Theo VTV Times, khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai mới tiếp nhận và điều trị cho một ca bệnh bị ung thư da.
Cụ thể, bệnh nhân 50 tuổi ở Bắc Giang chia sẻ, cách đây 2 năm, trên mặt xuất hiện một chấm bé chỉ bằng đầu tăm, sờ vào thấy hơi cộm, nghĩ đơn giản chỉ là mụn trứng cá già, đóng đen lại. Sau đó, chấm sẫm màu bắt đầu lan rộng nhưng bản thân bệnh nhân vẫn chỉ nghĩ theo tuổi tác thì da xuất hiện nám, đồi mồi.
Tuy nhiên, sau 1 năm, mảng da sẫm màu phát triển và bong vảy nhanh hơn nên bệnh nhân quyết định thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi xét nghiệm sinh thiết mẫu biểu mô, bệnh nhân được kết luận ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy.
Thấy mảng da sẫm màu phát triển và bong vảy nhanh hơn, bệnh nhân quyết định thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai và được kết luận ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy. Ảnh minh họa
Ung thư nói chung xảy ra khi có sự phát triển một cách bất thường và không theo trật tự của các tế bào, gây ra các khối u ác tính làm suy nhược hệ miễn dịch cơ thể. Ung thư da cũng là tình trạng các tế bào da phát triển bất thường, không kiểm soát.
Bệnh được chia làm 3 dạng chính, bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố. Nguyên nhân dẫn đến ung thư da đến từ nhiều yếu tố như di truyền, môi trường sống và thói quen hàng ngày.
Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Trọng - bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân trên, ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma- SCC) là ung thư khởi phát từ tế bào các lớp biểu bì của da và niêm mạc. Bệnh chiếm khoảng 20% các ung thư da và chiếm vị trí thứ 2 về mức độ phổ biến của ung thư da sau ung thư biểu mô tế bào đáy.
Tia UV (tia cực tím) từ ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây ung thư tế bào vảy. Những người tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong thời gian dài, có nguy cơ mắc ung thư này cao hơn.
Ngoài ra, các yếu tố như da sáng màu, tiền sử bị cháy nắng, dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus) và bệnh lý như viêm da mãn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ.
Triệu chứng của bệnh có thể biểu hiện một khối u hoặc nốt cứng, có thể có vảy, đỏ và đôi khi chảy máu khi va chạm hoặc trầy xước, một vết loét, vết thương không lành trong thời gian dài, có thể gây chảy máu hoặc mủ.
Ung thư biểu mô tế bào vảy rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, ung thư biểu mô tế bào vảy vẫn có thể loại bỏ bằng các phương pháp điều trị hiện nay nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực.
Phẫu thuật điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy là phương pháp điều trị chủ yếu cho loại ung thư da này, đặc biệt khi ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, tiên lượng của ung thư biểu mô tế bào vảy là khá tốt. Nếu ung thư đã di căn hoặc xâm lấn sâu vào các mô, việc điều trị có thể trở nên phức tạp hơn.
"Các biện pháp để phòng ngừa ung thư biểu mô vảy như: Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, đặc biệt là trong những giờ cao điểm từ 10h sáng đến 4h chiều, sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo bảo vệ và đội mũ khi ra ngoài trời, kiểm tra da định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời", bác sĩ Trọng cho hay.
Theo VietNamNet, chiều 24/12, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cho biết bệnh nhi 6 tuổi (trú tại thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông) vào viện với tình trạng đau nhức nhiều và rỉ máu vùng ống tai trái. Chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ nhận định có dị vật lạ trong tai trái của bệnh nhi nên chỉ định nội soi tai.
Tại Phòng nội soi, các bác sĩ, điều dưỡng đã dùng thuốc xịt tê bề mặt ống tai và sử dụng hệ thống nội soi tai mũi họng gắp ra nhiều ve rận thường ký sinh ở chó, mèo bám vào thành ống tai trái. Sau khi ký sinh trùng được lấy ra, bệnh nhi dễ chịu, đỡ đau và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Các bác sĩ, điều dưỡng gắp ra nhiều ve rận thường ký sinh ở chó, mèo bám vào thành ống tai trái bệnh nhi. Ảnh minh họa
Theo thông tin khai thác người nhà, hàng ngày, bệnh nhi thường xuyên tiếp xúc với chó của gia đình nuôi. Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Đakrông, đây có thể là nguyên nhân khiến cháu bé bị ve rận chui vào và ký sinh trong ống tai.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, các bác sĩ khoa Mắt vừa tiến hành thành công ca phẫu thuật khẩn cấp, gắp một con giun dài 14cm ra khỏi kết mạc mắt của bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết đây là ca bệnh rất hiếm gặp trong lĩnh vực nhãn khoa.
Cụ thể, bệnh nhân là N.N.B (68 tuổi, trú tại thành phố Sầm Sơn) nhập viện trong tình trạng khó chịu ở mắt trái với các triệu chứng như: cộm, vướng, nóng rát, ngứa ngáy kéo dài, chảy nước mắt liên tục kèm cảm giác nhìn mờ và đau nhức mắt trái…
Sau khi thăm khám lâm sàng và soi mắt dưới kính hiển vi, các bác sĩ phát hiện một ký sinh trùng trong suốt, hình dạng giống giun chỉ, có kích thước dài khoảng 14cm, đường kính 0,5mm đang chuyển động tại vùng thái dương dưới kết mạc nhãn cầu.
Nhận định đây là một ký sinh trùng giun trưởng thành, các bác sĩ khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật khẩn cấp, gắp được nguyên con giun dài 14cm ra khỏi kết mạc mắt của bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, tình trạng mắt của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, không còn triệu chứng cộm, ngứa và đau nhức, theo báo Thanh Hóa.
Con giun dài 14cm được lấy ra khỏi mắt người bệnh. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Các bác sĩ chuyên khoa nhận định, loài giun này có thể là giun chỉ kết mạc hoặc giun rồng (để xác định chính xác loài giun thì phải làm thêm xét nghiệm chuyên sâu như PCR). Sau khi nhiễm ấu trùng giun vào cơ thể người, ấu trùng giun di chuyển đến các cơ quan và phát triển ở đó, chúng có thể gây tổn thương các cơ quan.
Ở bệnh nhân N.N.B, giun phát triển ở dưới kết mạc mắt, rất may bệnh nhân đã được điều trị kịp thời, nếu không sẽ tổn thương mắt nghiêm trọng và có thể tổn thương các cơ quan khác.
Các bác sĩ khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh nhiễm giun ký sinh ở mắt và nhiễm ký sinh trùng nói chung, cụ thể như sau:
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với chó, mèo hoặc khi nghịch bẩn.
- Tránh ăn các loại thực phẩm sống như: tiết canh, gỏi cá, các loại thịt nấu chưa chín, rau sống, đảm bảo nguồn nước uống sạch và an toàn.
- Định kỳ tẩy giun cho vật nuôi để tránh ký sinh trùng lây nhiễm sang người.
Nếu có các triệu chứng bất thường như đau nhức mắt, cộm, chảy nước mắt không rõ nguyên nhân, nhìn mờ, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt để được thăm khám và điều trị sớm.