Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, trường hợp một bệnh nhân lớn tuổi gần đây điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo người dân không nên chủ quan với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Cụ thể, bệnh nhân T.T.X (65 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) đến khám tại Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng của bệnh viện với các biểu hiện như đau bụng, đầy bụng, khó chịu và chán ăn kéo dài.
Qua nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện một khối bã thức ăn kích thước khoảng 4x4 cm trong dạ dày bệnh nhân. Theo thông tin từ bệnh sử, bệnh nhân có răng yếu và thường ăn các loại thức ăn khó tiêu như trái cây có nhựa. Đây là những thứ dạ dày khó tiêu hóa và có thể góp phần tạo thành khối bã.
Các bác sĩ và kỹ thuật viên của Trung tâm đã tiến hành nội soi để lấy toàn bộ khối bã ra khỏi dạ dày. Việc này giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ tắc nghẽn, loét hoặc thủng dạ dày - những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Thủ thuật diễn ra thuận lợi, an toàn và bệnh nhân đã hồi phục tốt sau đó.
Các bác sĩ và kỹ thuật viên tiến hành nội soi để lấy toàn bộ khối bã ra khỏi dạ dày. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
TS.BS Trần Thanh Hà - Quyền Giám đốc Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng giải thích, bã thức ăn dạ dày là một khối rắn hoặc nửa rắn hình thành từ thức ăn khó tiêu hoặc dị vật bị giữ lại lâu ngày trong dạ dày.
Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm ăn nhiều thực phẩm xơ cứng, trái cây có nhựa và chất khó tiêu như măng, rau sống, gân bò, trái cây xanh như hồng, hoặc do nuốt phải tóc, thuốc, sữa đông…
Tình trạng này thường diễn ra âm thầm và dễ bị bỏ qua vì các triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, khối bã có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét, chảy máu tiêu hóa, thậm chí gây thủng dạ dày.
Những người có nguy cơ cao bị bã thức ăn dạ dày bao gồm phụ nữ, người lớn tuổi có răng yếu, bệnh nhân tiểu đường bị rối loạn hoạt động dạ dày, người đã từng phẫu thuật dạ dày hoặc những người có thói quen ăn nhiều đồ ăn khó tiêu, trái cây xanh.
Đặc biệt, trẻ nhỏ hoặc người có rối loạn hành vi như ăn tóc, ăn đất cũng có thể gặp tình trạng này. Các dấu hiệu cảnh báo thường không rõ ràng, bao gồm đầy bụng, buồn nôn sau khi ăn, cảm giác khó tiêu, đau âm ỉ vùng bụng trên, ăn kém và sút cân.
Nếu khối bã lớn dần mà không được điều trị, người bệnh có thể bị nôn nhiều, tắc nghẽn tiêu hóa hoặc chảy máu tiêu hóa cấp tính. Khi đó, cần phải can thiệp y tế ngay lập tức.
Thời báo VTV đưa tin, bệnh nhân M.T.L. (61 tuổi, trú tại Long An) bất ngờ bị đau nhức bên chân trái khi đang chờ mua thuốc giảm đau. Chỉ trong vài phút, chân trái sưng to gấp đôi chân phải, chuyển màu tím tái và không thể đi lại. Bệnh nhân lập tức được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) cấp cứu.
Qua thăm khám và chụp CT có thuốc cản quang, bác sĩ xác định bà L. bị tắc tĩnh mạch chậu - đùi cấp, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến hoại tử và đoạn chi. Trước tình huống nguy cấp, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn đa chuyên khoa và quyết định thực hiện can thiệp nội mạch để tái thông mạch máu.
Huyết khối được lấy ra ngoài. Ảnh: Thời báo VTV
Theo bác sĩ CKI. Trần Nam Cao - Đơn vị Can thiệp mạch, bệnh nhân mắc hội chứng May-Thurner, một tình trạng hiếm gặp khi động mạch chậu phải chèn ép tĩnh mạch chậu trái, dẫn đến huyết khối. Nếu chỉ dùng thuốc kháng đông, bệnh sẽ dễ tái phát nặng hơn. Do đó, giải pháp tối ưu là can thiệp tái thông bằng kỹ thuật nội mạch.
Ca can thiệp kéo dài khoảng 2 giờ với 3 bước: đặt catheter tiêm thuốc tiêu sợi huyết, hút huyết khối bằng dụng cụ chuyên dụng và đặt stent nong rộng lòng tĩnh mạch bị chèn ép. Đây là phương pháp ít xâm lấn, giúp tái thông mạch máu hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát.
Sau can thiệp, chân bệnh nhân hết sưng tím, trở lại trạng thái bình thường chỉ sau 3 ngày. Bà có thể đi lại dễ dàng, sức khỏe hồi phục tốt.
Ca bệnh là lời nhắc cảnh báo quan trọng: không nên chủ quan với các triệu chứng đau sưng bất thường ở chân, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc có bệnh lý mạch máu tiềm ẩn. Khi thấy bất thường, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm.
Theo VOV, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) vừa phẫu thuật thành công một trường hợp bị chấn thương bụng kín hiếm gặp do tai nạn lao động, gây thủng ruột. Bệnh nhân là ông D.T.C. (52 tuổi, trú tại thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình).
Vào khoảng 9h ngày 30/4, trong lúc cắt cỏ thuê bằng máy có lưỡi cứng, ông C. bị một viên sỏi nhỏ bắn mạnh vào bụng khi lưỡi máy va phải viên sỏi. Ông nghe tiếng “bụp”, sau đó xuất hiện cơn đau bụng dữ dội. Ông C. nhanh chóng được đưa đến bệnh viện tuyến huyện rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.
Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng đau dữ dội vùng bụng, bụng gồng cứng kèm theo một vết thương nhỏ ở vùng hạ vị. Kết quả chụp CT- Scan vùng bụng cho thấy có dịch và khí trong ổ bụng, dấu hiệu nghi ngờ thủng tạng rỗng. Các bác sĩ trực cấp cứu khoa Ngoại Tổng hợp đã phẫu thuật nội soi khẩn cấp.
Các bác sĩ phẫu thuật cho nam bệnh nhân. Ảnh: VOV
Trong quá trình mổ, kíp phẫu thuật phát hiện ổ bụng nhiễm bẩn nặng, có một lỗ thủng ruột non và một lỗ thủng đại tràng sigma vùng chậu hông. Các bác sĩ đã tiến hành rửa sạch ổ bụng, khâu phục hồi ruột non và mở hậu môn nhân tạo tại vị trí thủng đại tràng.
Một tuần sau hậu phẫu, tình trạng bệnh nhân tiến triển tích cực, bụng mềm, dịch dẫn lưu khô, bệnh nhân sẽ được đóng hậu môn nhân tạo và kiểm tra dị vật còn sót (nếu có).