Theo tạp chí Tri Thức, bà H.T.X (62 tuổi, trú tại Cao Bằng) bị rắn cắn khi đang ở trong nhà, con rắn được xác định đã trú ẩn sẵn trong nhà trước đó. Ngay sau khi bị cắn, bà xuất hiện dấu hiệu ý thức chậm, gọi hỏi không đáp, yếu cơ toàn thân và được đưa đến Bệnh viện tỉnh Cao Bằng cấp cứu.
Tại bệnh viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, phải đặt nội khí quản, thở máy và được chuyển gấp xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong đêm. Khi nhập viện, bà X. trong trạng thái lơ mơ, thở máy, cơ lực yếu, vết cắn sưng nề lan rộng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tiêu cơ vân cấp, suy thận cấp, vô niệu, tiên lượng nguy cơ tử vong cao.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt: tỉnh táo, cơ lực hồi phục, suy thận thuyên giảm. Bà đã được rút ống nội khí quản, có thể tự thở và đi lại.
Tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt sau 10 ngày điều trị tích cực. Ảnh: Tri Thức
Dựa trên hình ảnh gia đình cung cấp, các bác sĩ xác định con rắn cắn bà X. là rắn lục núi Ovophis, một loài rắn độc có thể gây tổn thương nặng nề cho hệ thần kinh và thận.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong nhanh do liệt cơ hô hấp hoặc rơi vào hôn mê vĩnh viễn vì não thiếu oxy kéo dài. May mắn, bà X. được đưa đến bệnh viện sớm và xử trí kịp thời, nhờ đó có thể hồi phục hoàn toàn mà không gặp di chứng nghiêm trọng.
Để đề phòng rắn cắn, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần biết về loại rắn trong vùng và khu vực chúng thường xuyên ẩn nấp để hạn chế qua lại. Khi đi rừng hoặc nơi có nhiều cây cỏ, người dân nên đi ủng, giày cao cổ và quần dài. Trong trường hợp bị rắn cắn hoặc gặp người bị rắn cắn, cần sơ cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 17/2, bác sĩ Nguyễn Đức Cường - Giám đốc bệnh viện Việt Nam - Cuba (Quảng Bình) cho biết, một bệnh nhân đột quỵ, ngưng tim 90 phút đã được cứu sống kỳ diệu, hiện sức khỏe dần ổn định.
Cụ thể, ngày 9/2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba tiếp nhận bệnh nhân P.V.H. (SN 1966, thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim 90 phút.
Theo người nhà bệnh nhân, sáng cùng ngày, ông H. đi làm thợ hồ, đến công trình thì ngất xỉu, người thân đưa đến bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cấp cứu. Tại đây ghi nhận bệnh nhân đột quỵ ngưng tim hoàn toàn. Sau 3 lần sốc điện và 90 phút cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba cấp cứu đặc biệt.
Để tránh những sự cố trong tương lai, bệnh nhân đang được chuyển vào Huế để đặt máy khử rung tự động tim. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng
Tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc, bệnh nhân được điều trị tích cực, tim bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, các bác sĩ xác định ông bị tiêu cơ vân, vô niệu, một biến chứng nghiêm trọng có thể gây suy thận.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chạy thận nhân tạo cấp cứu tổng cộng 4 lần để đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Nhờ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, tỉnh táo và có thể ngừng sử dụng thuốc vận mạch.
Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, da niêm mạc hồng hào, huyết áp ổn định, tự thở đều, phổi thông khí tốt. "Đây được xem là một trường hợp cứu sống ngoạn mục, minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến y tế và trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ", ông Nguyễn Văn Cương - người nhà bệnh nhân cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Đức Cường đánh giá, bệnh nhân H. có bệnh tim bẩm sinh, do làm việc quá sức dẫn đến đột quỵ, ngừng tim 90 phút, may mắn cấp cứu kịp thời nên được cứu sống. Tuy nhiên, để tránh những sự cố trong tương lai, bệnh nhân đang được chuyển vào Huế để đặt máy khử rung tự động tim.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiến hành phẫu thuật cho nam bệnh nhân N.V.T (22 tuổi, ở Hà Nội) bị giãn não thất do di chứng của lao màng não.
Trước đó, vào tháng 11/2024, bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao toàn thể và lao màng não tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Dù là một thanh niên khỏe mạnh, không có bệnh nền, anh đã phải đối mặt với cuộc chiến cam go chống lại bệnh tật.
Bệnh lao khiến anh gặp phải những tổn thương nghiêm trọng ở nhiều cơ quan, bao gồm rò thực quản, viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn đa kháng, đe dọa tính mạng anh. Hơn 30 ngày điều trị tích cực, anh dần hồi phục và được xuất viện.
Sau khi ra viện, anh T. tiếp tục điều trị thuốc chống lao tại nhà. Tuy nhiên, những ngày gần đây, anh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng đáng lo ngại như đau đầu liên tục, buồn nôn nhẹ nhưng không nôn và không sốt.
Ngày 4/2, anh đã đến cơ sở y tế để kiểm tra và được chẩn đoán mắc giãn não thất. Sau đó, anh T. được chuyển đến khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ chẩn đoán anh bị giãn não thất do di chứng của lao màng não. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy hệ thống não thất giãn nở toàn bộ và có dấu hiệu tràn dịch não, đòi hỏi phải phẫu thuật ngay lập tức để giảm áp lực nội sọ.
Ngày 5/2, anh được phẫu thuật đặt ống dẫn lưu dịch ở trong não thất qua đường từ sườn bên vào ổ bụng qua phẫu thuật nội soi.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bác sĩ Tạ Việt Phương, Khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống cho biết: "Đây là một trong những kỹ thuật dùng cho các bệnh nhân giãn não thất cần đặt dẫn lưu dưới da suốt đời.
Mặc dù không phải là một kỹ thuật quá phức tạp nhưng cần sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ của Trung tâm Ngoại Gan mật và Khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống.
Kỹ thuật này được dùng cho các bệnh nhân bị giãn não thất sau điều trị lao toàn thể đã ổn định. Dịch não tủy sinh ra nhưng không hấp thu được dẫn đến ứ dịch ở trong não thất, việc ứ dịch sẽ làm cho nhận thức của bệnh nhân chậm đi và lâu dần sẽ gia tăng áp lực nội sọ.
Giãn não thất tiếp tục tiến triển, gây suy giảm nhận thức nặng. Nếu không được can thiệp kịp thời, việc tăng áp lực nội sọ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng thần kinh vĩnh viễn".
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực để tiếp tục được theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Chỉ sau một ngày, anh đã tỉnh táo, không còn cảm giác đau đầu và dần hồi phục sức khỏe.
Hiện, bệnh nhân được các bác sĩ hỗ trợ tập phục hồi chức năng để sớm trở lại với cuộc sống bình thường, đầy năng lượng như trước.
Đặc biệt, cả hai ca phẫu thuật quan trọng này đều được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Điều may mắn là bệnh nhân đã được phát hiện mắc lao toàn thể trong quá trình điều trị rò thực quản tại chính bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giúp các bác sĩ có hướng điều trị kịp thời và can thiệp hiệu quả.