Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 17/5: Nhiễm nấm, bệnh nhân 42 tuổi bị viêm màng não nguy kịch

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nhiễm nấm, bệnh nhân 42 tuổi bị viêm màng não nguy kịch; Cành cây 20cm nằm trong lồng ngực cụ bà suốt 2 năm… là tin tức đời sống mới nóng ngày 17/5.

Nhiễm nấm, bệnh nhân 42 tuổi bị viêm màng não nguy kịch

Theo VietnamPlus, ngày 16/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân viêm màng não nguy kịch do nấm ở người xơ gan do rượu.

Bệnh nhân V.Đ.P. (42 tuổi, ở Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Người bệnh có biểu hiện đau đầu dữ dội, nôn vọt, sốt cao kéo dài và rối loạn ý thức. Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng do nguy cơ hôn mê sâu, có thể phải đặt ống thở máy để hỗ trợ hô hấp.

Theo người nhà, người bệnh có tiền sử nghiện rượu. Khoảng hai tuần trước khi nhập viện, người bệnh có biểu hiện đau đầu kéo dài, sốt tăng dần và nôn dữ dội nhưng không rõ nguyên nhân. Trước đó, người bệnh uống rượu, nghiện rượu nhiều năm, nhưng chưa phát hiện bệnh lý nền.

Bệnh nhân khám và nhập viện tuyến tỉnh, được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng não do vi khuẩn và điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, sau một tuần, tình trạng không cải thiện mà còn nặng hơn: sốt liên tục 39-40 độ C, đau đầu dữ dội và dần lơ mơ.

Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, người bệnh được thăm khám toàn diện, chọc dịch não tủy và làm các xét nghiệm chuyên sâu.

Kết quả nhuộm soi dịch não tủy (dịch chọc dò tủy sống thắt lưng) bằng mực tàu phát hiện nhiễm nấm Cryptococcus - nguyên nhân gây viêm màng não. Đồng thời, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có dấu hiệu xơ gan tiến triển như vàng da, cổ trướng…, hệ miễn dịch đã suy giảm nghiêm trọng.

Bệnh nhân bị viêm màng não nguy kịch do nấm ở người xơ gan do rượu. Ảnh: VietnamPlus

Thạc sĩ Nguyễn Kim Anh ở khoa Cấp cứu cho biết, viêm màng não do nấm là bệnh lý hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, diễn tiến âm thầm và có thể đột ngột đe dọa tính mạng, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu như xơ gan, HIV, đái tháo đường hoặc suy thận.

Với bệnh nhân trên, yếu tố nguy cơ chính là xơ gan do rượu. Ngay sau khi xác định được tác nhân gây bệnh, người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng nấm đặc hiệu và theo dõi sát sao.

Theo bác sĩ Kim Anh, viêm màng não do nấm là thách thức trong điều trị vì thuốc kháng nấm hiện nay thấm qua hàng rào máu-não với tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 1-2%, khiến tiên lượng thường nghiêm trọng dù đã chẩn đoán đúng nguyên nhân. Rất may, sau 10 ngày điều trị tích cực, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, hết sốt và giảm đau đầu - một tiến triển hồi phục hiếm gặp ở các ca viêm màng não do nấm nặng.

Cành cây 20cm nằm trong lồng ngực cụ bà suốt 2 năm

Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, khoảng đầu tháng 3/2023, trong lúc đi ra vườn bà T.T.H. (95 tuổi, trú ở xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) không may bị ngã trúng vào gốc của cây tro (cây cọ) và bị chảy máu ở vùng ngực sau bên phải.

Gia đình đã đưa bà đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không phát hiện được dị vật mà chỉ điều trị vết thương phía ngực sau bên phải. Đến đầu tháng 4/2025, phát hiện vết thương cũ có dấu hiệu bị sưng đau và có rỉ dịch, người nhà đã đưa bà H. vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thăm khám, điều trị.

Tại đây, sau khi thăm khám và chụp CT lồng ngực, các y, bác sĩ phát hiện có ổ áp xe phổi phải kèm theo dị vật từ ngực sau bên phải, cạnh cột sống đâm thấu phổi phải lên đỉnh phổi.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho cụ bà. Ảnh: Giáo Dục và Thời đại

Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và khoa Chấn thương vừa tiến hành phẫu thuật thì phát hiện xương sườn số 8 bị gãy do dị vật đâm trúng gây ra viêm xương, áp xe phổi phải.

Các bác sĩ đã tập trung xử lý và lấy được cành tro khô dài hơn 20cm ra khỏi cơ thể bà H.. Hiện sức khỏe cụ bà ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

WHO cảnh báo dịch bại liệt xuất hiện ở Papua New Guinea

Theo TTXVN, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/5 xác nhận phát hiện virus bại liệt tại Papua New Guinea (PNG) thông qua mẫu nước thải ở thành phố Lae và mẫu môi trường tại thủ đô Port Moresby.

Cụ thể, các xét nghiệm bổ sung do WHO phối hợp với Bộ Y tế PNG, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các cơ quan y tế địa phương tiến hành đã phát hiện 2 trường hợp trẻ em khỏe mạnh nhiễm virus ở Lae. Phân tích trình tự gene cho thấy chủng virus này có liên quan đến virus bại liệt được phát hiện tại Indonesia.

WHO cho biết, virus bại liệt hoang dại (WPV) tuýp 2 đã bị loại trừ từ năm 1999 và tuýp 3 bị xóa sổ vào năm 2020. Tính đến năm 2022, chỉ còn Pakistan và Afghanistan là hai quốc gia vẫn còn ghi nhận sự lưu hành của virus bại liệt hoang dại tuýp 1. Do đó, đợt bùng phát bại liệt mới tại PNG được cho là xuất phát từ tỷ lệ tiêm chủng thấp và khả năng lây truyền cao của virus.

Theo các chuyên gia y tế, bại liệt là bệnh truyền nhiễm có mức độ lây lan mạnh, đặc biệt trong các cộng đồng chưa được tiêm vaccine đầy đủ.

Trước tình hình đó, WHO và UNICEF đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó, chẳng hạn như giám sát diện rộng các trường hợp liệt mềm cấp tính và thực hiện chương trình tiêm chủng 3 giai đoạn nhằm bảo vệ trẻ em cũng như nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn quốc để ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Đợt bùng phát bại liệt mới tại Papua New Guinea được cho là xuất phát từ tỷ lệ tiêm chủng thấp và khả năng lây truyền cao của virus. Ảnh minh họa

Bà Linda Selvey - Phó Giáo sư danh dự tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Queensland, nhận định nguy cơ virus bại liệt lây lan sang Australia là “khá thấp”. Bà cho biết Australia chưa ghi nhận đợt bùng phát lớn nào của bệnh này kể từ năm 1961, và trẻ em tại quốc gia này hiện được tiêm vaccine phòng bệnh như một phần của chương trình tiêm chủng định kỳ.

Tuy nhiên, bà Selvey cảnh báo một số khu vực tại bang Queensland, đặc biệt là vùng Eo biển Torres, nơi có sự qua lại thường xuyên giữa PNG và Australia, có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Nguyên nhân là do điều kiện nhà ở và y tế tại các khu vực này vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Từng có kinh nghiệm làm việc trong các chương trình xóa sổ bại liệt tại Ấn Độ và Nepal, bà Selvey đánh giá tác động của virus bại liệt đối với PNG có thể rất nghiêm trọng.

Bà cho biết tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia này nhìn chung còn rất thấp, trong khi hệ thống y tế ở nhiều khu vực vẫn còn yếu kém. Điều này khiến nguy cơ một số ca mắc bại liệt không được phát hiện kịp thời, tạo điều kiện để virus lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Tin nổi bật