Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 23/5: Vòng khóa siết chặt ngón tay bé trai, gia đình cưa cửa đưa đi cấp cứu

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Vòng khóa siết chặt ngón tay bé trai, gia đình cưa cửa đưa đi cấp cứu, Cô gái nguy kịch vì sốc sốt xuất huyết Dengue nặng… là tin tức đời sống mới nóng ngày 23/5.

Vòng khóa siết chặt ngón tay bé trai, gia đình cưa cửa đưa đi cấp cứu

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận bé trai 6 tuổi trong tình trạng ngón tay sưng nề, bầm tím, có vòng kim loại siết chặt ở gốc ngón, gây đau đớn và hạn chế vận động. Dị vật là một vòng móc khóa bằng kim loại, kẹt cứng và không thể tháo rời bằng tay.

Theo lời kể của gia đình, khoảng 2 giờ trước khi nhập viện, bé chơi đùa và cho tay vào vòng khóa cửa. Sau đó, bé không thể rút tay ra được. Do không có người lớn ở nhà, bé bị mắc kẹt trong khoảng 1 giờ cho đến khi bố trở về. Gia đình đã cố gắng tháo vòng nhưng không thành công, buộc phải cưa cả khối cửa, mang theo trẻ và dị vật đến bệnh viện.

Các bác sĩ ghi nhận, vòng sắt siết chặt quanh gốc ngón III (ngón giữa), ngón tay sưng to, kích thước gấp 1,5 lần so với bình thường, có hiện tượng ứ máu tĩnh mạch, da quanh ngón bị trầy xước do những nỗ lực tháo gỡ trước đó.

Vòng khóa cửa được tháo ra khỏi tay bệnh nhi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Đây là trường hợp nguy hiểm do máu động mạch vẫn lưu thông lên ngón nhưng máu tĩnh mạch không thoát ra được, khiến ngón tay sưng nề nhanh chóng. Nếu không được xử lý kịp thời, việc tháo vòng sẽ ngày càng khó khăn, nguy cơ hoại tử ngón do thiếu máu hoàn toàn là rất cao.

Ngay lập tức, ekip cấp cứu phối hợp với bác sĩ Ngoại khoa hoàn tất thủ tục và đưa trẻ vào phòng mổ khẩn cấp. Dưới gây mê tĩnh mạch và gây tê vùng, trẻ được tiến hành lấy dị vật bằng kỹ thuật chuyên biệt: giảm sưng chủ động, sử dụng dụng cụ đặc hiệu và gel bôi trơn. Sau 20 phút, vòng sắt được tháo bỏ hoàn toàn mà không gây thêm tổn thương. Tuần hoàn ngón tay trở lại bình thường, vận động linh hoạt.

Hai giờ sau phẫu thuật, trẻ tỉnh táo, sinh hoạt ổn định và được ra viện trong ngày. Qua theo dõi sau 24 giờ, ngón tay phục hồi tốt, không có dấu hiệu tổn thương chức năng.

Đây là một ca cấp cứu thành công nhờ trẻ được đưa đến bệnh viện sớm và được xử trí kịp thời, chính xác. Nếu chậm trễ, vòng kim loại có thể gây thiếu máu kéo dài, dẫn đến hoại tử, mất chức năng ngón tay, thậm chí cần can thiệp phẫu thuật phức tạp hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ gặp tai nạn như kẹt ngón tay, bị dị vật siết chặt tay, chân hoặc bị bó bởi vật lạ, phụ huynh không nên tự ý xử lý bằng cách giật mạnh hoặc dùng lực tháo gỡ thô bạo, tránh gây thêm tổn thương mô. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử trí đúng chuyên môn.

Cô gái nguy kịch vì sốc sốt xuất huyết Dengue nặng

Theo Thời báo VTV, bệnh nhân H.T. (21 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) ban đầu xuất hiện các triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng âm ỉ. Do nghĩ rằng mình chỉ bị rối loạn tiêu hóa hoặc cảm cúm thông thường, chị tự mua thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, các triệu chứng không cải thiện mà ngày càng trầm trọng hơn: đau bụng dữ dội, nôn ói không kiểm soát, cơ thể kiệt sức. Gia đình lập tức đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.

Tại khoa Khám bệnh, bệnh nhân được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả ghi nhận tiểu cầu giảm còn 36.000/uL, men gan tăng cao, chụp MSCT phát hiện phù nề túi mật, tụ dịch ổ bụng và màng phổi với số lượng nhiều - biểu hiện của tình trạng thoát dịch nặng.

Dù bệnh nhân không sốt cao hay xuất huyết ngoài da, xét nghiệm NS1Ag cho kết quả dương tính với virus Dengue. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội tổng quát để điều trị tích cực theo phác đồ có dấu hiệu cảnh báo.

Tình trạng bệnh tiến triển nặng nhanh chóng. Bệnh nhân rơi vào sốc sốt xuất huyết Dengue, phải truyền dịch cao phân tử, Albumin, theo dõi sát chỉ số sinh tồn và truyền tiểu cầu do xuất huyết dưới da. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị thoát dịch nặng ra màng phổi và màng bụng, tăng men gan cao và cô đặc máu nghiêm trọng - những biểu hiện đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Sau 9 ngày điều trị, nhờ theo dõi sát sao và can thiệp kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh học dần ổn định và được xuất viện.

Bác sĩ CKI. Hồ Ngọc Việt – Trưởng Khoa Nội tổng quát cho biết: "Trường hợp của bệnh nhân T. là minh chứng rõ ràng cho việc sốt xuất huyết Dengue không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng sốt cao hay chảy máu ngoài da.

Nhiều trường hợp khởi phát âm thầm, triệu chứng không điển hình như mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, khiến người bệnh chủ quan và tự điều trị tại nhà. Nếu không phát hiện và can thiệp sớm, người bệnh có thể rơi vào sốc, tổn thương đa cơ quan, nguy cơ tử vong rất cao".

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể gây biến chứng nặng như suy gan, suy thận, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, tổn thương đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Bệnh viện khuyến cáo người dân không nên chủ quan với các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Khi có biểu hiện như sốt, đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi không rõ nguyên nhân… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Đặc biệt, trong mùa cao điểm sốt xuất huyết, việc phòng ngừa muỗi đốt và nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt trong kiểm soát dịch bệnh.

Phát hiện con vắt dài khoảng 4cm sống trong mũi người đàn ông

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa thực hiện ca nội soi và gắp thành công con vắt sống trong mũi anh H.V.T. (43 tuổi, trú tại xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

Anh T. cho biết cách đây 5 ngày có đi rừng và tắm khe. Sau khi về nhà anh thấy đau, ngứa, chảy máu mũi nên đến bệnh viện thăm khám.

Con vắt dài khoản 4cm được gắp ra ngoài. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bác sĩ nội soi, xác định có dị vật bên trong hốc mũi bệnh nhân là một con vắt có kích thước khoảng 4cm, to bằng đầu đũa nên tiến hành gắp nó ra ngoài, sau đó rửa mũi và sát khuẩn cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, hiện tượng vắt lọt vào và khu trú trong mũi được bắt gặp nhiều với những người dân sống vùng sâu, vùng xa có thói quen rửa mặt và uống nước suối. Qua đường miệng, vắt sẽ lọt vào cơ thể, luồn lách vào các xoang hàm, xoang trán, xoang bướm (ở mũi) hoặc có thể xuống vùng họng, vùng thanh quản. Triệu chứng thường gặp là chảy máu mũi, ho ra máu, đau ngực, khó thở, đôi khi khàn tiếng.

Bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi rừng không nên rửa mặt hay uống nước ở khe suối. Khi cơ thể có biểu hiện bất thường, chảy máu không rõ nguyên nhân cần đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Tin nổi bật