Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 13/2: Hy vọng mới về điều trị loại ung thư hiếm gặp ở trẻ em

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Hy vọng mới về điều trị loại ung thư hiếm gặp ở trẻ em; Bé trai suy hô hấp cấp tiến triển do biến chứng cúm A… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 13/2.

Hy vọng mới về điều trị loại ung thư hiếm gặp ở trẻ em

Theo TTXVN, các nhà nghiên cứu Australia và New Zealand đã phát triển một phương pháp điều trị mới cho bệnh sarcoma ở trẻ em bằng cách sử dụng các tế bào miễn dịch được thiết kế đặc biệt.

Được biết, Sarcoma là loại ung thư hiếm gặp phát triển ở xương và mô mềm gồm: mỡ, cơ, mạch máu, dây thần kinh, mô da sâu và mô xơ. Số liệu thống kê cho thấy sarcoma chỉ chiếm 5 - 10% tổng số ca ung thư ở trẻ em nhưng lại gây ra nhiều ca tử vong hơn cả ung thư não, ung thư da, bạch cầu và u lympho cộng lại. Ở trẻ em, các khối u sarcoma có xu hướng phát triển nhanh và lan rộng khắp cơ thể, khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn. 

Các nhà nghiên cứu Australia và New Zealand đã phát triển một phương pháp điều trị mới cho bệnh sarcoma ở trẻ em. Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu công bố ngày 12/2, nhóm do các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queensland dẫn đầu đã phát triển một chiến lược điều trị căn bệnh này, sử dụng tế bào miễn dịch đã được biến đổi - còn gọi là "tế bào sát thủ" - để nhận diện và tiêu diệt các khối u sarcoma. 

Giáo sư Wayne Nicholls, đồng tác giả nghiên cứu, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch trẻ em Ian Frazer thuộc Đại học Queensland - nhấn mạnh sarcoma là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi từ 10 - 30 và trong suốt 40 năm qua, tỷ lệ sống sót sau khi mắc căn bệnh này không hề được cải thiện. 

Ông nêu rõ: "Đến nay không có liệu pháp đột phá nào trong điều trị khối u rắn ở trẻ em. Đây là một bước tiến quan trọng giúp mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân". 

Trong khi đó, Tiến sĩ Fernando Guimaraes - trưởng nhóm nghiên cứu - khẳng định rằng phát hiện trên có thể giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. 

Ngoài Đại học Queensland, nghiên cứu trên còn có sự đóng góp của các nhà khoa học làm việc tại Bệnh viện Nhi Queensland, Đại học New South Wales (cùng của Australia) và Đại học Otago (New Zealand).

Bé trai suy hô hấp cấp tiến triển do biến chứng cúm A

Theo Thời báo VTV, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa điều trị thành công, cứu sống một bé trai 7 tháng tuổi bị suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) do biến chứng cúm A.

Cụ thể, bệnh nhi Đ.B.A. (7 tháng tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ), được chuyển đến từ trung tâm y tế huyện với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, cúm A dương tính. Thông tin từ gia đình cho biết, bệnh nhi đã diễn biến bệnh 4 ngày tại nhà với các triệu chứng như sốt cao, ho khò khè, xuất tiết nhiều đờm dãi. Sau 4 ngày, bệnh nhi được điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm, đồng thời xuất hiện thêm triệu chứng khó thở nên được gia đình đưa tới khám tại Trung tâm Y tế huyện.

Tại đây, bệnh nhi được hỗ trợ thở máy áp lực dương liên tục (CPAP) nhưng không đỡ, tình trạng khó thở tăng lên nên được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), viêm phổi nặng trên bệnh nhân cúm A. Bệnh nhi ngay lập tức được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và được thở máy theo chiến lược thông khí bảo vệ phổi kết hợp các biện pháp hỗ trợ như thông khí nằm sấp; chống viêm; giãn cơ. 

Sức khỏe bệnh nhi ổn định sau 18 ngày điều trị. Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Theo BSNT.Nguyễn Võ Lộc - Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, các biện pháp thông khí hỗ trợ trong điều trị ARDS nhằm mục đích tránh căng giãn phế nang quá mức và tránh xẹp phổi.

Đặc biệt thông khí nằm sấp là một phương pháp mới, chưa được áp dụng rộng rãi đối với các trường hợp ARDS nặng ở trẻ em. Ưu điểm của phương pháp này là giúp cải thiện trao đổi khí, huy động các phế nang bị xẹp vùng lưng, cải thiện dẫn lưu tư thế, đồng thời giúp tái phân bố tưới máu, hạn chế các vùng phổi bị phù nề.

Với phác đồ điều trị tích cực, kết hợp điều trị kháng sinh và vật lý trị liệu hô hấp, tình trạng suy hô hấp của trẻ được cải thiện rõ rệt. Sau 18 ngày điều trị, sức khoẻ bệnh nhi ổn định và được cho xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Võ Lộc chia sẻ, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) là một trong những biến chứng nặng của cúm A, tính chất diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao lên tới 40-70%.

Đây là hội chứng bệnh lý tổn thương cấp tính các phế nang mao mạch phổi, đặc trưng bởi tình trạng suy hô hấp diễn biến nhanh. Trong nhiều trường hợp, ARDS làm cho lượng oxy trong máu sụt giảm nghiêm trọng, gây suy đa cơ quan dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Thời gian gần đây, theo ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, số lượng trẻ nhập viện do cúm A có xu hướng tăng lên, trong đó có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng, biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, phù não, tổn thương gan nặng…

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ mắc cúm, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý giữ ấm cho trẻ, giữ vệ sinh cá nhân bằng cách sát khuẩn, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc cúm và chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đúng, đủ lịch.

Người đàn ông đi cấp cứu sau những ngày Tết uống rượu liên tục

Báo Người Lao Động đưa tin, nam bệnh nhân 61 tuổi (ở Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức, gọi không đáp ứng.

Theo gia đình, trong 10 ngày Tết gia đình đoàn tụ, ông rất vui nên uống rượu liên tục, nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc. Khi vào khoa Cấp cứu, người đàn ông này đã trong tình trạng rối loạn ý thức, hôn mê sâu, hơi thở đậm mùi cồn, da sạm, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn chuyển hóa nặng.

Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt catheter lọc máu liên tục. Xét nghiệm cho thấy người đàn ông này bị ngộ độc methanol rất nặng, tình trạng nguy kịch.

Tiến sĩ - bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau 1 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tạm ổn định nhưng vẫn phải thở máy và lọc máu do rối loạn chuyển hóa vì uống rượu.

Theo gia đình, bệnh nhân bị tăng huyết áp 10 năm, bị đái tháo đường khoảng 5 năm, có nghiện rượu và thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức, gọi không đáp ứng. Ảnh: Người Lao Động

Các bác sĩ cho hay, khi uống rượu pha methanol sẽ thấy có vị hơi ngọt, không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.

Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu, co giật, hôn mê… Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Người uống quá nhiều rượu, uống liên tục trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng hoặc tổn thương về thần kinh, kèm theo rối loạn chuyển hóa rất nặng. Trường hợp người bệnh được cấp cứu do ngộ độc methanol cũng có thể để lại chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…

Tin nổi bật