Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 18/5: Cứu sống bé 14 tuổi bị vỡ tim do tai nạn giao thông

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Cứu sống bé 14 tuổi bị vỡ tim do tai nạn giao thông; Bé gái bị đồng nhiễm nhiều loại giun sán gan, phổi… là những tin tức đời sống mới nóng ngày 18/5.

Cứu sống bé 14 tuổi bị vỡ tim do tai nạn giao thông

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, bệnh nhi N.H (14 tuổi, trú tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) bị tai nạn giao thông và bất tỉnh tại chỗ, được người dân đưa đến sơ cứu tại bệnh viện tuyến dưới. Sau khi được cấp cứu ban đầu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng huyết áp phụ thuộc vào hai loại thuốc vận mạch, đa chấn thương, tiên lượng rất nặng.

Nhận định đây là một tình huống cấp cứu tối khẩn cấp, ngay lập tức, các bác sĩ khoa Cấp cứu và khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực đã nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa, chẩn đoán người bệnh bị sốc đa chấn thương do tai nạn giao thông: Chấn thương tim, chấn thương bụng kín, chấn thương ngực kín và quyết định phẫu thuật cho người bệnh ngay lập tức.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Ca phẫu thuật cấp cứu do ekip của khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực thực hiện đã diễn ra nhanh chóng, đảm bảo khẩn trương và chính xác. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ cưa xương ức, mở lồng ngực kiểm tra thấy màng tim có nhiều máu cục lẫn máu loãng, phát hiện tổn thương tim là vỡ tiểu nhĩ trái.

Sau khi nỗ lực kiểm soát được tình trạng chảy máu và tổn thương tim, ekip tiếp tục phối hợp cùng các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa – Gan mật nội soi ổ bụng kiểm tra thăm dò và tiếp tục xử trí các tổn thương khác.

Sau phẫu thuật, người bệnh ổn định, được bác sĩ tại các chuyên khoa sâu tiếp tục phối hợp theo dõi và điều trị. 10 ngày sau, người bệnh đã hoàn toàn ổn định, các chỉ số sinh tồn và xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường và được ra viện.

Bác sĩ nội trú Dương Xuân Phương – Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Chấn thương vỡ tim là một cấp cứu ngoại khoa hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. 

Trong trường hợp này, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt là nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện về việc ‘phải cứu sống cháu bé bằng mọi giá’, tôi và các đồng nghiệp đã chạy đua với thời gian, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa nhiều chuyên khoa khác nhau của bệnh viện, nỗ lực giành lại sự sống cho người bệnh”.

Bé gái bị đồng nhiễm nhiều loại giun sán gan, phổi

VietnamPlus đưa tin, ngày 17/5, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) thông tin các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt là trường hợp bé gái 4 tuổi (ở xã Tả Ngảo, Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) bị đồng nhiễm nhiều loại giun sán gan, phổi.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, thành bụng bên mạn sườn trái có nốt sưng phồng, không biến đổi màu sắc da, đau nhẹ khi thăm khám thượng vị, ăn ít, không quấy khóc.

Theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, khoảng 2 tháng trước, bệnh nhi có biểu hiện đau ở vùng thượng vị, đau ở mạn sườn trái, kèm theo có sốt nhưng do cháu đang bị sởi nên gia đình không đưa đi khám.

Gần đây, bệnh nhi đau vùng thượng vị, gia đình đưa khám ở Bệnh viện tỉnh Lai Châu phát hiện tổn thương gan. Sau đó, bệnh nhi được đưa đến khám tại cơ sở y tế khác của tuyến trung ương, có điều trị uống thuốc theo đơn, nhưng tình trạng trên không thay đổi.

Gia đình cũng cho biết thêm, hàng ngày ngoài giờ đi trẻ, cháu ở nhà chơi với các anh chị, hay có thói quen nướng cua đá ăn.

Bác sĩ siêu âm, kiểm tra cho bé gái. Ảnh: VietnamPlus

Bệnh nhi được chỉ định làm các xét nghiệm, tổng phân tích tế bào máu 22 chỉ số, sinh hóa, miễn dịch, soi phân tập trung. Xét nghiệm các kháng thể sán lá gan lớn, sán lá phổi, siêu âm ổ bụng tổng quát, siêu âm phần mềm thành bụng bên bên trái...

Theo bác sĩ điều trị, trẻ bị áp xe gan mật và lạc chỗ trong cơ thành bụng do sán lá gan lớn đồng nhiễm sán lá phổi, giun đũa, sán lá gan nhỏ.

Bệnh sán lá gan lớn thường xảy ra khi ăn phải rau sống có chứa ấu trùng sán hay uống nước lã có ấu trùng giai đoạn nhiễm. Trường hợp bệnh nhi trên được các bác sĩ chú ý do sán lá gan lạc chỗ đồng nhiễm sán lá phổi.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bệnh sán lá gan lớn hay các bệnh sán là bệnh có từ lâu, người bệnh thường không để ý nên không được phát hiện ra bệnh sớm, chỉ khi có dấu hiệu bất thường, hoặc tới cơ sở khám bệnh mới phát hiện bệnh.

Các triệu chứng của người nhiễm sán lá gan lớn cũng như các bệnh ký sinh trùng khác bao gồm: Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, có thể kéo dài có thể xen kẽ táo bón kèm theo, cùng với đó là các biểu hiện: đau bụng buồn nôn, nôn, hoặc triệu chứng ăn uống kém, sút cân…

Các bác sĩ cũng cho hay, với trường hợp trẻ 4 tuổi có tổn thương gan và tổn thương lạc chỗ do sán lá gan lớn đồng nhiễm sán lá phổi, giun đũa, sán lá gan nhỏ, là ca bệnh sán lá gan lớn hiếm gặp. Nguyên nhân để bé 4 tuổi nhiễm sán lá gan lớn cũng không loại trừ trong sinh hoạt hàng ngày có thể bé vô tình ăn hoặc có tiếp xúc với nguồn bệnh mà không biết.

Để phòng chống bệnh sán lá gan lớn và các bệnh ký sinh trùng khác, các bác sĩ khuyến cáo, đối với cá nhân cần chú trọng vệ sinh cá nhân (đặc biệt là rửa tay sạch bằng xà phòng và cắt ngắn móng tay) nhất là trước khi ăn, ăn uống an toàn, tập luyện thể thao nâng cao sức đề kháng cơ thể, không nên ăn cua đá nướng chưa chín.

Đồng thời, khi có nghi ngờ nhiễm bệnh nên đến khám và xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Với bệnh nhân sau khi điều trị khỏi bệnh, cần theo dõi sức khỏe và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh tránh việc tái nhiễm.

Đối với cộng đồng, để phòng bệnh do ký sinh trùng gây ra, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần không ăn thức ăn chưa nấu chín như các loại rau thuỷ sinh nấu chưa chín, cua đá nướng chưa chín, gỏi cá, không uống nước lã, không ăn gan động vật sống.

Người đàn ông 73 tuổi bị nhiễm trùng nặng do áp xe thận

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 16/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết, nam bệnh nhân N.V.T. (73 tuổi), nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, tiểu buốt, đau vùng hông, lưng phải và tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Sau đó, bệnh nhân nhập viện tại một cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Sau hội chẩn thống nhất, cơ sở y tế trên đã chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận để điều trị. Kết quả thăm khám và xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân mắc đồng thời các bệnh lý: nhiễm khuẩn huyết, áp xe thận phải kèm nang thận bội nhiễm, viêm phổi và hội chứng Cushing.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và gút mạn tính, làm gia tăng nguy cơ biến chứng và đòi hỏi quá trình điều trị phải được theo dõi chặt chẽ.

Tình trạng bệnh nhân đến nay đã cải thiện, các chỉ số sinh tồn ổn định. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Trước tình trạng nhiễm trùng tiến triển nặng, các bác sĩ khoa Ngoại thận - Tiết niệu tiến hành hồi sức tích cực, điều trị nội khoa và can thiệp dẫn lưu áp xe thận nhằm kiểm soát ổ nhiễm. Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực. Đến nay, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, các chỉ số sinh tồn ổn định.

Bác sĩ CKI Đàng Quốc Phương - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng do áp xe thận trên nền bệnh mạn tính. Việc dẫn lưu áp xe kịp thời đã giúp kiểm soát ổ nhiễm hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Đây là kết quả của sự phối hợp nhanh chóng và chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong bệnh viện".

Các bác sĩ cho biết, áp xe thận là tình trạng tụ mủ khu trú trong nhu mô hoặc vùng quanh thận, thường là hậu quả của viêm bể thận cấp tính hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu kéo dài không điều trị đúng cách. Bệnh có thể diễn tiến nhanh, gây nhiễm khuẩn huyết, suy thận, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa áp xe thận và các biến chứng nguy hiểm liên quan đến đường tiết niệu, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng những thói quen như uống đủ nước mỗi ngày, không nhịn tiểu và giữ vệ sinh đúng cách.

Đặc biệt, đối với những người có yếu tố nguy cơ như mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, tiền sử nhiễm trùng tiểu tái phát hoặc suy giảm miễn dịch, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ càng trở nên quan trọng để bảo vệ chức năng thận và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin nổi bật