi dị ứng với huyết thanh SAT phòng uốn ván.
Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo, các gia đình không cho trẻ lại gần chó, đặc biệt chó lạ. Không trêu chọc chó khi chó đang ăn, đang ngủ và khi trẻ đang ăn.
Bên cạnh đó, tiêm phòng dại cho chó và đặc biệt cần theo dõi vết thương, biểu hiện của trẻ; theo dõi chó trong 15 ngày tiếp theo. Khi bị chó cắn cần đến ngay các Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.