Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thế giới mới nhất ngày 6/8

(DS&PL) -

Tin thế giới mới nhất ngày 6/8: Máy bay Mỹ gặp nạn ngoài khơi Australia, 3 người mất tích; ASEAN thông qua dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông;...

Tin thế giới mới nhất ngày 6/8: Máy bay Mỹ gặp nạn ngoài khơi Australia, 3 người mất tích; ASEAN thông qua dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông; Nga tìm thấy 8 nạn nhân vụ nước lũ nhấn chìm mỏ kim cương;...

Máy bay Mỹ gặp nạn ngoài khơi Australia, 3 người mất tích

Theo báo Tri thức trực tuyến, một chiếc máy bay vận tải MV-22 Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ đã gặp nạn ngoài khơi vịnh Shoalwater, miền Đông Australia. Các báo cáo ban đầu cho biết 23 binh sĩ đã được cứu sống và 3 người hiện vẫn mất tích.

Một chiếc MV-22 Osprey của quân đội Mỹ. Ảnh: Getty.

"Chiếc MV-22 cất cánh từ tàu sân bay USS Bonhomme Richard tham gia vào hoạt động đã được lên kế hoạch tại Australia trước khi gặp nạn", bộ chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản, cho biết.

Tất cả 26 người có mặt trên chiếc MV-22 trên đều là binh sĩ Mỹ. Các tàu cứu hộ, trực thăng và máy bay chiến đấu của Mỹ đã được triển khai tham gia tìm kiếm cứu hộ. Quân đội Mỹ chưa công bố nguyên nhân vụ việc.

Chiếc máy bay của Thủy quân lục chiến Mỹ gặp nạn sau khi tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre giữa quân đội Mỹ và Australia. Cuộc tập trận năm nay có sự góp mặt của 33.000 binh sĩ của cả hai nước. Sự kiện bắt đầu từ cuối tháng 6 và kết thúc hôm 25/7.

MV-22 Osprey, biệt danh "Chim ưng biển", là loại máy bay đặc biệt được Lầu Năm Góc phát triển từ năm 1983 với tham vọng tạo ra chiếc máy bay phản lực có thể hoạt động trên nhiều địa hình. "Chim ưng biển" vừa có thể cất cánh thẳng đứng như trực thăng, vừa có khả năng lao đi như máy bay phản lực.

ASEAN thông qua dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Báo VnExpress đưa tin, ngày 5/8, các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Xinhua đưa tin.

"Các ngoại trưởng đã nhất trí với dự thảo khung COC để đưa phê chuẩn tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc diễn ra vào ngày 6/8", ông Robespierre Bolivar, quyền phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines, phát biểu trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 đang diễn ra tại Manila.

Ông nhấn mạnh văn kiện này sẽ giúp ASEAN và Trung Quốc tiến tới đàm phán một COC hiệu quả.

Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông bắt đầu được ASEAN thảo luận từ năm 2002, với kỳ vọng xây dựng một văn kiện mang tính ràng buộc để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục trì hoãn việc thảo luận các điều khoản của COC trong nhiều năm qua. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hồi tháng một nói rằng văn kiện này bị cản trở bởi các "sự kiện chen ngang" nhưng không nêu cụ thể.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan sẽ kéo dài đến ngày 8/8. Vào ngày 7/8, các ngoại trưởng ASEAN và 17 đối tác đối thoại sẽ gặp nhau tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, cuộc đối thoại an ninh đa phương quan trọng nhằm thảo luận các vấn đề nóng ở khu vực hiện nay.

Nga tìm thấy 8 nạn nhân vụ nước lũ nhấn chìm mỏ kim cương

Báo VOV thông tin, ngày 5/8, lực lượng cứu hộ của Nga đã tìm thấy 8 nạn nhân mất tích trong vụ nước lũ nhấn chìm mỏ kim cương tại Siberia, miền Đông nước Nga.

Mỏ kim cương Mir (ảnh minh họa: ITN)

Như vậy, theo thông báo mới nhất của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, hiện vẫn còn 9 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy. Trước đó, lực lượng cứu hộ của Nga đã đưa lên mặt đất an toàn 133 thợ mỏ. Giới chức y tế cho biết trong số những thợ mỏ được giải cứu có 2 người bị thương nhẹ và đã được đưa đến bệnh viện địa phương. Hiện tình trạng sức khỏe của họ đã ổn định.

Cũng trong ngày hôm nay, Tổng thống Nga Putin đã tới Siberia và nghe thông báo về vụ tai nạn hầm mỏ này. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Vladimir Puchkov đã tới hiện trường và cho biết, công tác cứu hộ sẽ được tiếp tục cho tới khi tìm thấy toàn bộ các nạn nhân còn mất tích.

Trước đó, chiều qua, nước từ một mỏ lộ thiên bỏ hoang có trữ lượng khoảng 300 nghìn mét khối đã tràn vào hầm mỏ Mir của nhà sản xuất kim cương lớn nhất Nga Alrosa. Vào thời điểm xảy ra vụ việc có khoảng 150 thợ mỏ đang làm việc dưới hầm. Giám đốc điều hành Alrosa, ông Sergei Ivanov, đã tới ngay hiện trường, tham gia công tác cứu hộ.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố tại hầm mỏ Mia. Hôm 29/7 vừa qua, đất đá đã đổ sập xuống một chiếc ôtô chở hàng tại mỏ này khiến ít nhất 1 người thiệt mạng. Trước đó, trong tháng 2 năm ngoái, một vụ nổ khí mê-tan ở mỏ than Severnaya, phía bắc của Bắc Cực cũng đã làm 36 người thiệt mạng. Năm 2010, một vụ nổ mỏ than ở Kemerovo thuộc Siberia cũng đã làm 91 người thiệt mạng.

Tổng thống Trump lại bị điều tra về tài chính

Báo Công an nhân dân dẫn nguồn tin từ Washington Post và một số hãng tin Mỹ ngày 5/8 cho biết, Công tố viên đặc biệt được dựng lên để điều tra các nghi vấn xung quanh Tổng thống Mỹ Donald Trump Robert Mueller đã lập bồi thẩm đoàn để tập trung tìm kiếm các vi phạm tài chính của ông chủ Nhà Trắng.

Bước đi được tiến hành trong bối cảnh những người nghi ngờ Tổng thống Trump không thể đưa ra bất cứ bằng chứng xác thực hay cụ thể nào về cái gọi là “Nga can thiệp bầu cử Mỹ”, trong khi những vấn đề tài chính sẽ dễ bị truy xét hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Bồi thẩm đoàn này hôm 4/8 đã yêu cầu Nhà Trắng cung cấp những tài liệu về hoạt động tài chính của Tổng thống Trump và cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Trong khi ông Flynn bị điều tra vì bị nghi nhận được khoản thanh toán bí mật từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 2016 thì Tổng thống Trump sẽ bị “soi” toàn bộ quá trình kinh doanh, mua bán trong nhiều năm trở lại đây.

Trước đó, bồi thẩm đoàn này đã triệu tập một số người và tài liệu để điều tra về cuộc gặp giữa con trai Tổng thống Trump là Donald Trump Jr. với một nữ luật sư Nga hồi năm 2016. Điều này cho thấy ông Mueller sẽ triệu tập nhiều người và yêu cầu nhiều tài liệu quan trọng trong thời gian tới.

Việc tiến hành điều tra các hoạt động tài chính của ông Trump đã vấp phải sự phản đối của người đứng đầu Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ từng cảnh báo hành động này của ông Mueller sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ”. Tuy nhiên, Tổng thống Trump sẽ không thể làm gì hơn vì các nghị sĩ Mỹ đang hợp sức thúc đẩy biện pháp bảo vệ ông Mueller khỏi nguy cơ bị Tổng thống sa thải.

Theo đó, nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ sớm đề xuất đạo luật quy định chỉ có tổng công tố được Thượng viện Mỹ chấp thuận mới có quyền sa thải công tố viên đặc biệt.

Ông Putin được người dân đề nghị tranh cử tổng thống 2018

Theo báo Dân trí, trong chuyến thăm tới các khu vực phía đông của nước Nga mới đây, Tổng thống Putin đã nhận được các câu hỏi từ một nhóm người dân sống ở Cộng hòa Buryatia (thuộc Nga) thông qua một cuộc đối thoại trực tuyến. Một trong số các câu hỏi dành cho ông Putin có liên quan tới cuộc bầu cử Nga năm 2018.

Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)

“Thưa ngài Vladimir Vladimirovich (Tổng thống Putin), chúng tôi có một đề nghị, đó tất cả chúng tôi đều muốn ông đăng ký trở thành một ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Tất cả chúng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu điều đó diễn ra”, những người dân nói với Tổng thống Putin. Đáp lại lời đề nghị trên, Tổng thống Putin nói: “Được rồi, tôi sẽ cân nhắc về chuyện đó. Cảm ơn các bạn”.

Đây không phải lần đầu tiên ông Putin nhận được những câu hỏi về khả năng tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm sau. Trước đó, cả ông Putin và thư ký báo chí của tổng thống là ông Dmitry Peskov đều nói rằng thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để đưa ra quyết định về vấn đề này.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận trong những tháng gần đây cho thấy có hơn 80% người dân Nga hài lòng với những gì ông Putin đã làm trên cương vị tổng thống, trong đó 2/3 số người được hỏi nói rằng họ muốn ông Putin vẫn tiếp tục làm tổng thống trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Thổ Nhĩ Kỳ điều nhiều xe tăng và pháo binh tới biên giới với Syria

Thông tin trên TTXVN, ngày 5/8, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nước này đã tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực dọc biên giới phía Nam, nhằm ngăn chặn những mối đe dọa từ phiến quân người Kurd ở miền Bắc Syria.

Theo Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều các đơn vị pháo binh tới tỉnh Kilis để củng cố lực lượng tại khu vực này. Trong khi đó, hãng thông tấn tư nhân Dogan cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai 6 đoàn xe, gồm nhiều xe tăng và pháo binh đối diện khu vực Afrin do người Kurd kiểm soát tại Syria.Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối sự hiện diện của lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại miền Bắc Syria. Thời gian vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục oanh kích vào các vị trí của lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria.

Chính sách của Ankara tại đây chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của các nhóm người Kurd, vốn đã thành lập các khu vực tự trị kể từ khi cuộc chiến tranh Syria bắt đầu vào năm 2011.

Ankara cho rằng YPG là mối đe dọa an ninh, coi lực lượng này là sự mở rộng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng đã nổi lên chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua.

YPG là lực lượng quan trọng trong Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn trong nhiều tháng qua đã tiến hành chiến dịch nhằm giành lại thành phố Raqqa ở Syria từ IS. Mỹ xem YPG như một đồng minh trong chiến dịch chống IS tại thành phố Raqqa, thành trì của IS tại Syria.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trở nên căng thẳng sau khi Mỹ ủng hộ trang bị vũ khí cho YPG.

Liban phủ nhận hợp tác với Syria chống IS

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, một nguồn tin quân sự cho hay quân đội Liban sẽ không hợp tác với quân đội Syria để chống lại IS tại khu vực biên giới hai nước, bác bỏ những thông tin trước đó của truyền thông địa phương.

Nguồn tin trên khẳng định quân đội Liban có đủ khả năng để đối phó và tiêu diệt bất cứ tổ chức nào mà không cần sự giúp đỡ từ khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Trước đó một ngày, thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hezbollah tại Liban Sayyed Hassan Nasrallah tuyên bố trong vài ngày tới, Liban sẽ mở một cuộc tấn công nhằm vào phiến quân IS ở khu vực biên giới với Syria. Sau đó, báo al-Joumhouria của Liban đưa tin quân đội nước này và Syria đã có sự phối hợp trực tiếp liên quan đến chiến dịch tấn công IS.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật