Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 9/5: Uống nhầm bột thông cống, bé trai bị bỏng thực quản

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Uống nhầm bột thông cống, bé trai bị bỏng thực quản; Cứu nam thanh niên bị viêm cơ tim cấp, tiên lượng nặng… là tin tức đời sống mới nóng ngày 9/5.

Uống nhầm bột thông cống, bé trai bị bỏng thực quản

Theo Thời báo VTV, bệnh nhi T.K. (2 tuổi, trú tại TP.HCM) được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trước dịp lễ 30/4 trong tình trạng bỏng toàn bộ khoang miệng do uống nhầm bột thông cống. Tai nạn xảy ra khoảng ba giờ trước khi bệnh nhi nhập viện.

Khi đến bệnh viện, bệnh nhi có biểu hiện sốt, đau rát dữ dội, không thể ăn uống, các dấu hiệu viêm nhiễm tăng cao. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức bằng truyền dịch, thuốc bảo vệ niêm mạc, thuốc giảm tiết axit và kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng. Bệnh nhi được nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng để đánh giá mức độ tổn thương, kết quả cho thấy bệnh nhi bị bỏng thực quản độ 2.

Ngay sau đó, bệnh nhi được đặt ống sonde dạ dày dưới hướng dẫn nội soi để nuôi ăn. Sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi cải thiện rõ rệt, có thể ăn uống trở lại và được xuất viện.

Bệnh nhi được đưa vào bệnh viện trong tình trạng bỏng toàn bộ khoang miệng do uống nhầm bột thông cống. Ảnh minh họa: Thời báo VTV

Theo thống kê của khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi năm đơn vị tiếp nhận khoảng 250 - 300 trường hợp liên quan đến dị vật tiêu hóa và uống nhầm hóa chất. Riêng trong Quý I năm nay, đã có 26 ca được cấp cứu thành công.

Tai nạn đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè khi trẻ hiếu động, tò mò và ít được giám sát. Các tai nạn thường gặp bao gồm uống nhầm hóa chất tẩy rửa, hóc dị vật, nuốt các vật nhỏ như pin, cúc áo, đồ chơi...

Phụ huynh cần lưu ý, ngay khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Không tự xử lý tại nhà bằng các biện pháp truyền miệng vì có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Dưới đây là 5 điều tuyệt đối không nên làm khi trẻ nuốt hóa chất ăn mòn:

- Không gây nôn

- Không cho uống chất trung hòa (chanh, sữa, giấm...)

- Không dùng chất pha loãng

- Không dùng than hoạt tính

- Không đặt ống sonde dạ dày mù (chỉ đặt khi có nội soi hướng dẫn)

Cứu nam thanh niên bị viêm cơ tim cấp, tiên lượng nặng

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận 1 trường hợp nam bệnh nhân trẻ mắc viêm cơ tim với các biểu hiện ban đầu là sốt cao, đau âm ỉ vùng thượng vị.

Cụ thể, trước khi vào viện, bệnh nhân 24 tuổi (ở Hà Nội) xuất hiện triệu chứng sốt nóng 5 ngày, đau bụng thượng vị âm ỉ 3 ngày. Ở nhà, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt dùng, sau đó đi siêu âm ổ bụng ở một cơ sở y tế, kết quả thể hiện có dịch ổ bụng. Sau đó, tiếp tục tự mua thuốc kháng sinh về uống nhưng tình trạng không đỡ. Ngày 16/4, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để thăm khám.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt nhiều, khó thở, đau tức ngực và đau thượng vị kèm theo nhịp tim nhanh 120 lần /phút. Ngay khi tiếp cận ban đầu tại khoa cấp cứu, bác sĩ đã nghi ngờ bệnh lý tim mạch và nhanh chóng thực hiện các thăm dò chẩn đoán cho bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy men tim tăng cao (Troponin T > 2000 ng/l) kèm theo biến đổi điện học trên điện tim, siêu âm tim có hình ảnh giảm nặng chức năng co bóp cơ tim.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở Hoàng Mai) thực hiện kỹ thuật ECMO cho người bệnh dưới sự chỉ huy của PGS.TS Hoàng Bùi Hải. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, tiên lượng nặng, được chuyển vào phòng hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện Đại học Y Hà Nôi (cơ sở Hoàng Mai) để điều trị và theo dõi. Bệnh nhân được các bác sĩ tiên lượng tình trạng nặng, nguy cơ cao đi vào sốc tim, rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.

Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện rung thất, ngừng tuần hoàn. Người bệnh ngay lập tức được hồi sinh tim phổi và tiến hành kỹ thuật ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể). Kỹ thuật này giúp tình trạng của bệnh nhân tốt hơn, chức năng tim được cải thiện, sau 7 ngày bệnh nhân được dừng ECMO, rút ống nội khí quản.

Hiện, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, không cần phải hỗ trợ oxy và thuốc vận mạch. Bệnh nhân được chuyển sang khoa Tim mạch để tiếp tục điều trị. Người bệnh tiếp tục được theo dõi và thực hiện những thăm dò sâu hơn để chẩn đoán và tiên lượng tình trạng phục hồi cơ tim trong giai đoạn tiếp theo.

Điều trị thành công cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối gặp biến chứng

Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, ngày 8/5, Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, vừa kịp thời điều trị thành công cho một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối gặp biến chứng.

Cụ thể, bệnh nhân Đ.T.Y (57 tuổi, ngụ tại TP.Thủ Đức) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở nặng, phù toàn thân và có biểu hiện vật vã, kích thích, các chỉ số sinh tồn ở mức đáng lo ngại.

Được biết, bệnh nhân đang điều trị ngoại trú tại khoa Nội thận - Thận nhân tạo với lịch chạy thận 3 lần/tuần. Ngoài ra, bệnh nhân có nhiều bệnh nền như bệnh thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, thiếu máu mạn, suy tim và đái tháo đường type 2.

Theo bác sĩ Đậu Thanh Tùng - khoa Nội thận - Thận nhân tạo, nguyên nhân chính khiến bệnh nhân gặp biến chứng là do không tuân thủ lịch chạy thận và chế độ ăn uống không phù hợp.

"Điều này dẫn đến tăng cân quá mức giữa các lần chạy thận, gây quá tải tuần hoàn và phù phổi cấp”, bác sĩ Tùng nói.

Sau 4 giờ điều trị tích cực bằng phương pháp lọc máu cấp cứu, kiểm soát huyết áp và hỗ trợ chức năng hô hấp, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và cải thiện rõ rệt.

Sau 4 giờ điều trị tích cực bằng phương pháp lọc máu cấp cứu, kiểm soát huyết áp và hỗ trợ chức năng hô hấp, tình trạng người bình đã ổn định và cải thiện rõ rệt. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Bác sĩ Tùng khuyến cáo người bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận định kỳ cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch chạy thận 3 lần/tuần. Kiểm soát chặt chẽ lượng dịch nhập và chế độ ăn và theo dõi cân nặng thường xuyên giữa các lần chạy thận, uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ.

"Việc tuân thủ điều trị không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây không chỉ là trách nhiệm với bản thân mà còn với cả gia đình", bác sĩ Tùng nhấn mạnh.

Tin nổi bật