Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 15/5: Khối bướu “khủng” chiếm gần hết ổ bụng người đàn ông

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Khối bướu “khủng” chiếm gần hết ổ bụng người đàn ông; Cứu sống bé 10 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng… là những tin tức đời sống mới nóng ngày 15/5.

Khối bướu “khủng” chiếm gần hết ổ bụng người đàn ông

Theo TTXVN, ngày 14/5, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa của bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp, loại bỏ khối bướu “khổng lồ” 8kg đang làm di lệch, suy yếu chức năng cơ quan nội tạng của người đàn ông 47 tuổi.

Trước đó, anh N.V.T (47 tuổi, ngụ tỉnh Long An) cảm thấy xuất hiện những cơn căng tức vùng bụng, nhức mỏi về đêm sau những giờ lái xe tải đường dài.

Ban đầu, anh cho rằng do đặc thù công việc lái xe và sở thích uống bia khiến bụng ngày càng phình to, gây cảm giác nặng nề. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bụng anh  trở nên căng cứng, nhô hẳn về phía trước và hai bên hông nên đã đi khám bệnh tại bệnh viện địa phương.

Kết quả siêu âm ở địa phương cho thấy, người đàn ông có một khối bướu choán gần hết ổ bụng nên được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân TP.HCM để tìm phương án xử lý.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: TTXVN

Bác sĩ Nguyễn Phúc Minh - Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa cho biết, kết quả chụp MRI bụng cho thấy có một khối bướu trong ổ bụng bệnh nhân với đường kính lên đến 40cm, cấu trúc tương đồng với mô mỡ, chiếm gần toàn bộ ổ bụng và bao quanh thận phải.

Nghiêm trọng hơn, khối bướu dính và chèn ép các mạch máu lớn như động mạch, tĩnh mạch chủ bụng và các mạch máu lân cận làm suy giảm chức năng thận. Các bác sĩ đã hội chẩn toàn viện để lên phương án phẫu thuật tốt nhất. Bệnh viện Bình Dân đã huy động bác sĩ các chuyên khoa Ngoại Tổng quát, Phẫu thuật Tim-Mạch máu, Tiết niệu và Gây mê hồi sức phối hợp thực hiện.

Các bác sĩ loại bỏ khối bướu dây dính sau phúc mạc, đồng thời bảo tồn thận phải, bóc tách các mạch máu để giảm tổn thương và tránh mất máu. Công tác gây mê hồi sức cũng được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Sau hơn 5 giờ phẫu thuật, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. Hai ngày sau mổ, người bệnh đã có thể ăn uống như trước và bắt đầu vận động.

Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Minh, bướu mỡ (Liposarcoma) là bệnh lý ác tính hiếm gặp. Bướu mỡ sau phúc mạc thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 60 đến 70. Bướu mỡ có thể phát triển ở nhiều nơi trong cơ thể, phổ biến nhất là ở các chi và sau phúc mạc.

Trước đó, Bệnh viện Bình Dân cũng từng tiếp nhận những trường hợp bướu mỡ, bướu sau phúc mạc âm thầm lớn dần trong bụng người bệnh; đặc biệt từng có một nữ bệnh nhân 27 tuổi, mang thai 15 tuần, cũng phát hiện một khối bướu lớn có đường kính khoảng 40cm đang chèn ép trực tiếp vào tử cung, gây nguy hiểm cho thai nhi.

Người bệnh sau đó đã được phẫu thuật để lấy ra khối bướu nặng hơn 5kg. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đó là một khối bướu mỡ, nhờ phẫu thuật kịp thời nên thai kỳ của người bệnh tiến triển tốt và đã sinh con tự nhiên.

Bác sĩ Minh khuyến cáo người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm ít nhất 1 lần để phát hiện sớm các bất thường, tránh những biến chứng phức tạp.

Cứu sống bé 10 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng

Theo Thời báo VTV, trước nhập viện, bệnh nhi H.N.G.H. (10 tuổi, trú tại Bình Chánh, TP.HCM) sốt cao liên tục trong 2 ngày. Đến ngày thứ ba, bé bắt đầu đau bụng, ói ra dịch nâu, tay chân lạnh.

Gia đình đưa bệnh nhi đến bệnh viện địa phương trong tình trạng mạch nhẹ, chi mát, huyết áp tụt còn 80/70 mmHg. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 3, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ.

Tuy nhiên, bệnh tiếp tục diễn tiến xấu với các dấu hiệu suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại đây, các bác sĩ xác định trẻ bị sốc sốt xuất huyết nặng độ 3, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan trên nền cơ địa béo phì.

Các bác sĩ xác định bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng độ 3, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan trên nền cơ địa béo phì. Ảnh: Thời báo VTV

Bệnh nhi được truyền dịch cao phân tử (Dextran 40%), albumin, thuốc vận mạch, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn qua thiết bị xâm lấn như đo huyết áp động mạch, áp lực tĩnh mạch trung ương và bàng quang.

Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm nhập, sau đó đặt nội khí quản và thở máy sớm. Ekip tiến hành chọc dò màng bụng để giải áp.

Để kiểm soát tình trạng rối loạn đông máu và xuất huyết tiêu hóa nặng, trẻ được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, bổ sung vitamin K1 và điều trị hỗ trợ gan.

Nhờ can thiệp tích cực và kịp thời, sau gần 12 ngày điều trị, bệnh nhi dần bình phục, cai được máy thở, tỉnh táo và chức năng gan thận trở lại bình thường.

Các bác sĩ khuyến cáo, mùa mưa là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, phụ huynh cần chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết bằng các biện pháp như: diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng, vệ sinh nơi ở, không để nước đọng.

Khi trẻ sốt cao trên 2 ngày và có một trong các dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay: Bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, nói sảng; Ói ra máu, tiêu phân đen, chảy máu cam/máu răng; Đau bụng, ói nhiều; Tay chân lạnh; Lừ đừ, bỏ bú, bỏ ăn uống.

Hãi hùng phát hiện đỉa còn sống bám vào khí quản bé 3 tuổi

Tạp chí Gia Đình Việt Nam đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương mới đây đã tiếp nhận một số ca "dị vật sống" nguy hiểm trong đường thở, điển hình là trường hợp bệnh nhi S.A L. (3 tuổi, ở Phù Yên, Sơn La).

Gia đình bệnh nhi chia sẻ, cách ngày vào viện khoảng 2 tuần, trẻ tắm suối cùng anh trai, sau đó vài ngày trẻ xuất hiện cơn ho từng đợt, khạc ra máu tươi, thỉnh thoảng khản tiếng kèm thở khò khè và có cảm giác như có con gì bò trong họng.

Gia đình đã đưa trẻ đến cơ sở y tế địa phương, tại đây các bác sĩ nghi ngờ trẻ có dị vật khí quản và chuyển tuyến lên Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp tục thăm khám, điều trị.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Huệ ở khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng ho khò khè, không khó thở, không sốt…

Sau khi thăm khám, bệnh nhi được xác định có dị vật là một con đỉa còn sống đang bám vào khí quản. Các bác sĩ đã tiến hành gây mê và nội soi khí quản ống cứng lấy dị vật cho bệnh nhi. Dị vật gắp ra là một con tắc te (đỉa suối) còn sống dài khoảng 5cm.

Hiện tại, bệnh nhi không còn các triệu chứng trước đó, tình trạng sức khoẻ ổn định và đã được ra viện.

Dị vật là con đỉa được gắp ra ngoài. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Theo bác sĩ Huệ, dị vật đỉa suối sống hút máu gây tổn thương đường hô hấp, kích thích xuất tiết dịch đường hô hấp gây nhiều vi khuẩn, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi.

Đặc biệt, dị vật đỉa suối nếu di chuyển sâu xuống phổi có thể gây xẹp phổi, viêm phổi tái phát,… nếu di chuyển lên mũi có thể gây chảy máu mũi từng đợt.

Đỉa suối chui vào và ký sinh trong tai, mũi, họng không phải là trường hợp hiếm gặp, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi nơi người dân có thói quen tắm suối hoặc sử dụng nước chưa qua xử lý.

Khi có các dấu hiệu như chảy máu mũi, khóc khàn, nói khàn, khò khè, khó thở, có cảm giác con gì bò trong mũi, họng…, mọi người nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thăm khám, xử trí kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc sau này.

Tin nổi bật