Metaverse tiếp tục 'đốt' 4 tỷ USD của Meta
Theo báo cáo tài chính quý I/2023 ngày 26/4, Meta cho biết Reality Labs lỗ 3,99 tỷ USD, trong khi doanh thu chỉ 339 triệu USD. Con số này cải thiện hơn so với khoản lỗ 4,28 tỷ USD của quý IV/2022, nhưng khi đó doanh thu đạt 727 triệu USD.
Trước đó, dữ liệu từ công ty nghiên cứu NPD Group cho thấy, doanh thu thiết bị VR của Meta ở Mỹ năm 2022 giảm 2% so với 2021. Tháng 3 năm nay, công ty của Mark Zuckerberg phải giảm giá hai mẫu kính chủ đạo, trong đó Quest 2 từ 500 USD xuống 430 USD và Quest Pro từ 1.500 còn 1.000 USD.
Trong khi Reality Labs lỗ 10 quý liên tiếp với tổng số tiền hơn 35 tỷ USD, CEO Mark Zuckerberg lại đang chuyển hướng mối quan tâm đến AI. Trong buổi báo cáo tài chính, ông nói Meta đã "nhìn thấy cơ hội để giới thiệu các ứng dụng của AI cho hàng tỷ người theo những cách hữu ích và có ý nghĩa".
Theo ông, Meta đang xây dựng những tính năng giúp người dùng khám phá trải nghiệm trò chuyện mới trên WhatsApp và Messenger, các công cụ tạo hình ảnh cho bài đăng trên Facebook và Instagram, cũng như trải nghiệm đa phương tiện theo thời gian thực trên các nền tảng đang vận hành. Ông hy vọng những công cụ này "có giá trị với tất cả mọi người, từ người dùng bình thường, người sáng tạo cho đến doanh nghiệp".
Công cụ AI mất một phút bẻ khóa hàng loạt mật khẩu
Theo công ty an ninh mạng HomeSecurityHeroes, trung bình PassGAN chỉ cần chưa đến sáu phút để bẻ khóa bất kỳ mật khẩu nào có ít hơn 8 ký tự, dù chứa ký tự đặc biệt hay không. Công cụ cũ chỉ mất chưa đầy một phút để bẻ khóa 51% các loại mật khẩu phổ biến, 65% trong chưa đầy một giờ, 71% trong một ngày và 81% trong một tháng.
Công ty đã sử dụng PassGAN để phân tích hơn 15 triệu thông tin xác thực từ bộ dữ liệu mật khẩu bị rò rỉ của Rockyou. Công cụ này sẽ gặp khó khi mất ít nhất 10 tháng để bẻ khóa mật khẩu chỉ có số với nhiều hơn 18 ký tự. Nếu mật khẩu có sự kết hợp giữa ký hiệu, số, chữ viết thường và viết hoa (là cách thường được khuyên dùng), PassGAN mất sáu triệu tỷ năm để bẻ khóa.
Với cách bẻ khóa mật khẩu truyền thống, tin tặc sẽ so sánh danh sách ký tự với kết quả từ cơ sở dữ liệu mật khẩu phổ biến, sau đó cố gắng đoán mật khẩu khả dĩ dựa trên những biến thể. Còn với công cụ bẻ khóa sử dụng AI, quá trình đối chiếu và dự đoán diễn ra nhanh hơn và hoàn toàn tự động.
Trong thời gian ngắn, các công cụ sử dụng thuật toán máy học như PassGAN sẽ tìm hiểu cách mật khẩu hình thành từ các vụ rò rỉ thực. Ví dụ, nếu mật khẩu như "password" xuất hiện trong một vụ rò rỉ, công cụ sẽ thử những biến thể như "Passw0rd" hoặc "p@ssw0rd" làm mật khẩu khả thi để xâm nhập vào tài khoản khác. Do liên tục "học hỏi" trong quá trình phân tích, việc dự đoán, tạo biến thể của công cụ AI nhanh và chính xác hơn.
Tuyến cáp biển Liên Á – tuyến cáp quang biển đầu tiên được sửa xong
Đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam cho biết, lỗi trên cáp nhánh S1 hướng kết nối đi Singapore của tuyến cáp quang biển Liên Á vừa được sửa xong, chính thức khôi phục hoàn toàn dung lượng trên tuyến. Hiện tại, tuyến cáp này đã hoạt động ổn định trở lại.
Liên Á là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm AAG, APG, AAE-1 và SMW3.
Cáp Liên Á gặp sự cố lần đầu tiên trong năm 2023 vào ngày 28/1 trên nhánh S1, với vị trí cáp đứt cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130km. Kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố này đã liên tục bị lùi, từ giữa tháng 3 sang giữa tháng 4 và thực tế đã được sửa xong trong những ngày đầu của tuần cuối tháng 4.
Hiện vẫn còn 4 tuyến khác là AAG, APG, AAE-1 và SMW3 đang gặp sự cố. Theo các nhà mạng, việc cáp biển Liên Á được sửa xong cũng phần nào giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ internet quốc tế cung cấp tới người dùng.
Với các tuyến cáp vẫn đang gặp sự cố, theo kế hoạch dự kiến, khoảng giữa tháng 5, tuyến AAE-1 sẽ được sửa xong. Trong khi đó, 2 tuyến AAG và APG còn chưa xác định được thời điểm khôi phục hoàn toàn, do một số lỗi trên cáp nhánh chưa có lịch khắc phục.
Hoàng Yên (T/h)