Theo báo Nhân Dân, sản phụ Đ.T.N (20 tuổi) mang thai 31 tuần, có tiền sử dị ứng tôm cua. Sau bữa ăn trưa khoảng 1 giờ, chị xuất hiện mẩn ngứa, đỏ da toàn thân, khó thở.
Sản phụ được người nhà đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch: mạch không bắt được, huyết áp không đo được do tụt huyết áp, thở rít khó khăn vì phù nề. Sản phụ được chẩn đoán xác định là phản vệ độ 3 – mức độ nặng nhất theo phân loại của Bộ Y tế
Báo động đỏ toàn viện ngay lập tức được kích hoạt, các bác sĩ tiến hành hồi sức khẩn cấp bằng Adrenalin liều cao nhưng tình trạng không cải thiện. Trong lúc đó, sinh mạng của thai nhi cũng bị đe dọa khi mẹ tụt huyết áp khiến máu không cung cấp đủ oxy.
Thai nhi chỉ có khoảng 10 phút để tránh tổn thương não hoặc tử vong, trong khi đó, thai 31 tuần có khả năng nuôi được tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Lúc này, nhịp tim thai chỉ còn 50-60 nhịp/phút (bình thường 140 nhịp/phút) thai đã suy nặng do thiếu oxy.
Cuộc chiến giành sự sống cho sản phụ kéo dài suốt 10 giờ. Ảnh: Nhân Dân
Trước tình trạng nguy kịch của cả hai mẹ con, ThS.BS CKII Nguyễn Biên Thùy - Phó trưởng Khoa Sản bệnh A4 hội ý nhanh chóng với ThS.BS CKII Lương Thị Ngọc Vân - Phó trưởng Khoa Gây mê Hồi sức, đưa quyết định thực hiện ca mổ khẩn cấp, vừa hồi sức cho mẹ, vừa cứu lấy thai nhi.
Trong vòng chưa đầy 5 phút sau khi vào phòng mổ, bác sĩ đã thực hiện ca thành công ca phẫu thuật. Bé trai nặng 1800g, bị ngạt do thiếu oxy, đã được đội ngũ bác sĩ sơ sinh cấp cứu kịp thời. Trong khi đó, trên bàn mổ, sản phụ vẫn trong tình trạng nguy hiểm, cần được hỗ trợ thở máy và sử dụng vận mạch liều cao.
Cuộc chiến giành lại sự sống cho mẹ kéo dài suốt 10 giờ sau đó. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa và phác đồ điều trị hiệu quả, sản phụ dần thoát khỏi tình trạng sốc phản vệ, rút được nội khí quản và hồi phục.
Sau 5 ngày điều trị, sản phụ xuất viện an toàn. Ba tuần sau, bé trai khỏe mạnh trở về bên gia đình.
Bác sĩ khuyến cáo, người có tiền sử dị ứng cần cẩn thận trong ăn uống và luôn thông báo tình trạng dị ứng cho bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hoặc thực phẩm mới để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 20/2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho biết, vừa cấp cứu thành công bệnh nhi mắc dị vật ở phế quản.
Cụ thể, khoảng 19h ngày 19/2, cháu N.N.Y.N. (9 tuổi, trú tại phường Nam Lý, TP.Đồng Hới) có biểu hiện ho nhiều, người tím tái. Trước đó, cháu bé đùa nghịch, cười nói khi ăn cháo. Cháu bé được được đưa tới trạm y tế thở oxy rồi chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.
Các bác sĩ tiến hành nội soi lấy dị vật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ khai thác bệnh sử đồng thời cho thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhi được chỉ định gây mê để thực hiện nội soi lấy dị vật. Ca nội soi thành công khi các y bác sĩ lấy ra dị vật là mảnh xương 3 đầu nhọn dài khoảng 1,5cm, 1 đầu cắm vào niêm mạc khí quản của bệnh nhi. Hiện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhiổn định.
Theo các bác sĩ, bệnh nhi may mắn được đưa vào viện cấp cứu kịp thời mà dị vật chưa gây ra các các tổn thương quá nặng nề. Quá trình điều trị bằng nội soi giúp người bệnh tránh phải thực hiện cuộc phẫu thuật mở.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hạn chế trẻ ăn các thức ăn có chứa nhiều xương nhỏ hay chơi các đồ chơi nhỏ dễ bị nuốt. Khi nghi ngờ trẻ nuốt, vướng dị vật cần đưa ngay đến cơ sở y tế để xử lý.
Tạp chí Tri Thức đưa tin, mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận nam thanh niên 17 tuổi nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, yếu nửa người trái.
Theo gia đình, người bệnh không có bệnh lý nền, sức khỏe ổn định nhưng có thể trạng béo phì. Vài ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đã tự mua thuốc uống nhưng không thuyên giảm.
Dựa trên bệnh sử và khai thác triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ cậu bị đột quỵ não nên chỉ định chụp MRI sọ não. Kết quả ghi nhận bệnh nhân có khối nhồi máu tiểu não, cầu não do tắc động mạch thân nền.
Xét nghiệm máu cũng phát hiện tình trạng rối loạn lipid máu - yếu tố nguy cơ cao gây ra các bệnh lý tim mạch và mạch máu não. Đáng chú ý, các xét nghiệm chuyên sâu cho thấy nam thiếu niên có bất thường di truyền, tăng nguy cơ hình thành huyết khối gây tắc mạch.
Nhận thấy tính chất nguy cấp trên, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, phối hợp hội chẩn với Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai và triển khai phác đồ điều trị phù hợp.
Tổn thương nhồi máu vùng tiểu não của bệnh nhân (vùng khoanh tròn màu đỏ). Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Sau thời gian điều trị, tình trạng của bệnh nhân dần ổn định, chức năng vận động cơ bản được cải thiện. Hiện tại, người bệnh được tiếp tục theo dõi sức khỏe và tập phục hồi chức năng nhằm tăng cường khả năng vận động.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Minh ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đột quỵ não (hay tai biến mạch não) bao gồm hai thể chính là nhồi máu não và xuất huyết não.
Nhồi máu não là tình trạng động mạch não bị hẹp hoặc tắc, làm giảm nghiêm trọng lưu lượng máu đến khu vực mà động mạch đó nuôi dưỡng. Hậu quả là mô não tại vùng bị ảnh hưởng hoại tử, mất chức năng, dẫn đến các triệu chứng thần kinh tương ứng với vùng não tổn thương.
Đối với dạng đột quỵ này, người bệnh sẽ đột ngột xuất hiện các triệu chứng thần kinh như đau đầu, buồn nôn, nôn, liệt khu trú (liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ), rối loạn ý thức, tiểu không tự chủ, táo bón, rối loạn thần kinh thực vật. Các triệu chứng cụ thể sẽ phụ thuộc vào vị trí tổn thương và vùng não bị ảnh hưởng do tắc mạch.
Tỷ lệ tử vong chung ở 30 ngày sau nhồi máu não là 19% và tỷ lệ sống sót sau 1 năm đối với bệnh nhân nhồi máu não là 77%. Tuy nhiên, tiên lượng của mỗi trường hợp phụ thuộc vào mức độ tổn thương não, bệnh lý đi kèm, tuổi tác và các biến chứng sau đột quỵ.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol, thường xuyên tập thể dục và kiểm soát cân nặng để hạn chế nguy cơ đột quỵ.
Đặc biệt, với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc có các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, đái tháo đường, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ càng trở nên quan trọng.