Theo Thời báo VTV, bệnh nhân bị sốc phản vệ độ III sau 2 giờ ăn nhộng tằm, được Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai) cấp cứu kịp thời, hiện đã ổn định sau theo dõi điều trị tích cực.
Trước đó, vào 23h10 ngày 20/5, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam trong tình trạng khó thở, thở nhanh nông, nồng độ oxy trong máu giảm thấp, môi tím tái, toàn thân vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh và run rẩy toàn thân.
Qua thăm khám và chẩn đoán, bệnh nhân được xác định sốc phản vệ độ III do ăn nhộng tằm, thời điểm nhập viện là giờ thứ 2 kể từ khi ăn.
Kíp trực đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế. Bác sĩ Hoàng Văn Chung - người trực tiếp tiếp nhận và điều trị cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch. Sau xử trí tích cực, bệnh nhân có tiến triển chậm, tiếp tục được duy trì điều trị theo phác đồ. Đến sáng hôm sau, bệnh nhân đã ổn định hơn, các triệu chứng giảm rõ rệt.
Người đàn ông bị sốc phản vệ sau khi ăn nhộng tằm. Ảnh minh họa: Thời báo VTV
Nguyên nhân ngộ độc nhộng tằm rất đa dạng, có thể do người tiêu dùng mua phải nhộng đã để lâu, bị ôi hỏng làm chất đạm bị phân hủy gây độc, hoặc nhộng bị ngâm hóa chất nhằm làm căng, đẹp, dễ bán. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với chất bảo quản natri sunfit có trong nhộng.
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc và sốc phản vệ, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn mua nhộng tằm tươi, rõ nguồn gốc, tránh mua nhộng để lâu, có dấu hiệu hư hỏng hoặc từ những người bán rong không rõ xuất xứ. Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng nên thận trọng hoặc hạn chế sử dụng loại thực phẩm này nhằm tránh các phản ứng nghiêm trọng.
Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên khuyến cáo mọi người nên lưu ý khi sử dụng thực phẩm, phát hiện dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế ngay để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Theo báo Xây Dựng, ngày 21/5, ThS.BS Nguyễn Khắc Điệp ở khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện E cho biết, các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân (26 tuổi, ở Hà Nội), đến viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng hố chậu phải, đau tăng dần và liên tục, lan xuống vùng hạ vị, kèm theo sốt.
Nghi ngờ bệnh nhân viêm ruột thừa, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám, chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Kết quả, bệnh nhân bị viêm phúc mạc ruột thừa, một biến chứng nặng do ruột thừa vỡ. Ngay lập tức, các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu, tránh nguy cơ nhiễm trùng ổ bụng lan rộng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân cho biết, khoảng một tuần trước khi nhập viện, có xuất hiện triệu chứng đau âm ỉ vùng quanh rốn, sau đó đi khám nhưng được chẩn đoán đau dạ dày, kê đơn thuốc điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, các cơn đau không thuyên giảm mà tăng dần, kèm sốt và mệt mỏi. Thay vì tái khám, nữ bệnh nhân lại tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau tại nhà. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, người phụ nữ này được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện E.
Bệnh nhân bị viêm phúc mạc ruột thừa, một biến chứng nặng do ruột thừa vỡ. Ảnh: Báo Xây Dựng
Bác sĩ Điệp cho hay, viêm phúc mạc ruột thừa là do ruột thừa viêm bị vỡ, làm mủ tràn vào ổ bụng. Nhiễm trùng phúc mạc do vỡ ruột thừa được đánh giá là tình trạng rất nguy hiểm vì vi khuẩn có thể lây lan nhanh khắp ổ bụng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Với ca bệnh này, bác sĩ Điệp nhận định, do bệnh nhân chậm trễ điều trị dẫn đến tình trạng biến chứng viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải xử lý một lượng lớn dịch mủ ổ bụng, làm sạch khoang bụng triệt để và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt để tránh nguy cơ nhiễm trùng lan tỏa sau mổ. Đồng thời, người bệnh cần được theo dõi sát sau phẫu thuật và sử dụng kháng sinh phổ rộng nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Diệp, so với giai đoạn viêm ruột thừa cấp, viêm phúc mạc ruột thừa gây ra nhiều triệu chứng nhưng vẫn có thể nhầm lẫn với bệnh lý rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày… với các biểu hiện như đi ngoài, nôn khan, sốt, cơn đau bụng âm ỉ, lan tỏa và ít khu trú tại một điểm nên rất khó phát hiện bệnh.
Vì vậy, viêm ruột thừa cấp là cấp cứu ổ bụng trong ngoại khoa. Người bệnh không nên chủ quan với các dấu hiệu đau bụng kèm theo sốt, rối loạn tiêu hóa… và tự ý sử dụng thuốc điều trị giảm cơn đau.
Điều đó sẽ làm che lấp các triệu chứng diễn biến của bệnh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hơn như: vỡ ruột thừa, tắc ruột, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng huyết, thậm chí có thể gây tử vong.
Khi có bất kỳ biểu hiện đau bất thường nào, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe và tính mạng
Theo TTXVN, chiều 21/5, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, bệnh viện vừa kịp thời cứu sống người đàn ông bị ngộ độc do ăn nấm lạ. Bệnh nhân là ông L.V.P (SN 1973, trú tại thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).
Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 10h ngày 21/5, ông P. ra vườn thấy 3 cây nấm màu trắng nên hái vào nướng ăn. Sau khi ăn, ông có biểu hiện chóng mặt, khó thở, buồn nôn… nên được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện Tam Đường để chữa trị.
Các bác sĩ đang theo dõi và sẽ cho bệnh nhân xuất viện khi sức khỏe trở lại bình thường. Ảnh: TTXVN
Tại đây, các bác sĩ đã cho thở oxy, lợi tiểu, nhuận tràng giảm đau… nhưng tình trạng của ông P. có dấu hiệu nặng hơn nên khoảng 14h30 cùng ngày đã chuyển lên tuyến trên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu để chữa trị.
Tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, các bác sĩ đã điều trị theo phác đồ: Truyền kháng sinh, truyền điện giải, xét nghiệm máu, siêu âm…
Bác sĩ Giàng A Phương ở khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân P. cho biết, hiện bệnh nhân đã tỉnh, sức khỏe có chiều hướng tích cực. Các bác sĩ đang theo dõi và sẽ cho bệnh nhân xuất viện khi sức khỏe trở lại bình thường.