Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp hiếm gặp của cụ bà N.T.T. (79 tuổi, ở Nam Định). Cụ bà nhập viện vì ho kéo dài nhiều tuần không rõ nguyên nhân. Dù không sốt, đau họng hay có dấu hiệu nhiễm trùng, cụ bà thường xuyên cảm thấy đau vùng mang tai trái khi nuốt.
Trước đó, cụ bà đã dùng nhiều loại thuốc ho nhưng không đỡ, khiến cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém và mất ngủ. Khi nội soi, bác sĩ phát hiện một dị vật kim loại nhỏ, sắc, cong như sợi dây nằm sâu trong khe amidan trái – vị trí khó quan sát bằng mắt thường.
Dị vật được lấy ra nhẹ nhàng bằng nội soi mà không gây tổn thương. Ngay sau đó, các cơn ho của bệnh nhân biến mất hoàn toàn, sức khỏe cải thiện rõ rệt.
Bác sĩ tiến hành lấy dị vật cho bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo bác sĩ Trịnh Thùy Liên - chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dị vật đường tiêu hóa, đặc biệt loại nhỏ và sắc nhọn, có thể "trốn" trong cơ thể lâu ngày mà không gây triệu chứng rõ ràng. Ở người già, do phản xạ nuốt và ho kém, việc phát hiện dị vật càng khó hơn.
Các dấu hiệu như ho kéo dài, vướng họng, nghẹn khi nuốt dù nhẹ cũng có thể cảnh báo dị vật hoặc tổn thương vùng hầu họng. Nội soi tai mũi họng là phương pháp hiệu quả để phát hiện dị vật ở vị trí sâu, trong khi X-quang thường khó nhận biết.
Nếu có triệu chứng ho kéo dài, đau tai khi nuốt, vướng họng, nên đi khám sớm tại cơ sở y tế chuyên khoa. Dù là dị vật nhỏ, nếu không xử lý kịp thời, có thể dẫn đến viêm loét, áp xe, thủng thực quản, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Theo báo Nhân Dân, vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một nữ bệnh nhân (56 tuổi) nhập viện vì buồn nôn, tê bì môi và chân tay, tụt huyết áp, đau bụng và buồn đi ngoài sau khi ăn một lượng lớn củ ấu tàu thay cơm khoảng 1 giờ.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc aconitine trong củ ấu tàu, được điều trị vận mạch, cân bằng điện giải và thuốc chống loạn nhịp.
Bác sĩ Nguyễn Hà Anh ở Trung tâm Da liễu-Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết củ ấu tàu (còn gọi là củ gấu tàu, xuyên ô, thảo ô) là dược liệu quen thuộc trong y học cổ truyền nhưng lại chứa aconitine - một chất độc cực mạnh. Nếu dùng sai cách hoặc quá liều, aconitin có thể gây loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc tim và tử vong.
Ngộ độc aconitine thường biểu hiện bằng rối loạn tiêu hóa sớm (buồn nôn, đau bụng), sau đó là triệu chứng thần kinh (tê bì, chóng mặt) và tim mạch (tụt huyết áp, loạn nhịp, ngừng tim). Ngộ độc thường không đáp ứng với phác đồ xử trí sốc phản vệ: adrenaline, corticoid hoặc kháng histamin.
"Điểm nguy hiểm là các triệu chứng ngộ độc củ ấu tàu như buồn nôn, tê môi tay chân, tụt huyết áp,… rất dễ bị nhầm với sốc phản vệ - một phản ứng dị ứng nặng thường gặp sau khi ăn thực phẩm lạ", bác sĩ Hà Anh nói, ngày 11/4.
Sốc phản vệ thường khởi phát nhanh, xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng lần đầu tiên và đáp ứng nhanh với adrenaline.
Người bệnh nhập viện sau khi ăn một lượng lớn củ ấu tàu thay cơm khoảng 1 giờ. Ảnh: Nhân Dân
Bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng củ ấu tàu hoặc các loại thảo dược có độc tính cao. Việc tự chế biến hoặc sử dụng theo truyền miệng (ngâm rượu, nấu cháo, sắc thuốc…) mà không có hiểu biết rõ ràng về liều lượng và cách khử độc rất rủi ro.
Trước khi sử dụng các vị thuốc dân gian, dược liệu, cần hỏi ý kiến chuyên gia y tế, bởi không phải tất cả thảo dược đều an toàn, một số loại chỉ có thể dùng khi đã được xử lý đúng cách và đúng liều.
Bệnh nhân sau khi ăn củ ấu từ thấy có các dấu hiệu như buồn nôn, chóng mặt, tê bì chân tay, đau bụng, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở hoặc tụt huyết áp là những biểu hiện nghiêm trọng, cần được cấp cứu kịp thời. Khi đó, mọi người không nên cố chờ đợi hay tự điều trị tại nhà vì bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và nặng lên trong vài giờ.
Báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn thông tin từ Nation Thailand cho hay, các bác sĩ tại Thái Lan đã gắp một con vắt lớn ra khỏi mũi bé gái 3 tuổi. Bệnh viện chia sẻ lại trường hợp này như một lời cảnh báo cho các cha mẹ về việc thận trọng khi cho con mình chơi ở các nguồn nước tự nhiên, nơi vắt có thể sinh sống.
Theo đó, vào đêm 5/4, bé gái nhập viện ở huyện Om Koi (tỉnh Chiang Mai, Thái Lan), tuy nhiên, các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây chảy máu dai dẳng ở mũi phải của bệnh nhi. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nakornping.
Gia đình cho biết, bệnh nhi bắt đầu bị chảy máu mũi sau khi rửa mặt ở một con suối. Tại bệnh viện, Tiến sĩ Chaiyawat Songsompanyakun, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, đã tiến hành nội soi và phát hiện một con vắt lớn bám chặt vào thành khoang mũi.
Ông sử dụng thiết bị hút chuyên dụng để lấy con vật ra một cách an toàn, tránh làm tổn thương vùng niêm mạc. Bệnh nhi được kê thuốc kháng sinh và xuất viện mà không có thêm triệu chứng nào.
Con vắt được lấy ra ngoài. Ảnh: Nation Thailand
Theo Tiến sĩ Chaiyawat, vắt và các sinh vật ký sinh có thể xâm nhập vào cơ thể người qua các đường mở như mũi, tai, bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu.
“Khi chui vào cơ thể, vắt thường không được phát hiện ngay lập tức. Người bệnh chỉ bắt đầu thấy các triệu chứng như chảy máu cam, nghẹt mũi, hắt hơi liên tục hoặc cảm giác ngứa râm ran trong mũi sau vài ngày”, bác sĩ giải thích. Một số bệnh nhân còn có thể gặp phải tình trạng thiếu máu nhẹ, mệt mỏi, đau đầu nếu con vắt hút máu trong thời gian dài.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu con bị chảy máu cam thường xuyên, bởi tình trạng này có thể do vắt gây ra, đặc biệt là sau khi trẻ chơi ở các nguồn nước tự nhiên. Bên cạnh đó, các cha mẹ không nên cố gắng lấy vắt ra khỏi mũi trẻ. Việc loại bỏ vắt không đúng cách có thể gây ra nhiều tác hại.