Báo Tin Tức đưa tin, ngày 8/4, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết, lần đầu tiên bệnh viện phối hợp với các đơn vị trong và ngoài quân đội thực hiện thành công ca lấy ghép tạng từ người hiến chết não.
Người hiến tạng là ông N.T.T (SN 1975), được chẩn đoán chết não do đột quỵ xuất huyết não diện rộng, biến chứng phù não nặng. Trước tình huống trên, gia đình ông N.T.T đã có quyết định cao cả, đồng ý hiến tạng để cứu giúp những bệnh nhân khác.
Thiếu tướng, bác sĩ Trần Quốc Việt - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, ca phẫu thuật được thực hiện vào chiều ngày 7/4. Dù đang trong kỳ nghỉ lễ nhưng các đơn vị đã huy động gần 100 y bác sĩ, kỹ thuật viên và nhân viên phối hợp khẩn trương, thành công lấy nhiều mô, tạng của người hiến và vận chuyển ngay đến các bệnh viện tiếp nhận để ghép cho những bệnh nhân nặng đang chờ ghép tạng.
Toàn bộ quy trình từ lấy, vận chuyển, đến ghép tạng được thực hiện chính xác, kịp thời. Các tạng hiến đã được chuyển tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Trung ương Huế để cứu sống các bệnh nhân đang chờ ghép.
Toàn bộ quy trình từ lấy, vận chuyển đến ghép tạng được thực hiện chính xác, kịp thời. Ảnh: Báo Tin Tức
Để vận chuyển nhanh nhất và an toàn, Bệnh viện Quân y 175 đã được sự hỗ trợ của Cảnh sát Giao thông TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ và Khai thác sân bay (ASOC) - Vietnam Airlines phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để vận chuyển tạng bằng một chuyến bay nhanh nhất có thể, đảm bảo chất lượng tạng tối ưu cho ghép.
Theo Thiếu tướng, bác sĩ Trần Quốc Việt, mặc dù trước đó bệnh viện đã thực hiện gần 50 ca ghép thận thành công nhưng đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ca ghép thận từ nguồn tạng hiến sau chết não được lấy tại chỗ. Toàn bộ quy trình, từ tiếp nhận người hiến, xác định chết não, lấy tạng đến ghép tạng, đều được thực hiện khép kín tại bệnh viện.
“Việc lần đầu tiên thực hiện thành công ca lấy tạng từ người hiến sau khi chết não đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển kỹ thuật cao tại Bệnh viện Quân y 175, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy mạng lưới ghép tạng tại khu vực phía Nam và cả nước”, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nhận định.
Theo bệnh viện, đến nay, tạng của người hiến gồm tim, gan, thận, giác mạc đã được ghép thành công cho 7 người, trong đó có một trường hợp là bệnh nhi.
Theo báo Công An Nhân Dân, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ông V.A.P (dân tộc Giáy, 65 tuổi, ở Lào Cai) được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng suy giảm thị lực nghiêm trọng do chèn ép dây thần kinh thị giác, kèm theo các triệu chứng đau đầu, buồn nôn và dấu hiệu suy tuyến yên kéo dài.
Đây là những biểu hiện điển hình của u tuyến yên tiến triển. Tuy nhiên, do khối u phát triển âm thầm trong nhiều năm, ông P. chỉ phát hiện bệnh khi kích thước u đã quá lớn, gây chèn ép nhiều cấu trúc quan trọng trong não.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy một khối u tuyến yên có kích thước 6x5 cm đã xâm lấn sâu vào các vùng quan trọng như dây thần kinh thị giác (thần kinh số II), não thất ba, động mạch cảnh hai bên và các cấu trúc chức năng nội tiết.
Tỉnh lại sau ca phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, nhận thức tốt, thị lực cải thiện rõ rệt và có thể ăn uống bình thường. Ảnh: Công an Nhân Dân
TS.BS Nguyễn Duy Tuyển - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh 2, Bệnh viện Việt Đức cho biết, u tuyến yên là một bệnh lý phổ biến nhưng khi khối u đạt đến kích thước lớn và xâm lấn sâu như của ông P. thì việc loại bỏ toàn bộ khối u mà vẫn bảo toàn chức năng thần kinh là một thách thức đối với các bác sĩ.
Nếu như trước đây, phương pháp phẫu thuật u tuyến yên là mở sọ thì khoảng hai thập kỷ gần đây, kỹ thuật nội soi qua đường mũi (xoang bướm) đã trở thành phương pháp chính nhờ khả năng hạn chế xâm lấn và giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, trong những trường hợp khối u lớn và lan rộng như ông P., việc chỉ sử dụng một đường tiếp cận là không đủ, đặc biệt là ở các điểm khuất.
Vì vậy, các bác sĩ quyết định lần đầu tiên phối hợp đồng thời hai đường mổ: Mở sọ và nội soi qua đường mũi, giúp loại bỏ triệt để khối u mà vẫn bảo toàn các cấu trúc thần kinh quan trọng. Đây là một trong những ca phẫu thuật u tuyến yên đặc biệt hiếm gặp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của 2 ekip phẫu thuật.
Sau nhiều giờ phẫu thuật căng thẳng, toàn bộ khối u đã được loại bỏ mà vẫn bảo toàn được các dây thần kinh quan trọng. Ngay sau khi tỉnh lại, bệnh nhân tỉnh táo, nhận thức tốt, thị lực cải thiện rõ rệt và có thể ăn uống bình thường.
Đây không chỉ là một thành công quan trọng trong việc điều trị u tuyến yên, mà còn đánh dấu một bước tiến trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam. Với kết quả khả quan từ ca mổ này, các bác sĩ kỳ vọng sẽ có thêm nhiều người bệnh mắc u tuyến yên lớn được điều trị hiệu quả hơn trong tương lai, giúp họ lấy lại cuộc sống bình thường.
Theo Thời báo VTV, khối sỏi san hô lớn kích thước 7cm ở thận của người bệnh 70 tuổi vừa được bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) phẫu thuật lấy ra ngoài thành công.
ThS.BS Nguyễn Như Trung ở khoa Ngoại thận - Tiết niệu chia sẻ, việc phẫu thuật lấy sỏi có kích thước lớn và xù xì nhiều ngạnh rất khó khăn, cần rất cẩn trọng vì chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến cho người bệnh bị chảy máu, thậm chí phải cắt bỏ thận. Đặc biệt là trên người bệnh cao tuổi với bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường, việc phẫu thuật càng phức tạp hơn.
Khối sỏi san hô lớn được các bác sĩ lấy ra ngoài. Ảnh: Thời báo VTV
Đối với các trường hợp người bệnh có sỏi, đặc biệt là sỏi lớn, sỏi san hô, việc chỉ định phẫu thuật là bắt buộc. Nếu để quá lâu thì sỏi sẽ tàn phá, làm mất chức năng thận, gây ra những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Siêu âm thận, chụp X-quang ổ bụng là phương pháp cận lâm sàng cơ bản giúp phát hiện sỏi đường tiết niệu.
Khi bị đau vùng thắt lưng hoặc tiểu tiện ra máu, tiểu buốt, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra, khi phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ giúp các bác sĩ có hướng điều trị tốt nhất.