Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 17/2: Đau tức nghẹn vùng cổ, khó thở nhiều sau khi ăn tôm

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Đau tức nghẹn vùng cổ, khó thở nhiều sau khi ăn tôm; Hãi hùng giun lươn sinh sôi ở ruột và phổi của người phụ nữ… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 17/2.

Đau tức nghẹn vùng cổ, khó thở nhiều sau khi ăn tôm

Theo Thời báo VTV, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang xử trí thành công ca bệnh phản vệ hiếm gặp sau khi ăn tôm. Cụ thể, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp nhận bệnh nhân N.T.H. (71 tuổi, trú tại TP.Hà Giang) vào viện trong tình trạng khó thở, lưỡi sưng phù nhiều, chèn ép vào đường thở. 

Người nhà bệnh nhân cho biết, cùng ngày vào viện, bệnh nhân có ăn tôm, sau đó xuất hiện đau tức nghẹn vùng cổ, lưỡi sưng phù lên nhanh chóng, che lấp hết khoang miệng, bệnh nhân khó thở nhiều.

Bác sĩ Vũ Trọng Bình - người trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân cho biết, đánh giá bệnh nhân lúc vào viện trong tình trạng khó thở cấp, nguy cơ ngạt thở do chèn ép có thể ngừng thở bất cứ lúc nào. Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng và răng hàm mặt đã được tập hợp để cùng xử trí bệnh nhân. 

Sau khi hội chẩn, các chuyên khoa thống nhất chẩn đoán: Phản vệ tại chỗ mức độ nguy kịch, có thể phải mở khí quản cấp trong tình trạng chèn ép đường thở tăng.

Sau khi ăn tôm, bệnh nhân xuất hiện đau tức nghẹn vùng cổ, lưỡi sưng phù lên nhanh chóng, che lấp hết khoang miệng, khó thở nhiều. Ảnh minh họa

Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ điều trị phản vệ. Sau 1 giờ, tình trạng bệnh nhân cải thiện, lưỡi đỡ sưng phù, đỡ khó thở. Sau 12 giờ điều trị, bệnh nhân đã trở về trạng thái bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng Khoa Cấp cứu chia sẻ, đây là một trường hợp phản vệ tại chỗ rất hiếm gặp. Phản vệ là một loại phản ứng dị ứng cấp tính, thường xảy ra ngay lập tức hoặc trong vòng vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với các dị nguyên lạ như: thuốc, thức ăn, nọc độc côn trùng.

Phản vệ có thể gây ra nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau và nghiêm trọng nhất là tử vong. Tuy nhiên, dù có cẩn thận đến mức nào, bạn vẫn có nguy cơ tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng. Vì vậy, hãy nắm các thông tin về dấu hiệu cũng như biện pháp cấp cứu ban đầu để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh.

Hãi hùng giun lươn sinh sôi ở ruột và phổi của người phụ nữ

Người phụ nữ 64 tuổi ăn kém, sụt cân, ho và khó thở khoảng một tháng. Theo ThS.BS Đặng Nam Hải ở khoa Hô hấp - Hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân vào viện với tình trạng thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan - một trong những chỉ điểm của tình trạng nhiễm ký sinh trùng, viêm phổi.

Nội soi dạ dày tá tràng và phế quản ghi nhận nhiều dị vật màu trắng xám, kiểm tra dưới kính hiển vi cho thấy là ấu trùng giun lươn. Từ kết quả nội soi, bác sĩ xác định người bệnh nhiễm giun lươn nặng ở phổi và ruột trên cơ địa suy giảm miễn dịch, phải điều trị với thuốc đặc hiệu, theo VnExpress.

Được biết, nhiễm giun lươn là tình trạng nhiễm ký sinh trùng thường gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Việt Nam, với tỷ lệ nhiễm có thể lên đến 20%. Người bệnh có thể bị nhiễm khi tiếp xúc với ấu trùng giun lươn trong đất hoặc khi trứng giun nở trong ruột và tự sinh sôi.

"Ấu trùng giun lươn không chỉ gây bệnh ở đường tiêu hóa mà còn có thể xâm nhập vào phổi và các cơ quan khác, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng", bác sĩ nói.

Dị vật màu trắng xám (giun lươn) từ dịch rửa phế quản phổi bệnh nhân. Ảnh: VnExpress

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận người đàn ông 69 tuổi, từng ung thư thanh quản, đến khám vì ăn kém, nôn ói, đau bụng, ho và khó thở trong 10 ngày. Chụp phim cắt lớp vi tính ngực và ổ bụng ghi nhận hẹp môn vị, có thể do ký sinh trùng, tổn thương phổi hoại tử hai bên. Nội soi ghi nhận nhiễm giun lươn nặng ở phổi và ruột, có biến chứng hẹp môn vị trên cơ địa ung thư thanh quản.

Bác sĩ Hải chia sẻ, nhiễm giun lươn là một bệnh thường gặp, song có thể xảy ra trên nhiều hệ cơ quan khác nhau, diễn biến bất thường và nặng nề, đặc biệt ở những người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, việc dự phòng, phát hiện, điều trị sớm bệnh rất quan trọng.

Triệu chứng gợi ý có thể nhiễm giun lươn là rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn, biếng ăn, sụt cân. Bệnh nhân có thể ngứa, phát ban. Nhiễm giun lươn có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm não màng não, suy gan, suy thận. Đối với người suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn tiến nguy kịch, ảnh hưởng tính mạng.

Cần đi khám sớm khi có triệu chứng ho, khó thở, đau bụng kéo dài không rõ nguyên nhân. Phòng tránh nhiễm giun lươn bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng. Ăn chín uống sôi, tránh thức ăn sống, tái, đồng thời dùng giày dép khi tiếp xúc đất, cát; khám sàng lọc nếu có triệu chứng nghi ngờ.

Tìm ra giải pháp mới giúp kìm hãm sự phát triển các khối u

Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ News-Medical cho biết, trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng ngăn chặn ung thư bằng cách vô hiệu hóa các protein đột biến có trong khối u. Tuy nhiên, nhiều loại ung thư vẫn vượt qua được điều này và tiếp tục phát triển.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu từ Đại học California ở San Francisco (UCSF - Mỹ) đã tìm ra giải pháp mới, liên quan đến một protein gọi là MYC.

Protein MYC là loại protein tăng trưởng chính, tăng mạnh ở 70% các loại ung thư. Các nhà khoa học UCSF cho rằng họ có thể phá vỡ quá trình chế tạo protein này thông qua việc tác động vào một protein khác gọi là RBM42.

Mô phỏng tế bào ung thư. Ảnh minh họa: Scitech Daily

Nghiên cứu kỹ dữ liệu bộ gien từ bệnh nhân ung thư tuyến tụy - một trong các loại ung thư "sát thủ" nhất, các tác giả phát hiện ra RBM42 dồi dào trong các tế bào có nhiều MYC. Bệnh nhân có càng nhiều RBM42 và MYC thì tình trạng của họ càng tệ.

Nói cách khác, RBM42 khiến các tế bào sản sinh ra MYC. Vì vậy, tấn công vào nó sẽ tạo ra một chốt chặn quan trọng giúp kìm hãm sự phát triển các khối u.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm bằng cách phá vỡ RBM42 trong các tế bào ung thư tuyến tụy, kết quả là họ đã chặn đứng căn bệnh một cách rất hiệu quả, theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature Cell Biology.

"MYC là thứ chúng ta thấy khi một loại ung thư có khả năng chống lại mọi thứ chúng ta cố gắng làm để đánh bại chúng. Bây giờ chúng ta có thể thấy bộ máy kiểm soát lượng MYC, cuối cùng có thể có cách để ngăn chặn nó", GS.TS Davide Ruggero, tác giả chính, cho biết.

Các nhà nghiên cứu tin rằng việc tấn công vào "nhà máy sản xuất" MYC cũng sẽ đem lại hiệu quả tương tự ở nhiều loại ung thư khác. Do vậy, phát hiện này đã cung cấp một hướng đi mới để phát triển các loại thuốc đột phá nhắm vào các trường hợp ung thư kháng trị liên quan đến loại protein nguy hiểm này.

Tin nổi bật