Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 13/5, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã thực hiện thành công ca ghép thận thứ 3. Đây là ca ghép thận khá đặc biệt khi người hiến, người nhận có cùng huyết thống và là mẹ con.
Theo thông tin, người bệnh N.T.H (27 tuổi, trú tại TP.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Thay vì chuyển tuyến lên Hà Nội để triển khai ghép thận, gia đình người bệnh đã đặt niềm tin vào Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Sau gần 3 tuần hoàn tất đánh giá chuyên môn, xét nghiệm, hồ sơ pháp lý… cặp ghép được xác định. Người hiến là mẹ ruột của bệnh nhân H., có cùng huyết thống và trước tình trạng suy giảm sức khỏe nghiêm trọng của con, người mẹ đã tự nguyện hiến thận.
Ca phẫu thuật được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí dưới sự hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Quá trình ghép diễn ra thuận lợi sau 3 giờ đồng hồ, thận ghép bài tiết tốt, có nước tiểu ngay sau khi nối xong niệu quản. Hiện sức khỏe cả người hiến và người nhận đều ổn định.
Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Thành công liên tiếp 3 ca ghép thận không chỉ là bước tiến chuyên môn, mà còn là minh chứng rõ nét cho năng lực làm chủ kỹ thuật cao của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí nói riêng và đội ngũ thầy thuốc của tỉnh Quảng Ninh nói chung.
TS.BS Trần Anh Cường – Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết: "Ngay từ khi triển khai, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có thể đưa kỹ thuật ghép thận trở thành thường quy để phục vụ người dân tỉnh nhà và điều đó đã dần trở thành hiện thực...".
Trước đây, ghép thận là kỹ thuật chuyên sâu chỉ có ở các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội hoặc TP.HCMh. Tuy nhiên, nhờ sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, nhân lực và chuyển giao công nghệ, đội ngũ bác sĩ ngay tại Quảng Ninh đang dần bắt kịp những thành tựu y học hiện đại của cả nước.
Theo Thời báo VTV, Bệnh viện A Thái Nguyên vừa phẫu thuật thành công khối u buồng trứng nặng khoảng 3kg cho cụ bà 81 tuổi ở Định Hóa (Thái Nguyên), giúp bệnh nhân vượt qua nguy cơ biến chứng nặng.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng bụng to nhanh, chướng căng, ăn uống kém, khó chịu kéo dài. Qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện khối u buồng trứng lớn, chiếm gần toàn bộ ổ bụng dưới, gây chèn ép các cơ quan xung quanh.
Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn liên chuyên khoa để đánh giá tổng thể sức khỏe, nguy cơ gây mê và phẫu thuật. Sau đánh giá, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u.
Sau hơn 2 giờ, ekip đã bóc tách và lấy trọn khối u. Bên trong u chứa nhiều vách ngăn, dịch nhầy, nặng khoảng 3kg. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, vết mổ khô, sinh hiệu ổn định và tiếp tục được theo dõi hậu phẫu tại khoa Phụ.
Theo bác sĩ Tống Kim Ngân - Phó Trưởng Khoa phụ, u buồng trứng là bệnh lý phụ khoa phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là phụ nữ trung niên và cao tuổi. Bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến nhiều trường hợp phát hiện muộn khi khối u đã phát triển lớn hoặc gây biến chứng.
"Nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời, u buồng trứng có thể gây xoắn, vỡ, nhiễm trùng hoặc ác tính hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt ở người lớn tuổi", bác sĩ Ngân nhấn mạnh.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ và thực hiện siêu âm ổ bụng để phát hiện sớm các bất thường, đặc biệt khi có triệu chứng như bụng to nhanh, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc rối loạn kinh nguyệt.
Theo Báo Tin Tức, những ngày gần đây, bệnh nhân Đ.T.T.H (nữ, 43 tuổi, ở Hưng Yên) có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sốt. Vì có tiền sử mắc ung thư vú, bệnh nhân vào thăm khám tại Bệnh viện Hữu nghị và được chẩn đoán viêm gan virus B với tải lượng virus tăng cao.
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus, hỗ trợ chức năng gan. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân ít cải thiện, men gan tăng cao, kèm theo tình trạng vàng da tiến triển nhanh, rối loạn đông máu, suy giảm ý thức và đi vào tình trạng hôn mê gan.
Bệnh nhân đã nhanh chóng được hội chẩn Hồi sức tích cực. Kết quả các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có hàng tỷ virus viêm gan B trong máu; chỉ số men gan và Bilirubin (chất gây vàng da, niêm mạc) tăng gấp hàng chục lần bình thường; tình trạng rối loạn đông máu rất nặng, nguy cơ xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá rất cao.
Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, tự ăn uống đường miệng và vận động tại giường được. Ảnh: Báo Tin Tức
Bác sĩ Tô Hoàng Dương - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, các bác sĩ đã khẩn trương chỉ định thay huyết tương cho bệnh nhân, với 4 lần thay hết tổng số 12 lít huyết tương. Sau mỗi lần lọc máu; bệnh nhân cải thiện dần ý thức, tỉnh táo và đỡ mệt dần, tình trạng vàng da, tăng men gan và rối loạn đông máu đã cải thiện tốt.
Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, tự ăn uống đường miệng và vận động tại giường được. Bệnh nhân sẽ được chuyển về khoa Điều trị theo yêu cầu để tiếp tục theo dõi chức năng gan và điều trị thuốc kháng virus duy trì.
Theo bác sĩ Tô Hoàng Dương, suy gan cấp là một biến chứng khá thường gặp khi bệnh nhân bị viêm gan virus B đợt cấp. Tình trạng suy gan cấp có thể dẫn đến rối loạn đông máu gây chảy máu da, niêm mạc, xuất huyết tiêu hoá; đặc biệt là xuất huyết não. Mặt khác, tình trạng tăng Bilirubin máu trong suy gan cấp có thể gây nên tình trạng hôn mê dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong.
Thay huyết tương là biện pháp lọc máu, trong đó huyết tương chứa mầm bệnh hoặc các chất độc hại”trong máu người bệnh sẽ được lọc bỏ; sau đó được thay thế bằng huyết tương khoẻ mạnh của người hiến máu, giúp loại bỏ các yếu tố gây bệnh, hỗ trợ chức năng gan trong giai đoạn suy yếu, tạo điều kiện cho gan của bệnh nhân có thể hồi phục.
“Phương pháp hiện đại này đã hỗ trợ điều trị và cứu sống được nhiều bệnh nhân bị suy gan cấp do viêm gan virust, hoặc do ngộ độc tại bệnh viện Hữu Nghị trong thời gian qua”, bác sĩ Tô Hoàng Dương chia sẻ.