Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 12/5: Nguyên nhân khiến cụ bà đau bụng âm ỉ suốt nhiều ngày

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nguyên nhân khiến cụ bà đau bụng âm ỉ suốt nhiều ngày; Lần đầu tiên sau 5 năm, số ca mắc sởi ở Mỹ vượt quá 1.000 ca… là tin tức đời sống mới nóng ngày 12/5.

Nguyên nhân khiến cụ bà đau bụng âm ỉ suốt nhiều ngày

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công ca nội soi gắp dị vật sắc nhọn xuyên thủng thành dạ dày vào ổ bụng cho nữ bệnh nhân N.T.G. (79 tuổi, trú tại phường Bắc Sơn, TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài suốt nhiều ngày. Trước đó, bà G. được điều trị tại một cơ sở y tế tuyến dưới nhưng tình hình không mấy khả quan.

Khi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) cho thấy hình ảnh một dị vật dài khoảng 4cm, nghi là xương cá, đâm xuyên qua thành sau dạ dày vào trong ổ bụng.

Hình ảnh dị vật dài khoảng 4cm, nghi là xương cá, đâm xuyên qua thành sau dạ dày vào trong ổ bụng. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Trước nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng hay xuất huyết tiêu hóa, các y bác sĩ khẩn trương tiến hành nội soi can thiệp. Hình ảnh nội soi cho thấy dị vật sắc nhọn cắm sâu vào hang vị dạ dày, gây ra tình trạng phù nề và chảy dịch mủ tại chỗ.

Các bác sĩ sử dụng kìm chuyên dụng để gắp gọn dị vật ra ngoài, kẹp Hemoclip được sử dụng để cầm máu, đóng kín lỗ thủng, giúp bệnh nhân tránh được cuộc mổ mở nguy hiểm.

Sau thủ thuật đầy căng thẳng, bệnh nhân được theo dõi và điều trị nội khoa tích cực. Hiện tại, sức khỏe của người bệnh phục hồi tốt, xuất viện trong niềm vui của gia đình và các y bác sĩ.

ThS.BS Lê Văn Sơn - Phó trưởng Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa chia sẻ: "Đây là ca nội soi có độ khó rất cao. Dị vật không chỉ nằm trong lòng dạ dày mà đã xuyên thủng thành dạ dày, đầu nhọn cắm sâu vào lớp cơ.

Nếu thao tác thiếu chính xác, có thể gây rách rộng vết thủng, xuất huyết hoặc thậm chí làm dị vật trôi sâu hơn vào ổ bụng. Việc gắp thành công và xử trí cầm máu, khép lỗ thủng bằng clip nội soi đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, trình độ chuyên môn vững vàng và sự tập trung tuyệt đối của toàn bộ ekip”.

Qua trường hợp này, bác sĩ Lê Văn Sơn khuyến cáo, khi ăn uống, người dân cần phải cẩn thận nhai chậm và kỹ, đặc biệt là người lớn tuổi mất răng và trẻ nhỏ.

Trong trường hợp nghi ngờ hóc xương hoặc các loại dị vật khác, cần phải đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng và tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Không nên thực hiện các biện pháp dân gian như nuốt cơm nguội hay dùng tay móc dị vật, vì có thể đẩy dị vật xuống sâu hơn cũng như đâm sâu vào niêm mạc làm tình trạng nặng hơn.

Lần đầu tiên sau 5 năm, số ca mắc sởi ở Mỹ vượt quá 1.000 ca

Thời báo VTV dẫn thông tin từ CNA cho biết, tính đến ngày 8/5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã báo cáo 1.001 ca mắc bệnh sởi tại 31 khu vực của nước này.

Số liệu của CDC không phản ánh dữ liệu mới nhất từ bang Texas - tâm dịch của đợt bùng phát bệnh sởi hiện tại. Theo đó, chính quyền bang Texas đã ghi nhận thêm 7 ca, nâng tổng số trường hợp mắc sởi ở bang này lên 709 ca.

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng, Mỹ đang ở thời điểm bùng phát của bệnh sởi lưu hành trở lại, 25 năm sau khi căn bệnh được tuyên bố đã bị xóa sổ tại quốc gia này. Số người nhiễm sởi trước đó chỉ vượt qua mốc 1.000 vào năm 2019, khi chính quyền Mỹ báo cáo 1.274 ca trên cả nước.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có khả năng chứng kiến những con số này duy trì ít nhất là ổn định, nếu không muốn nói là tiếp tục tăng theo thời gian", bà Lisa Maragakis - Giám đốc cấp cao về phòng ngừa nhiễm trùng tại Johns Hopkins Medicine, cho biết.

Tính đến ngày 8/5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã báo cáo 1.001 ca mắc bệnh sởi tại 31 khu vực của nước này. Ảnh minh họa: Getty Images

CDC xác nhận 13% số người nhiễm bệnh trong năm nay đã phải nhập viện. Cho đến nay, đã có 3 ca tử vong do bệnh sởi được xác nhận, gồm 2 bé gái ở bang Texas và 1 người lớn ở bang New Mexico. Cả 3 trường hợp đều chưa được tiêm vaccine sởi.

North Dakota là bang mới nhất của Mỹ báo cáo về một đợt bùng phát sởi, với 9 trường hợp được báo cáo cho đến nay. Theo chính quyền bang North Dakota, khoảng 180 học sinh đã buộc phải cách ly tại nhà.

Ông Paul Offit - bác sĩ nhi khoa và chuyên gia về vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho hay: "Đây là loại virus gây ra căn bệnh dễ lây truyền nhất của loài người và hiện đang lan nhanh như cháy rừng".

Đồng thời, ông cảnh báo rằng số ca bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều, vì một số người ngại đến các cơ sở y tế để thăm khám.

Theo CDC, vaccine sởi đạt hiệu quả 97% sau 2 mũi tiêm. Trong những năm gần đây tỷ lệ tiêm vaccine sởi tại Mỹ đang giảm. Năm 2023 - 2024, có 92,7% trẻ mẫu giáo được tiêm vaccine sởi - thấp hơn tỷ lệ 93,1% trong năm học trước đó và 95,2% trong năm 2019 - 2020, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Bị đau bụng dữ dội, nôn ra máu tươi, bé trai được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận cấp cứu bé trai B.N.H (9 tuổi, trú tại TP.Cẩm Phả) trong tình trạng mệt lả, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt. Trước khi nhập viện khoảng 2 giờ, cháu bé đột ngột đau bụng dữ dội và nôn ra máu tươi.

Theo lời kể từ gia đình, trong ngày 5/5, bé đã có biểu hiện đi ngoài phân đen nhưng không rõ số lượng. Trong khi đó, năm 2024, bệnh nhi từng được chẩn đoán và điều trị loét hành tá tràng.

Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân được thăm khám và nội soi. Kết quả nội soi cho thấy, cháu bé có hai ổ loét tại hành tá tràng kích thước 7mm và 5mm đang rỉ máu, trên nền sẹo loét cũ. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa cao, mức độ nặng do loét hành tá tràng.

Ngay lập tức, cháu bé được truyền máu cấp cứu và nội soi can thiệp để cầm máu. Sau khi can thiệp, bệnh nhi đã ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo.

Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, thường gặp ở người lớn. Tuy nhiên, hiện nay biến chứng này đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em.

Nguyên nhân có thể liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý, lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, stress kéo dài, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori và cả yếu tố di truyền.

Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi có các biểu hiện như đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội, buồn nôn/nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có mùi hôi tanh bất thường, da xanh xao, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm có vai trò quyết định để tránh tình trạng xuất huyết tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn như mất máu cấp, sốc, thậm chí tử vong.

Trước sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám. Hạn chế cho trẻ sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau khi không có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, nhất là trong các kỳ thi. Đồng thời, cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ.

Tin nổi bật