Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 20/2: Nguyên nhân người bệnh 32 tuổi đột ngột mất khả năng nuốt

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nguyên nhân người bệnh 32 tuổi đột ngột mất khả năng nuốt; Giành lại sự sống cho người đàn ông bị suy hô hấp nặng… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 20/2.

Nguyên nhân người bệnh 32 tuổi đột ngột mất khả năng nuốt

Theo VOV, bệnh nhân N.V.G (32 tuổi, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) được người nhà đưa đến nhập viện cấp cứu trong tình trạng không yếu liệt tay chân. Qua kiểm tra thăm khám kỹ lưỡng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân sụp nhẹ mi mắt bên trái, méo miệng nhẹ, nói đớ, nặng nhất là mất khả năng nuốt.

Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI khẩn cấp và làm các cận lâm sàng cần thiết để tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị hẹp nặng, gần tắc động mạch đốt sống trái gây nhồi máu não khu trú vùng thấp cầu não - hành não dẫn đến tình trạng mất khả năng nuốt hoàn toàn.

Do được đưa đến sớm trong cửa sổ thời gian vàng, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị. Sau 1 ngày điều trị theo phác đồ chi tiết, bệnh nhân đã ăn cháo được, uống nước bình thường, không còn nói đớ. Đánh giá phục hồi được gần như hoàn toàn so với lúc nhập viện.       

Sau 1 ngày điều trị theo phác đồ chi tiết, bệnh nhân đã ăn cháo được, uống nước bình thường, không còn nói đớ. Ảnh: VOV

Theo bác sĩ Ngô Minh Trường ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và mọi thời điểm trong cuộc đời. Vì vậy, khi có một trong những dấu hiệu điển hình như nói đớ, nói ngọng, miệng méo, yếu liệt tay chân cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có đủ khả năng điều trị đột quỵ.

Ngoài ra, những người bị đau đầu kéo dài, động kinh, co giật, mắc bệnh lý tăng huyết áp, tiểu đường nhiều năm, mắc bệnh lý tim mạch; người hút thuốc lá, uống rượu bia lâu năm, người béo phì, người từng bị đột quỵ hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ bản thân bị đột quỵ cũng nên kiểm tra sức khỏe chuyên sâu để đề phòng đột quỵ sớm nhất có thể.

Để bảo vệ sức khỏe, theo bác sĩ Ngô Minh Trường, ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá, chú ý cân bằng thói quen sinh hoạt hạn chế thức quá khuya, không nên tắm quá trễ bằng nước lạnh.

Giành lại sự sống cho người đàn ông bị suy hô hấp nặng

Thời báo VTV đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa giành lại sự sống cho nam bệnh nhân 31 tuổi, bị suy hô hấp nặng. Được biết, bệnh nhân có tiền sử tràn mủ màng phổi, màng tim, lao phổi cũ, đã điều trị đủ phác đồ 4 năm trước.

Ba tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân khó thở, sốt cao, được người nhà đưa đi khám và điều trị tại một bệnh viện tuyến trung ương. Do bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân phải mở khí quản, thở máy nhưng cai máy thở thất bại.

Xác định bệnh nhân nguy cơ tử vong cao, phổi không hồi phục, điều trị giảm nhẹ cuối đời nên được chuyển về khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng nguy kịch, thở máy với độ bão hoà oxy 100%, đờm nhiều, đục bẩn, viêm phổi, tràn mủ màng phổi, xẹp phổi phải, suy kiệt nặng, lao phổi cũ tái phát nguy cơ cao.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Thời báo VTV

Theo người nhà, bệnh nhân có cuộc sống rất khó khăn khi bố mẹ qua đời, bản thân chưa lập gia đình, làm nghề công nhân nhưng sức khoẻ yếu, ngày đi viện nhiều hơn ngày đi làm. Hiện tại, bệnh nhân sống cùng anh trai, người duy nhất chăm sóc anh bằng thu nhập từ nghề xe ôm. Đến nay, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, Ban Giám đốc bệnh viện xác định đây là một ca bệnh vô cùng khó khăn cả về chuyên môn lẫn tài chính nhưng không vì thế mà bỏ cuộc. Bệnh viện đã huy động tối đa nguồn lực chuyên môn cao và các thiết bị máy móc hiện đại để điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh viện đã sử dụng vận mạch Noradrenalin để duy trì huyết áp, đảm bảo tưới máu cơ quan; thở máy với thông số tối ưu nhằm giảm tổn thương phổi; kết hợp kháng sinh mạnh như Colistin, Meropenem, Linezolid để kiểm soát nhiễm trùng; dẫn lưu và vệ sinh đường thở, loại bỏ ổ mủ màng phổi; bổ sung dinh dưỡng đường tĩnh mạch, giúp cải thiện tình trạng suy kiệt; vật lý trị liệu hô hấp, hỗ trợ phục hồi chức năng phổi.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã phát động chương trình kêu gọi tài trợ nhân ái, hỗ trợ chi phí điều trị và sinh hoạt cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc y tế tốt nhất dù hoàn cảnh khó khăn.

Kết quả sau 43 ngày điều trị, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy kịch và hồi phục đáng kinh ngạc. Bệnh nhân được xuất viện trong trạng thái tỉnh táo, đã có thể tự phục vụ được bản thân.

Người đàn ông bị vỡ đại tràng, trực tràng do tự thụt tháo tại nhà

Theo báo Lạng Sơn, ngày 19/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thông tin đã cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân nam 78 tuổi, thường trú huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) bị vỡ đại tràng, trực tràng do tự thụt tháo tại nhà.

Trước đó, khoảng 16h ngày 17/2, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận nam bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau bụng nhiều kèm đi ngoài ra máu, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân đã sử dụng phương pháp thụt nước qua đường hậu môn tại nhà nhiều lần với mục đích làm sạch đại tràng, điều trị táo bón. Trong quá trình tự thụt tháo lần này bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn, được người nhà đưa đến bệnh viện.

Kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm trên bệnh nhân cho thấy hình ảnh có dịch và khí trong ổ bụng, nghi ngờ vỡ trực tràng. Các bác sĩ khoa Cấp cứu và khoa Ngoại Tiêu hoá đã nhanh chóng hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cấp cứu để xử trí tổn thương.

Trong phẫu thuật ghi nhận bệnh nhân tổn thương vỡ phần cuối đại tràng, làm phân và dịch tiêu hóa tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc. Kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu vỡ đại tràng, đồng thời rửa sạch ổ bụng và đặt hậu môn nhân tạo. Nhờ được phẫu thuật kịp thời, hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm, được tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm, được tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Được biết, thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị vỡ đại tràng, trực tràng do tự thụt tháo tại nhà. Theo các bác sĩ, thụt tháo bằng cách bơm nước vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài làm mất phản xạ của trực tràng, không thụt tháo là không đại tiện được. Đồng thời, làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng, suy giảm chức năng ruột và phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột.

Thụt tháo đại tràng là phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép. Khi có các dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, hoặc mắc các bệnh lý hậu môn, trực tràng, người  dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị, không tự thụt tháo tại nhà để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tin nổi bật