Theo Thời báo VTV, nam thanh niên 20 tuổi ở Long An vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An gắp ra một con sán dây dài gần 1m.
Người bệnh vốn có sở thích ăn các món tái và sống. Gần đây, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy đau bụng vùng thượng vị, tiêu chảy kéo dài, cơ thể mệt mỏi, chán ăn. Đáng chú ý, bệnh nhân bắt đầu thấy các đốt sán xuất hiện trong phân khi đi vệ sinh, thậm chí sán chui ra qua hậu môn trong lúc đang ngủ.
Bệnh nhân đã tự mua thuốc uống (không rõ loại) nhưng tình trạng không cải thiện. Lo ngại bệnh tình có thể diễn tiến nặng, người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An để thăm khám.
Tại bệnh viện, sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ tiến hành nội soi đại trực tràng. Kết quả quan sát phát hiện có ký sinh trùng màu trắng, nhiều đốt đang “trú ngụ” trong hồi tràng. Vì vậy, các bác sĩ đã tiến hành kéo con sán ra.
Tuy nhiên, phần đầu sán bám rất chắc khiến việc loại bỏ gặp nhiều khó khăn. Sau khi kéo được một đoạn, thân sán bị đứt. Các bác sĩ kiên trì thực hiện từng thao tác khéo léo để lấy toàn bộ phần còn lại ra ngoài. Kết quả, con sán dài gần 1m đã được lấy ra thành công.
Sau thủ thuật, bệnh nhân được các bác sĩ cấp toa thuốc và tư vấn chế độ ăn uống, cách phòng tránh tái nhiễm sán dây.
Các bác sĩ tiến hành thủ thuật kéo con sán ra ngoài. Ảnh: Tiền Phong
Bác sĩ CKI. Trương Minh Hiếu - Trưởng Khoa Nội soi cho biết, sán dây (hay còn gọi là sán dải) là loại ký sinh trùng có thân dẹp, dài, màu trắng đục và bao gồm nhiều đốt nối tiếp nhau. Khi vào cơ thể, chúng bám vào thành ruột, hút chất dinh dưỡng từ vật chủ, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy kéo dài, sụt cân…
Con đường lây nhiễm chủ yếu của sán dây là qua thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, đặc biệt là thịt bò, lợn, cá sống hoặc gỏi sống có chứa trứng hoặc ấu trùng sán. Khi vào cơ thể, trứng sán sẽ nở thành ấu trùng và phát triển thành sán trưởng thành trong ruột non. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sán dây có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thời báo VTV đưa tin, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật giảm áp dây thần kinh số VII ngoại biên cho một nam bệnh nhân 32 tuổi đến từ Điện Biên.
Người bệnh nhập viện tại khoa Tai - Mũi - Họng trong tình trạng mắt nhắm không kín, méo miệng trái, tai trái còn ít máu đọng, ống tai sưng nề, ngứa tai, ù tai và nghe kém. Trước đó, bệnh nhân bị ngã, đập mặt và tai trái xuống nền cứng, dẫn đến các triệu chứng trên.
Qua thăm khám lâm sàng và các chẩn đoán cận lâm sàng, đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính tai - xương đá, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị vỡ xương đá - thái dương bên trái, gây liệt dây thần kinh số VII ngoại biên. Trước tình trạng này, bệnh nhân được chỉ định can thiệp phẫu thuật để phục hồi chức năng cơ mặt.
Sau hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng phối hợp với kíp gây mê hồi sức đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật giảm áp dây thần kinh số VII ngoại biên cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật 3 ngày, cơ mặt bệnh nhân đã cân đối trở lại. Ảnh: Thời báo VTV
Sau 3 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Bệnh nhân hồi phục nhanh, các chỉ số sinh tồn ổn định và không có biến chứng sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật 3 ngày, cơ mặt bệnh nhân đã cân đối trở lại, mắt khép kín được và ăn uống bình thường.
Phẫu thuật giảm áp dây thần kinh số VII ngoại biên trước đây chỉ được thực hiện tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và hệ thống trang thiết bị hiện đại. Thành công của ca phẫu thuật này mở ra nhiều hy vọng cho những người bệnh bị liệt cơ mặt do tổn thương dây thần kinh số VII mà điều trị nội khoa kéo dài không hiệu quả.
Theo VietnamPlus, ngày 10/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi nữ (11 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang) bị chó nhà cắn vào vùng cổ dẫn đến tổn thương nghiêm trọng phải can thiệp phẫu thuật khẩn cấp.
Gia đình bệnh nhân cho hay con chó được nuôi suốt 12 năm, được xem như một thành viên trong nhà. Tai nạn xảy ra khi bé đang chơi đùa với con chó thì bất ngờ bị cắn vào cổ. Do con chó này đã được nuôi từ lâu và tiêm phòng dại nên gia đình chủ quan, không đưa bé đến bệnh viện ngay mà tiếp tục để bé sinh hoạt bình thường tại nhà.
Đến bữa ăn, khi bé nhai nuốt, người nhà mới phát hiện từ vết thương ở cổ chảy ra dịch nước bọt và cả thức ăn. Đây là dấu hiệu cảnh báo tổn thương sâu vào thực quản - một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng. Lúc này, bé mới được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Vũ Đức Thịnh - Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa cho biết khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy vùng cổ bé có hai vết cắn đang rỉ dịch nước bọt. Điều này đặt ra mối lo ngại về tổn thương sâu vào các cơ quan quan trọng như khí quản và thực quản.
Ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính để đánh giá toàn bộ tổn thương. May mắn, khí quản không bị ảnh hưởng nhưng nội soi cho thấy thực quản có hai lỗ thủng. Nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhi có thể gặp biến chứng nguy hiểm như viêm trung thất (nhiễm trùng vùng giữa hai lá phổi), nhiễm trùng huyết, hoặc rò thực quản kéo dài.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu, mở rộng vết thương, kiểm soát tổn thương và thực hiện mở thông dạ dày để nuôi dưỡng bệnh nhân bằng đường ống, giúp thực quản có thời gian hồi phục.
Bệnh nhi hiện đã qua cơn nguy hiểm, đang tiếp tục được theo dõi và chăm sóc hồi phục. Ảnh: VietnamPlus
Dù con chó đã được tiêm phòng dại, các bác sõ vẫn không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ nhiễm virus dại. Bệnh dại có thời gian ủ bệnh dài, khi đã phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy, bệnh nhân đã được hội chẩn với các chuyên gia dịch tễ và tiêm ngay ba mũi giải độc tố huyết thanh, một mũi vaccine phòng dại, tiếp tục theo dõi và tiêm đủ phác đồ để đảm bảo an toàn.
Người nhà bệnh nhân theo dõi thêm tại nhà, con chó vẫn ăn uống tốt, không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn yêu cầu gia đình nhốt và theo dõi trong ít nhất 10-14 ngày, bởi nếu chó phát bệnh dại trong khoảng thời gian này, bé có nguy cơ rất cao bị lây nhiễm.
Hiện tại, sau phẫu thuật và điều trị tích cực, bệnh nhi đã qua cơn nguy hiểm, đang tiếp tục được theo dõi và chăm sóc hồi phục.
Các bác sĩ khuyến cáo khi bị chó hoặc bất kỳ động vật nào cắn, người bệnh cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước trong ít nhất 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn hoặc dung dịch sát trùng.
Người dân cần để ý kỹ lưỡng ngay cả khi vết cắn không chảy máu nhiều, vi khuẩn hoặc virus từ nước bọt động vật vẫn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng sâu. Đặc biệt là vết cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, tay, chân… cần tiêm phòng dại và kiểm tra chuyên sâu nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.
Người nuôi chó cần theo dõi con vật trong 10-14 ngày, nếu con vật có dấu hiệu bất thường, cần thông báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.