Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 13/2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa điều trị can thiệp nội mạch cấp cứu thành công một trường hợp bị đau bụng cấp do bóc tách động mạch mạc treo tràng trên rất hiếm gặp, đe dọa hoại tử ruột lan rộng.
Đầu tháng 2/2025, ông Đ.T.L (SN 1975, ngụ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đến khám bệnh tại một bệnh viện tư ở quận Tân Bình (TP.HCM). Tại đây, ông L. bị đau bụng dữ dội, tiêu ra máu, gần như bất tỉnh.
Sau khi được thăm khám và chụp cắt lớp vi tính ở bụng, ông L. được chẩn đoán bị bóc tách động mạch mạc treo tràng trên đơn độc, gây tắc động mạch nuôi ruột một đoạn dài trên 100 mm. Tình trạng này dẫn đến thiếu máu ruột nghiêm trọng, diễn tiến hoại tử ruột non nếu không được xử lý kịp thời.
Do mức độ phức tạp và lan rộng tổn thương vượt quá khả năng can thiệp tại chỗ, ông L. được hội chẩn khẩn cấp với ekip can thiệp nội mạch của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Lập tức, các bác sĩ quyết định chuyển ông L. đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định để tiếp tục được điều trị chuyên sâu.
Sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã ăn uống bình thường, không còn đau bụng, tiêu ra máu. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Ngay khi được tiếp nhận, ông L. được hội chẩn liên khoa, dựa trên bệnh cảnh lâm sàng, hình ảnh học và kinh nghiệm xử trí cấp cứu các bệnh lý mạch máu ruột, các bác sĩ đã đưa ra phương án tối ưu để điều trị cho ông L. là can thiệp đặt stent vào vị trí bóc tách để tái thông hoàn toàn động mạch mạc treo tràng trên, ngăn chặn nhanh chóng diễn tiến thiếu máu và hoại tử ruột.
Bác sĩ Lê Anh Huy ở Đơn vị X-quang can thiệp - bác sĩ điều trị chính cho ông L. chia sẻ: "Sau khi can thiệp đặt stent, ông L. được các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hoá và Hồi sức tim mạch theo dõi cẩn thận để tiến hành cắt đoạn ruột hoại tử kịp thời nếu can thiệp nội mạch không thể đạt hiệu quả tối ưu.
Dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), các bác sĩ đã đặt stent thành công một đoạn động mạch bị bóc tách dài hơn 100 mm, giúp cải thiện đáng kể lưu thông máu đến ruột. Rất may, quá trình can thiệp đặt stent cho ông L. diễn ra thuận lợi, hiệu quả đạt được gần như tối ưu".
Ngay sau khi đặt stent thành công, ông L. bớt đau bụng và tiếp tục được theo dõi tích cực tại khoa Hồi sức tim mạch. Bệnh nhân được cho uống thuốc chống đông máu để ngăn ngừa huyết khối tái phát cũng như đảm bảo chức năng stent thông suốt.
Trong những ngày đầu, ông L. nhịn ăn hoàn toàn để theo dõi tình trạng ruột, được cung cấp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã ăn uống bình thường, không còn đau bụng, tiêu ra máu.
TS.BS Nguyễn Đình Luân - Trưởng Đơn vị X-quang can thiệp - Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ, bóc tách động mạch mạc treo tràng trên đơn độc là tình trạng hiếm gặp (với tỷ lệ chỉ 0.06% trong dân số) nhưng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến thiếu máu ruột cấp, hoại tử ruột và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh viện Nhân dân Gia Định từng xử trí khoảng 3 - 4 trường hợp tương tự mỗi năm, đa phần từ các bệnh viện khác chuyển đến.
"Khi bị bóc tách động mạch mạc treo tràng trên, người bệnh thường bị đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân, kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy hoặc táo bón bất thường và chướng bụng, khó chịu sau ăn. Nếu gặp các triệu chứng này thì người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán sớm", TS.BS Nguyễn Đình Luân nói.
Theo VietNamNet, ngày 13/2, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận bé gái tên M.T. (3 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) nguy kịch vì đuối nước.
Trước đó, bé T. chơi với bạn và bị ngã xuống hồ nước trước nhà. Khi phát hiện sự cố, người nhà vớt bé T. lên, xốc nước, vỗ lưng rồi đưa đến cơ sở y tế ở địa phương, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhi đã được gia đình xin đưa về.
Đáng lưu ý, chỉ trong chưa đầy 2 tháng qua, bệnh viện này ghi nhận 7 trường hợp cấp cứu đuối nước. Trong đó có các nạn nhân nguy kịch, tình trạng nặng nên gia đình xin về hoặc tử vong.
Một trường hợp bị đuối nước được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: VietNamNet
Theo bác sĩ CKII Ngô Thị Thanh Thủy - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2, khi phát hiện trẻ bị đuối nước, phụ huynh trước hết cần giữ bình tĩnh, nhanh chóng đưa con ra khỏi mặt nước, đặt bé nằm ở vị trí nằm an toàn và thay quần áo giữ ấm. Ngay sau đó, trẻ cần được nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp, sơ cứu bằng cách thổi ngạt và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Việc sơ cứu tại hiện trường cần được thực hiện khẩn trương, tránh những việc làm sai lầm làm trẻ nặng hơn và chậm trễ “thời gian vàng” cấp cứu, đặc biệt trong tình huống trẻ bị ngưng tim - ngưng thở.
Bác sĩ Thủy đặc biệt lưu ý người lớn tuyệt đối không hơ lửa cho trẻ vì có thể gây bỏng, tụt huyết áp do giãn mạch.
Hành động xốc nước, móc họng gây nôn cũng được chứng minh là không có hiệu quả, thậm chí có khả năng làm chậm trễ thời gian cấp cứu trẻ.
Để tránh sự cố thương tâm, bác sĩ Thủy khuyến cáo phụ huynh chủ động phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ, không chủ quan ngay cả khi trẻ biết bơi.
Cùng với đó, khi các bé tham gia hoạt động dưới nước cần được đặt trong tầm kiểm soát của người lớn hoặc những người có kinh nghiệm bơi lội.
Với gia đình sống ở khu vực gần ao, hồ, sông, suối…, phụ huynh phải luôn sát sao con trẻ; tránh để các xô, chậu, chứa nước trong nhà; các hồ non bộ, nuôi cá cảnh nên có thêm rào chắn bảo vệ.
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, ngày 13/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết vừa tiếp nhận và cấp cứu một bệnh nhân nam 31 tuổi, không có bệnh lý mãn tính, bị đột quỵ do nhồi máu não.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người phải, nói khó, được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh.
Bệnh nhân được chỉ định can thiệp mạch lấy huyết khối. Sau khoảng 20 phút, các bác sĩ đã lấy ra 6 mảnh huyết khối kích thước 2x2 mm, mạch máu não của bệnh nhân được tái thông hoàn toàn.
Sau 1 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, vận động tay và chân phải có cải thiện, tiếp tục được theo dõi điều trị phục hồi chức năng và tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ.
Bệnh nhân được chỉ định can thiệp mạch lấy huyết khối. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Theo bác sĩ Hoàng Quốc Việt - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh - Trung tâm Đột quỵ, số lượng người bệnh đột quỵ nặng và trẻ hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Tỷ lệ người bệnh từ 18-45 tuổi trung tâm tiếp nhận tăng gấp đôi so với các năm trước.
Những yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ liên quan đến các bệnh lý miễn dịch, di truyền và đặc biệt do tác động của lối sống, gồm: sử dụng thuốc tránh thai, lạm dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, thừa cân béo phì, lười vận động, thức khuya, căng thẳng trong cuộc sống, công việc...
"Đặc biệt, nhiều người nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên không kiểm tra sức khoẻ định kỳ, chỉ khi bị đột quỵ vào viện mới phát hiện mình mắc các bệnh nền như huyết áp, tim mạch…", bác sĩ Việt nói.
Người bị đột quỵ nếu không được cấp cứu trong 4-5 giờ đầu sau khi có triệu chứng đột quỵ thì cơ hội phục hồi rất khó khăn. Không ít người đã trở thành tàn phế, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, mất sức lao động.