Theo báo Dân Trí, bà H.T.D. (SN 1962, ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có tiền sử mắt trái viêm loét giác mạc đã lâu, có sẹo lớn trên bề mặt giác mạc.
Cuối tháng 1, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy mắt trái đau nhức, khó chịu. Gần đây, bệnh nhân nghe tiếng nổ "bụp" từ bên trong mắt, sau đó thấy chảy máu, nên được người nhà đưa đến bệnh viện chuyên khoa Mắt cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn.
Tại đây, qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán mắt trái bệnh nhân bị thủng giác mạc tại vị trí loét giác mạc trước đó, kèm phòi tổ chức nội nhãn (các cấu trúc trong mắt bị phòi ra ngoài thông qua lỗ thủng giác mạc). Tại thời điểm khám, bệnh nhân không nhìn thấy ánh sáng (mù hoàn toàn).
Bác sĩ kiểm tra tình trạng mắt của người bệnh sau khi phẫu thuật. Ảnh: Dân Trí
Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc toàn thân, thuốc nhỏ tại mắt và thuốc tiêm nội nhãn để giảm nguy cơ viêm nội nhãn nặng hơn. Sau khi tình trạng mắt trái của bệnh nhân ổn định, các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật ghép kết mạc để điều trị thủng giác mạc.
Phương pháp điều trị này giúp bịt kín lỗ thủng giác mạc, nhằm bảo tồn mắt cho bệnh nhân, không chỉ đảm bảo về mặt thẩm mỹ mà còn hạn chế các biến chứng cho mắt còn lại (thay vì sử dụng các phương pháp phẫu thuật loại bỏ nhãn cầu). Hậu phẫu, bệnh nhân đang dần hồi phục tốt.
Bác sĩ Huỳnh Thị Xuân Thảo - Trưởng khoa Mắt tổng hợp cho biết, thủng giác mạc là tình trạng xuất hiện lỗ thủng hoặc một kẽ hở tại giác mạc, lớp ngoài cùng phía trước của mắt.
Thủng giác mạc có thể là kết quả của nhiều bệnh lý tại giác mạc như viêm loét giác mạc, bệnh lý bề mặt tại giác mạc, các rối loạn tự miễn, cũng như các chấn thương xuyên thấu tại giác mạc.
Đây là tình trạng cần can thiệp kịp thời để phục hồi tính toàn vẹn của nhãn cầu và giảm thiểu nguy cơ biến chứng thứ phát nặng nề hơn bao gồm viêm nội nhãn, xuất huyết hắc mạc, bong võng mạc, tăng nhãn áp…
Bác sĩ Thảo khuyến cáo, những bệnh nhân đã và đang mắc các bệnh lý về mắt, đặc biệt là giác mạc (tròng đen) nên quan tâm chăm sóc mắt đúng cách, thăm khám theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe đôi mắt.
Theo báo Giao Thông, bác sĩ CKII Đới Ngọc Anh ở khoa Viêm gan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân hôn mê gan vì tự ý ngừng thuốc điều trị viêm gan.
Cụ thể, 2 năm trước, ông L.V.T (51 tuổi, ở Kiến An, TP.Hải Phòng) được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính và có chỉ định dùng thuốc kháng virus để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân không tuân thủ điều trị, uống thuốc không đều đặn và đặc biệt đã tự ý dừng thuốc hơn một tháng trước khi nhập viện.
Sau khoảng 2 tuần ngừng thuốc, ông T. cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, sợ dầu mỡ, nhưng đã chủ quan không đi khám. Đến tuần thứ 3, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng vàng da rõ rệt, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu và bụng chướng lên do cổ trướng. Trong tuần thứ 4, bệnh nhân phù toàn thân, xuất huyết dưới da, nhận thức chậm dần và phản ứng kém.
Gia đình đã đưa ông T. đến viện trong tình trạng vàng da nặng, cổ trướng lớn, tiếp xúc chậm, lờ đờ, có dấu hiệu suy gan tiến triển. Mặc dù bệnh nhân đã được lọc máu và lọc huyết tương hai lần tại cơ sở y tế trước đó, tình trạng vẫn không cải thiện. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên khoa Viêm gan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.
Da người đàn ông vàng như nghệ. Ảnh: Báo Giao Thông
Tại bệnh viện, ông T. được chẩn đoán mắc suy gan cấp, xơ gan, viêm gan B mạn tính, hôn mê gan độ 2 và có nguy cơ tiến triển nhanh lên độ 3-4 nếu không kiểm soát kịp thời.
Chỉ số bilirubin tại thời điểm nhập viện lên tới hơn 400 µmol/L (bình thường chỉ dưới 17 µmol/L), mặc dù đã được lọc huyết tương 2 lần. Ngoài ra, chỉ số prothrombin cũng chỉ còn dưới 30% (bình thường trên 70%),, gây rối loạn đông máu, xuất huyết dưới da nghiêm trọng.
Bệnh nhân còn có dấu hiệu suy thận do hội chứng gan-thận, với chỉ số creatinine tăng hơn 50% so với bình thường và lượng nước tiểu giảm mạnh.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 10/2, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thông tin về trường hợp bệnh nhân nam (18 tuổi, ngụ Hà Giang) bị vỡ đại tràng do bị dùng máy áp lực cao xịt vào hậu môn.
Cụ thể, bệnh nhân làm thuê tại một xưởng xay cám. Trong lúc làm việc, bệnh nhân bị bạn đùa nghịch, dùng máy xịt hơi áp lực cao (thường dùng để xì khô) dí vào hậu môn và xịt mạnh.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng bụng co cứng, ấn đau dữ dội, kèm theo dấu hiệu bụng đau kiểu viêm phúc mạc. Kết quả chụp chiếu cho thấy toàn bộ khung đại tràng giãn căng, nứt nhiều chỗ, tổn thương nặng nhất ở đại tràng sigma. Bệnh nhân được chỉ định tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.
Theo bác sĩ Lê Nhật Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng - Tầng sinh môn Bệnh viện Việt Đức, khi mở ổ bụng bệnh nhân phát hiện thanh mạc rách rộng, niêm mạc đại tràng tụ máu, thiếu máu cục bộ, có chỗ hoại tử. Bụng chứa nhiều dịch máu, rải rác giả mạc, tình trạng nhiễm trùng bắt đầu lan rộng khắp ổ bụng.
Các bác sĩ phải cắt bỏ đoạn đại tràng sigma vỡ, hoại tử, khâu lại các chỗ vỡ thanh mạc rải rác trên khung đại tràng và trực tràng. Do không thể lập lại lưu thông tiêu hoá, phần đại tràng phía dưới được đóng kín, phía trên được dẫn lưu ra ngoài, làm hậu môn nhân tạo tạm thời.
Người bệnh cần thực hiện ca phẫu thuật thứ hai sau khoảng 6 tháng để đóng lại hậu môn nhân tạo. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Bác sĩ Huy cũng cho biết, nhờ can thiệp kịp thời, bệnh nhân tuổi trẻ, khoẻ, chỉ sau một ngày phẫu thuật vỡ đại tràng đã được rút nội khí quản và chuyển về phòng điều trị phục hồi.
Để tái lập đường tiêu hóa tự nhiên, bệnh nhân cần thực hiện ca phẫu thuật thứ hai sau khoảng 6 tháng để đóng lại hậu môn nhân tạo.
Qua đây, bác sĩ Huy khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự bơm qua hậu môn các dung dịch, khí (đặc biệt là dùng các máy móc áp lực cao để bơm) để điều trị táo bón, thải độc, đùa nghịch hay bất kỳ mục đích nào khác.