Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 9/5, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ) cho biết vừa phẫu thuật cứu ông Đ.Đ.T (53 tuổi, ở Đồng Tháp) khỏi nguy cơ tàn phế do gãy đốt sống cổ.
Trước khi nhập viện một ngày, ông T. trèo hái xoài thì trượt chân té từ độ cao khoảng 2–3 m xuống đất. Ông bất động một lúc nhưng vẫn tỉnh táo. Sau đó, thấy không đau cổ nhiều, không nôn ói và cử động lại được tay chân nên ông T. chỉ đến khám tại cơ sở y tế địa phương. Tuy nhiên, do lo ngại, gia đình đã đưa ông đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ kiểm tra lại.
Tại bệnh viện, kết quả CT cho thấy ông T. bị gãy trật nặng cột sống cổ đoạn C7–T1, thân đốt sống cổ C7 lệch hoàn toàn ra trước, kèm theo trật cài mặt khớp 2 bên. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ để đánh giá mức độ và các nguyên nhân khác gây chèn ép tủy, bệnh viện phát hiện chèn ép tủy sống di lệch đốt sống đơn thuần từ phía trước, không kèm theo theo tụ máu hay mảnh vỡ của xương hoặc đĩa đệm.
Ca mổ cấp cứu được tiến hành trong vòng gần 9 giờ và đã cứu người đàn ông thoát khỏi nguy cơ tàn phế. Ảnh: Người Lao Động
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Quang Hưng - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật thần kinh - Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, với kiểu gãy phức tạp này, trên 90% trường hợp có thể khiến bệnh nhân liệt tay chân.
Tuy nhiên, ông T. khá may mắn vì gãy mấu gai tách rời với thân đốt sống nên tủy sống chỉ bị di lệch và dập ít. Dù vậy, nếu không được phẫu thuật nắn chỉnh, giải ép và cố định kịp thời, ông dễ dẫn bị chèn ép tủy nặng hơn do sơ ý trong quá trình xoay trở.
Ca mổ cấp cứu được tiến hành trong vòng gần 9 giờ và đã cứu được ông T. thoát khỏi nguy cơ tàn phế.
Theo báo Công An Nhân Dân, ngày 9/5, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do bệnh dại.
Bệnh nhân được xác định là nữ (SN 1954, trú tại xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk). Trước đó, ngày 27/4, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn nên được người nhà đưa đến Trung Tâm Y tế huyện Ea H’Leo khám, điều trị.
Người phụ nữ bị mèo cắn vào bàn tay nhưng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Ảnh minh họa: Công An Nhân Dân
Đến 8h ngày 30/4, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, người mệt mỏi, kích thích, vật vã, sợ nước, sợ gió, không ăn uống được nên người nhà đã chuyển đến bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại, viêm loét dạ dày. Đến 14h cùng ngày, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà với chẩn đoán ra viện theo dõi bệnh dại và ít ngày sau, bệnh nhân tử vong.
Người nhà bệnh nhân cho biết, cách đây khoảng 2 năm, bệnh nhân bị mèo cắn vào bàn tay nhưng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Trong thời gian 2 năm trở lại đây, không rõ bệnh nhân có phơi nhiễm với bệnh dại hay không.
Theo báo Sức Khỏe & Đời sống, chiều 9/5, thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa cứu sống thành công một bệnh nhân bị ngộ độc rượu nặng.
Trước đó, sáng ngày 8/5, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T.H.H. (53 tuổi, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trong tình trạng khó thở, thở nhanh, tức ngực, tức bụng, huyết áp tụt, mạch nhanh.
Theo người nhà, trước đó, ông H. mua rượu về uống, một lúc sau xuất hiện trình trạng trên nên gia đình nhanh chóng đưa ông vào bệnh viện. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng do uống rượu, theo dõi ngộ độc methanol.
Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân bù dịch, thở máy. Đặc biệt, các y bác sĩ triển khai thành công kỹ thuật lọc máu hấp phụ bằng quả lọc HA230. Qua 6 tiếng lọc máu kết hợp phác đồ điều trị, bệnh nhân dần hồi phục ý thức, huyết động ổn định, không còn tình trạng toan máu. Các bác sĩ cũng tiến hành rút ống nội khí quản cho bệnh nhân.
Hiện tại, bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi kết quả các chỉ số xét nghiệm và có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi kết quả các chỉ số xét nghiệm. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bác sĩ Trần Tiền – Phó Trưởng khoa Cấp cứu – chống độc cho biết, người bị ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời do toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì để lại các biến chứng mờ mắt.
"Việc bệnh nhân có thể qua được cơn nguy hiểm là nhờ triển khai kịp thời kỹ thuật lọc máu hấp phụ bằng quả lọc HA230. Việc làm chủ được kỹ thuật này góp phần nâng cao hiệu quả trong việc cấp cứu, điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc cấp", Phó Trưởng khoa Cấp cứu – chống độc cho hay.