Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 9/2: Phẫu thuật trong đêm cứu bé 5 tuổi bị chấn thương sọ não

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Phẫu thuật trong đêm cứu bé 5 tuổi bị chấn thương sọ não; Chồng hiến thận cứu vợ bị suy thận giai đoạn cuối… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 9/2.

Phẫu thuật trong đêm cứu bé 5 tuổi bị chấn thương sọ não

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Nhi Thái Bình tiếp nhận bệnh nhi Đ.G.B. (5 tuổi, ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Trước khi đến bệnh viện, trẻ bị tai nạn giao thông khi qua đường do xe máy đâm trúng.

Sau tai nạn trẻ nôn nhiều lần, có biểu hiện ly bì dần, gọi hỏi đáp ứng kém. Bệnh nhi đã được các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải sơ cứu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi Thái Bình trong tình trạng hôn mê, Glasgow 7-8 điểm, đồng tử bên phải giãn 5mm, mất phản xạ ánh sáng.

Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, kết quả khám và chụp CT Scanner trẻ được chẩn đoán: Chấn thương sọ não có tụ máu lớn ngoài màng cứng thái dương đỉnh bên phải. Vỡ xương thái dương đỉnh phải, gây hiệu ứng khối đè đẩy não thất, đường giữa và tăng áp lực nội sọ.

Ngay lập tức, hội chẩn bệnh viện và các khoa liên quan xác định đây là ca cấp cứu khẩn cấp, tình trạng bệnh nhi rất nặng (bệnh nhân hôn mê, điểm Glassgow thấp), nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp ngay, rất nhanh chóng các bác sỹ Khoa Ngoại chấn thương đã quyết định mổ cấp cứu, lấy máu tụ.

Sức khỏe bệnh nhi tiến triển rất tốt sau phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Ngay trong đêm, kíp phẫu thuật đã tiến hành mở sọ, kiểm tra nguồn chảy máu từ động mạch màng não giữa và đường vỡ xương thái dương đỉnh phải. Sau kiểm soát nguồn chảy máu, trẻ được lấy bỏ khối máu tụ khối lượng khoảng 60g, ghép lại xương sọ ngay sau đó.

Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, với sự nỗ lực hết sức của toàn bộ kíp phẫu thuật gồm 6 y, bác sĩ, ca phẫu thuật diễn ra thành công, an toàn, trẻ được chuyển điều trị tiếp tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Thái Bình. Sau mổ 1 ngày, khoa Ngoại chấn thương và Hồi sức đã phối hợp điều trị tích cực, bệnh nhi diễn biến ổn định, tỉnh táo, tự thở, tiên lượng phục hồi tốt.

Chồng hiến thận cứu vợ bị suy thận giai đoạn cuối

Theo Báo Tin Tức, chị G. (46 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) được chẩn đoán mắc bệnh suy thận mạn vào năm 2020. Từ đó, chị phải chạy thận lọc máu định kỳ 3 lần/tuần để duy trì sự sống.

Gần 5 năm qua, chị phải chịu đựng nỗi đau đớn thể xác và đối mặt với những biến chứng nặng nề như mệt mỏi, phù nề tay chân. Thời gian gần đây, sức khỏe của chị càng yếu dần và xuất hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn.

Nhìn vợ chống chọi với bệnh tật mỗi ngày, anh Trang Hữu Tài (47 tuổi, chồng chị G.) không khỏi xót xa khi chứng kiến đôi tay vợ phải mổ nhiều lần để tạo đường mạch  mỗi khi lọc máu định kỳ, đến mức mạch máu ở tay trái của chị G. đã hư hoàn toàn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Tài đã quyết định hiến một quả thận cho vợ, với ước nguyện san sẻ phần nào nỗi đau bệnh tật cùng chị.

"Thấy vợ bệnh lâu, chịu đựng đau đớn quá, tôi cảm thấy xót xa và không thể cầm lòng được. Vì thế, tôi quyết định xin đi thử máu, kết quả cho thấy phù hợp nên tôi quyết định hiến thận cho vợ", anh Tài chia sẻ.

Vào ngày 2/1, anh Tài và chị G. cùng lên bàn mổ tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Ca phẫu thuật được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm của bệnh viện và sự hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Các bác sĩ đã tiến hành lấy một quả thận trái của anh Tài qua phương pháp nội soi và ghép vào cơ thể chị G.. Sau 6 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca mổ đã thành công tốt đẹp, giúp chị G. có cơ hội sống khỏe mạnh hơn.

Bác sĩ CKI Vũ Lệ Anh - Trưởng khoa Nội Thận Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á thăm khám cho người bệnh sau ghép thận. Ảnh: Báo Tin Tức

Bác sĩ CKI Vũ Lệ Anh - Trưởng khoa Nội Thận Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á chia sẻ: “Bệnh nhân đã lọc máu chạy thận gần 5 năm với tình trạng mạch máu rất xấu, thậm chí còn phải đặt mạch máu nhân tạo nhưng sau đó vẫn bị hư, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình lọc máu. Vì vậy, bệnh nhân quyết định thực hiện ghép thận”.

Kết quả cận lâm sàng sau ca ghép thận cho thấy, chức năng thận của chị Giang dần ổn định và trở về mức bình thường. Lượng nước tiểu của chị Giang hiện tại cũng đã đạt mức bình thường.

Theo bác sĩ Vũ Lệ Anh, do chị G. nhận thận từ người không cùng huyết thống, nguy cơ miễn dịch khá cao và khả năng thải ghép từ người chồng là rất lớn. Sau khi ca ghép thận thành công, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ chống thải ghép.

Tuy nhiên, chị G. còn gặp phải biến chứng đông máu và sưng phù chân do tắc bán phần tĩnh mạch chậu ngoài và tĩnh mạch đùi. Khi đó, bệnh nhân được sử dụng thuốc chống thải ghép, thay huyết tương và thuốc kháng đông để điều trị.

"Sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân dần phục hồi chức năng thận. Hiện tại, chị G. đã khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường và được xuất viện. Sau khi xuất viện, bệnh nhân tiếp tục điều trị duy trì thuốc chống thải ghép và tái khám theo lịch hẹn.

Đây là tín hiệu đáng mừng, đánh dấu sự thành công tốt đẹp của ca phẫu thuật, mang đến một cuộc đời mới cho chị G., một cuộc sống được tái sinh từ tình nghĩa phu thê sâu nặng", bác sĩ Vũ Lệ Anh chia sẻ.

Uống nhầm hóa chất, bé gái bị bỏng niêm mạc thực quản và dạ dày

Thời báo VTV đưa tin, trước khi vào viện 5 giờ, bé N.B.N. (20 tháng tuổi, trú tại Hà Tĩnh) uống nhầm dung dịch kiềm tẩy rửa mốc (có chứa NAOH). Sau khi uống, trẻ có triệu chứng đỏ miệng, nôn nhiều, đau bụng quấy khóc, gia đình đã nhanh chóng mang trẻ vào Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Sau đó, trẻ bị suy hô hấp, được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tại đây, trẻ được chỉ định làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, nội soi tiêu hóa dạ dày. Khi làm nội soi tiêu hóa dạ dày, các bác sĩ đã phát hiện ra niêm mạc thực quản phù nề, xuất tiết và loét nông, bám giả mạc trắng chưa lộ lớp cơ; niêm mạc dạ dày phù nề, màu tím đen lan tỏa dọc bờ cong lớn và đáy vị dạ dày( theo dõi bỏng hóa chất gây hoại tử niêm mạc).

Kết quả nội soi dạ dày cho thấy bé bị bỏng toàn bộ niêm mạc thực quản độ 2 và bỏng niêm mạc dạ dày theo dõi hoại tử lớp niêm mạc vùng đáy vị và bờ cong lớn dạ dày.

Nhà có trẻ nhỏ nên kiểm tra kỹ gia đình đang trữ các loại hóa chất như: Nước thông cống, nước tẩy bồn cầu... và lưu ý để thật xa tầm tay của trẻ. Ảnh minh họa: Hà Nội Mới

Theo các bác sĩ, bỏng thực quản và dạ dày do hóa chất là tổn thương ở thực quản và dạ dày có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em do uống nhầm hóa chất như axit clohydric (dùng trong tráng gương), axit sunfuric (dùng trong sản xuất pin, ắc quy), bazơ như nước tẩy rửa Javel, dung dịch xút... Về mức độ tổn thương, axit gây bỏng ở lớp tổ chức nông, trong khi đó, bazơ làm bỏng ở các tổ chức sâu hơn.

Bỏng thực quản và dạ dày do hóa chất là tổn thương phổ biến và rất nguy hiểm, bởi nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại sẹo trong thực quản, ảnh hưởng đến việc ăn uống và làm suy kiệt cơ thể.

Sau khi uống, nuốt hóa chất, tùy theo liều lượng và nồng độ sẽ gây ra những tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng. Nếu nhẹ, ban đầu người bệnh sẽ thấy nóng rát, phỏng từ miệng môi đến lưỡi, họng. Lúc này, nếu kịp thời xử lý cấp cứu đúng cách có thể tránh được di chứng sẹo do bỏng thực quản để lại.

Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị ngộ độc, sốc, choáng váng và cuối cùng dẫn đến tử vong do các biến chứng như thủng thực quản hoặc dạ dày, viêm trung thất, mất cân bằng điện giải làm xuất huyết tiêu hóa,...

Trẻ em là lứa tuổi vô cùng hiếu động và tò mò, các trẻ có thể chơi đùa hoặc uống nuốt các vật lạ hoặc các chai dung dịch mà các trẻ lấy được. Do đó, nhà có trẻ nhỏ nên kiểm tra kỹ gia đình đang trữ các loại hóa chất như: Nước thông cống, nước tẩy bồn cầu... và lưu ý để thật xa tầm tay của trẻ.

Người lớn khi sử dụng cũng phải vô cùng cẩn thận. Trường hợp không may bị dính vào người thì ngay lập tức xối bằng nước lạnh và đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Tin nổi bật