Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 22/2: Bé gái bị tổn thương mắt do súng bi sắt đồ chơi

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Bé gái bị tổn thương mắt do súng bi sắt đồ chơi; Ăn mắm cá chua tự làm, 2 người bị ngộ độc Botulinum… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 22/2.

Bé gái bị tổn thương mắt do súng bi sắt đồ chơi

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, theo thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, người bệnh là nữ, 14 tuổi,  Quảng Ninh bị súng bi sắt loại đồ chơi bắn vào mắt. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đau vùng mắt, sưng mi mắt trái, không thể mở mắt.

Tiến hành thăm khám, bác sĩ Khoa Mắt đánh giá, bệnh nhân bị tổn thương đụng giập, trợt biểu mô giác mạc, xuất huyết tiền phòng, thị lực kém chỉ phân biệt được sáng tối.

Bệnh nhân được bác sĩ cho điều trị kháng sinh chống viêm, đông cầm máu. Sau gần 10 ngày điều trị, tình trạng mắt của của người bệnh tiến triển tốt, thị lực phục hồi tốt và đã được xuất viện.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của mắt thời gian dài, đề phòng những biến chứng có thể xảy ra như tăng nhãn áp, gây teo dây thần kinh thị giác, bong võng mạc, ảnh hưởng đến thị lực của về sau.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thời báo VTV

Theo các bác sĩ khoa Mắt Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, tổn thương mắt là một chấn thương phức tạp cần xử trí đúng cách bởi các bác sĩ chuyên khoa. Việc trì hoãn thời gian hoặc điều trị không đúng cách có thể khiến suy giảm thị lực và tổn thương mắt về sau.

Do vậy để đề phòng tai nạn mắt, các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ em chơi các loại súng đồ chơi, đặc biệt là súng có bắn đạn nhựa, đạn sắt. Nếu bị bắn vào mắt, cha mẹ cần động viên để trẻ bình tĩnh, nếu thấy chảy máu hoặc chảy dịch thì cần băng mắt và nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay bệnh viện có chuyên khoa mắt để thăm khám và điều trị kịp thời.

Ăn mắm cá chua tự làm, 2 người bị ngộ độc Botulinum

VOV đưa tin, sau gần 20 ngày nhập viện cấp cứu và điều trị, đến ngày 21/2, cả 2 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum type E đã qua cơn nguy kịch. Hiện, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum vẫn đang tiến hành điều trị phục hồi cho 2 bệnh nhân.

Trước đó vào ngày 2/2, bệnh nhân Y.C (46 tuổi, trú xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) được đưa tới cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Hai ngày sau bệnh viện tiếp nhận thêm bệnh nhân A.R. (42 tuổi, trú thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) với các biểu hiện đau bụng, sụp mí mắt, khó nói.

Tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum xác định cả hai bệnh nhân đều bị ngộ độc Botulinum do ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Một trong 2 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum đang được bác sĩ điều trị phục hồi. Ảnh: VOV

Bác sĩ Võ Khắc Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, theo thông tin từ người nhà, cả 2 bệnh nhân đều có ăn món mắm cá chua. Đây là món ăn truyền thống ở một số vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum.

Cách chế biến thông thường của người dân là sử dụng cá suối ủ lên men cùng với bột gạo hoặc muối. Trong điều kiện yếm khí, nhiều loại vi khuẩn phát triển, trong đó có Clostridium Botulinum gây ngộ độc.

“Độc lực của Botulinum rất mạnh nên việc điều trị rất khó khăn, phải mất một thời gian rất dài bệnh nhân mới có thể hồi phục. Bên cạnh đó, thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) điều trị rất hiếm và đắt tới 8.000 USD một lọ. May mắn, những bệnh nhân ngộ độc Botulinum ở Kon Tum chủ yếu là type E, độc lực không cao bằng type A, B.

Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên ăn món mắm cá chua, những sản phẩm đóng hộp có dấu hiệu hư hỏng và các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh”, bác sĩ Võ Khắc Tuấn cho biết rõ hơn.

Từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận và điều trị cho 25 trường hợp bị ngộ độc Botulinum, trong đó có 2 người tử vong.

Món đồ quen thuộc khiến bé trai bị hoại tử niêm mạc thực quản 

Theo Thời báo VTV, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai 21 tháng tuổi, nuốt phải dị vật nguy hiểm. Bệnh sử ghi nhận, bệnh nhi bệnh 2 ngày, sốt, ho, ói, ăn uống kém, đi khám bác sĩ tư được chẩn đoán viêm amiđan điều trị không bớt nên nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. 

Tại đây, các bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi và siêu âm ngực bụng. Kết quả X-quang cho thấy có dị vật hình tròn phần trên của ngực bệnh nhi nên được hội chẩn các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, tiêu hóa nội soi, sau đó gắp ra được cục pin tròn dẹp đường kính khoảng 1,1cm nằm ở 1/3 trên thực quản.

Ghi nhận cục pin rỉ sét và viêm loét hoại tử niêm mạc thực quản của bệnh nhi, các bác sĩ đã đặt một ống thông mũi - dạ dày để giữ cho thực quản không bị chít hẹp. Bệnh nhi được dùng kháng sinh, phổ rộng, kháng viêm, thuốc băng niêm mạc đường tiêu hóa, thuốc giảm tiết dịch đường tiêu hóa.

Hiện, bệnh nhi tỉnh táo, được các bác sĩ dinh dưỡng cho chế độ ăn thích hợp qua ống thông và tiếp tục theo dõi, nội soi tiêu hóa đánh giá tổn thương hẹp thực quản để quyết định nong chỗ hẹp, giúp bảo tồn thực quản cho bệnh nhi sau này. 

Hình ảnh trên phim chụp và viên pin sau khi được lấy ra ngoài. Ảnh: Thời báo VTV

Qua khai thác kỹ bệnh sử, người nhà cho biết bệnh nhi có lấy bộ điều khiển từ xa của máy tạo oxy sử dụng ở nhà bà ngoại và sau đó không tìm thấy cục pin trong điều khiển.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên để các dụng cụ điện tử (remote, pin cúc…) trong tầm với trẻ vì dễ làm trẻ nhầm lẫn với kẹo, lấy bỏ vào miệng. Phụ huynh cũng lưu ý để thuốc và hóa chất trong các tủ có khóa, xa tầm với trẻ, tránh cho trẻ tiếp cận, gây hậu quả đáng tiếc.

Tin nổi bật