Theo VietNamNet, người đàn ông 44 tuổi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) chiều 11/5. Gia đình cho biết, sau khi bị ong đốt, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng: đau đầu, khó thở, tức ngực, đau bụng.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân kích thích, vật vã, tím môi, phù mặt - cổ, nổi vân tím toàn thân, khó thở liên tục, phổi giảm thông khí, mạch quay không bắt được, mạch bẹn nhanh nhỏ. Trên người có hơn 150 vết ong đốt chi chít, đỏ sẫm, phồng rộp gây đau nhức dữ dội.
Ngay lập tức, ekip bác sĩ khoa Cấp cứu nhận định đây là trường hợp sốc phản vệ độ 3 - mức độ nặng, có thể đe dọa tính mạng nếu không xử trí nhanh. Bệnh nhân được khẩn cấp điều trị theo đúng phác đồ: tiêm Adrenaline, thở oxy, truyền dịch, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn.
Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ: tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết tím môi, đỡ đau đầu và thở nhẹ. Bệnh nhân sau đó được chuyển tuyến trên để tiếp tục theo dõi và điều trị chống độc, kiểm soát tổn thương đa cơ quan do nọc độc ong gây ra.
Trên người bệnh nhân có hơn 150 vết ong đốt chi chít, đỏ sẫm, phồng rộp gây đau nhức dữ dội. Ảnh: VietNamNet
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nặng, có thể xảy ra trong vài giây đến vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên như nọc ong, thuốc, thực phẩm, côn trùng đốt…
Tình trạng sốc phản vệ giải phóng các chất trung gian hóa học làm rối loạn đa cơ quan trong cơ thể với các biểu hiện: rối loạn tri giác, mẩn ngứa, đau bụng, buồn nôn, khó thở do khí, phế quản co thắt, đặc biệt là gây tụt huyết áp, đe dọa trực tiếp tính mạng. Việc phát hiện, xử trí đúng, kịp thời sốc phản vệ sẽ tránh để lại hậu quả đáng tiếc cho người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi bị ong đốt, kiến đốt, sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống xuất hiện nổi ban đỏ toàn thân, ngứa kèm khó thở, đau bụng, buồn nôn, hay rối loạn ý thức, tụt huyết áp cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Theo báo Nhân Dân, sản phụ T. (42 tuổi) mang thai tuần thứ 36 mắc ung thư cổ tử cung vừa trải qua ca phẫu thuật kép đặc biệt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương: mổ lấy thai kết hợp cắt triệt để tử cung, vét hạch 2 bên để điều trị ung thư.
Trước đó, ở tuần thai thứ 26, sản phụ T. được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 1B3. Trong tình huống tưởng chừng phải đối diện với lựa chọn đau lòng giữa tính mạng của bản thân và sự sống của thai nhi bé nhỏ, sản phụ đã may mắn được các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tư vấn và điều trị theo phác đồ hóa trị tân hỗ trợ.
Đây là một phác đồ hiện đại giúp kiểm soát sự tiến triển của khối u, đồng thời bảo đảm an toàn cho thai kỳ trước khi tiến hành phẫu thuật ở thời điểm thích hợp.
Dưới sự theo dõi chặt chẽ của đội ngũ bác sĩ, thai nhi phát triển ổn định suốt 10 tuần sau hóa trị. Khi thai được 36 tuần và được đánh giá đủ điều kiện để can thiệp an toàn, TS.BS Nguyễn Văn Thắng - Trưởng khoa Phụ Ung thư đã chỉ định mổ lấy thai kết hợp phẫu thuật triệt căn.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho sản phụ. Ảnh: Nhân Dân
Theo TS.BS Nguyễn Văn Thắng, điều khó khăn nhất trong ca phẫu thuật này là nguy cơ chảy máu rất cao do thai kỳ làm tăng sinh mạch máu tử cung. "Chúng tôi đã phải phối hợp đa chuyên khoa, áp dụng các kỹ thuật mổ hiện đại nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho cả mẹ và bé”, bác sĩ chia sẻ.
Sau phẫu thuật, bé trai chào đời khỏe mạnh, sức khỏe của sản phụ ổn định và tiếp tục được theo dõi sát sao.
Trước đây, với những ca bệnh tương tự, việc phải chấm dứt thai kỳ sớm gần như là lựa chọn bắt buộc để điều trị ung thư kịp thời cho mẹ. Tuy nhiên, nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại trong việc cập nhật phác đồ điều trị, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương hoàn toàn có thể điều trị ung thư song song việc duy trì thai kỳ, mở ra hy vọng làm mẹ cho những sản phụ không may mắc bệnh trong giai đoạn mang thai.
TS.BS Nguyễn Văn Thắng khuyến cáo, ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị hiệu quả. Vì vậy, việc chủ động khám phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung và tiêm phòng HPV là điều mà mọi phụ nữ đều nên thực hiện.
Theo Thời báo VTV, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa nặng dẫn đến sốc mất máu nguy kịch.
Trước đó, bệnh nhi được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng nôn máu đỏ tươi và tiêu phân máu nhiều lần. Theo lời kể gia đình, bệnh nhi có biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi và nôn ra máu, sau đó nhanh chóng rơi vào tình trạng lơ mơ, da xanh, huyết áp tụt, mạch nhanh – dấu hiệu của sốc mất máu nặng.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã khẩn trương đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy, truyền dịch chống sốc và tiến hành truyền cấp cứu 30 đơn vị chế phẩm máu, bao gồm hồng cầu lắng, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh và tiểu cầu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ CKII. Ông Huy Thanh - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, dù đã truyền lượng lớn máu và hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhi vẫn không cải thiện rõ rệt. "Lúc đó, nguy cơ tử vong rất cao do không thể kiểm soát được điểm chảy máu trong đường tiêu hóa", bác sĩ Ông Huy Thanh nhận định.
Cuộc can thiệp được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Ảnh: Thời báo VTV
Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ đã phối hợp cùng ekip nội soi tiêu hóa từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để tiến hành hội chẩn và can thiệp khẩn cấp. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi tiêu hóa để xác định và cầm điểm chảy máu trong ống tiêu hóa.
Cuộc can thiệp được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Nhờ phối hợp nhịp nhàng và năng lực chuyên môn cao của hai ekip, điểm xuất huyết được xử lý kịp thời, giúp bệnh nhi vượt qua giai đoạn nguy kịch.
Sau can thiệp, các chỉ số sinh tồn của bé cải thiện đáng kể: mạch 100 lần/phút, huyết áp 122/70 mmHg, nhiệt độ ổn định 37,2 độ C và hematocrit đạt 36%. Bệnh nhi không còn tiêu máu thêm, tỉnh táo dần và tiếp tục được theo dõi tích cực tại khoa hồi sức.
Theo bác sĩ Ông Huy Thanh, đây là trường hợp điển hình cho thấy tầm quan trọng của chẩn đoán sớm, xử trí nhanh và đặc biệt là sự phối hợp liên viện trong cấp cứu bệnh nhi nặng.
"Trong những ca sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa như thế này, từng phút giây đều quyết định sự sống còn. Nếu chậm trễ trong chẩn đoán hoặc thiếu nguồn máu cấp cứu, nguy cơ tử vong là rất cao", ông nhấn mạnh.