Theo báo Đồng Nai, trong lúc đang cho heo con bú heo mẹ, bà L.T.X. (58 tuổi, ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) bị con heo mẹ tấn công dẫn đến té ngã và gãy 11 cái xương sườn, chấn thương nghiêm trọng.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh trong tình trạng hôn mê với chẩn đoán sốc chấn thương, suy hô hấp cấp. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật kéo tạ mảng sườn di động, dẫn lưu phổi phải, khâu vết thương vùng mặt phải, chăm sóc tích cực cho bệnh nhân. Đồng thời, cho bệnh nhân thở máy qua nội khí quản.
Do chấn thương nặng, ngày 24/3, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân. Ảnh: Báo Đồng Nai
Bác sĩ Đinh Việt Tuấn ở khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, đây là ca tai nạn rất hy hữu, bệnh nhân bị đa chấn thương rất nặng, đe dọa tính mạng.
Các bác sĩ đã tiến hành kéo tạ khung xương sườn bằng chỉ thép, dẫn lưu màng phổi, theo dõi nhiễm khuẩn huyết cho bệnh nhân. Song song đó, tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, truyền kháng sinh, giảm đau, dinh dưỡng đặc biệt.
Chiều 9/4, bệnh nhân X. đã được cai máy thở, tỉnh táo, có phản xạ, cử động tay được. Dự kiến sau khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, các bác sĩ sẽ chuyển bệnh nhân đến khoa Ngoại lồng ngực mạch máu để xử lý các vết thương ngực kín, gãy xương sườn.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên cẩn trọng và đảm bảo an toàn khi chăm sóc súc vật, tránh bị tai nạn đáng tiếc như trường hợp trên.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 8/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân nữ (58 tuổi, trú tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài 2 ngày, kèm sốt nhẹ và buồn nôn.
Qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc nghi do viêm ruột thừa và được chỉ định phẫu thuật nội soi khẩn cấp. Trong quá trình mổ, ekip bác sĩ phát hiện ổ giun kim ký sinh tại ruột thừa và quanh vùng hậu môn, gây viêm và dẫn đến biến chứng viêm phúc mạc.
Các bác sĩ đã kịp thời cắt bỏ ruột thừa và làm sạch ổ bụng, ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh, thuốc tẩy giun và theo dõi sát sao.
Hình ảnh giun ký sinh trong cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, giun kim là loại ký sinh trùng phổ biến, dễ lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt ở nơi có điều kiện vệ sinh kém. Trứng giun có thể theo tay bẩn hoặc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh xâm nhập vào cơ thể, phát triển ở ruột già.
Trong một số trường hợp, giun có thể chui vào ruột thừa gây tắc nghẽn và viêm cấp, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến viêm phúc mạc – biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Các dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý bao gồm: đau âm ỉ vùng quanh rốn chuyển dần sang hố chậu phải, sốt nhẹ, buồn nôn, chán ăn, đau tăng khi vận động hoặc ấn vào bụng, kèm ngứa hậu môn vào ban đêm – dấu hiệu đặc trưng của nhiễm giun kim.
Để phòng ngừa biến chứng do giun ký sinh, người dân cần: Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho cả trẻ em và người lớn; Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Đồng thời, cần ăn chín, uống sôi, rửa kỹ rau sống và trái cây; Khi có dấu hiệu đau bụng kéo dài, sốt, buồn nôn, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo VietnamPlus, ngày 9/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin các bác sĩ khoa Nội tổng hợp của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ V.T.D. (26 tuổi, ở Lạng Sơn) trong tình trạng ngứa, sưng phù toàn thân, đỏ da, kèm theo loét niêm mạc miệng, mũi và viêm kết mạc mắt, cơ quan sinh dục.
Bệnh nhân cho hay, khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân đau răng và tự ý mua thuốc giảm đau tại hiệu thuốc gần nhà mà không thông báo với dược sĩ về tiền sử mắc Lupus ban đỏ đang điều trị.
Ngày hôm sau, khi xuất hiện triệu chứng sốt, D. tiếp tục mua thuốc cảm về uống. Sau một ngày dùng thuốc, bệnh nhân bắt đầu nổi ban đỏ, ngứa, sưng phù toàn thân và được đưa đến một cơ sở y tế với chẩn đoán dị ứng thuốc.
Dù được điều trị trong 7 ngày, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện mà nặng thêm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện nhiều. Ảnh: VietnamPlus
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dị ứng nặng với các triệu chứng phù nề, ngứa ngáy, đau rát nghiêm trọng toàn thân, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và ăn uống. Đặc biệt, bệnh nhân nổi ban đỏ toàn thân, loét niêm mạc miệng, mũi và viêm kết mạc mắt…
Đây là các dấu hiệu điển hình của hội chứng Stevens-Johnson (SJS), còn gọi là hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc trên nền có bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Tổn thương do dị ứng thuốc còn gây suy thận cấp, protein niệu cao kèm tình trạng nhiễm trùng toàn thân rất nặng. Đây là phản ứng cấp tính nguy hiểm, đặc trưng bởi tình trạng hoại tử lan rộng và bong tách thượng bì.
Trong trường hợp này, bệnh nhân có tổn thương da dưới 10% diện tích cơ thể, kèm theo biến chứng nhiễm trùng huyết. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể đe dọa tính mạng.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện nhiều, ăn uống khá, tổn thương niêm mạc cải thiện nhiều nhờ phối hợp đa chuyên khoa trong chăm sóc vùng tổn thương (mắt, tai mũi họng, phụ khoa), chức năng thận và tình trạng nhiễm trùng ổn định.