Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thế giới mới nhất ngày 3/8

(DS&PL) -

Tin thế giới mới nhất ngày 3/8: Mỹ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa; Bốn nước Đông Âu gia hạn trừng phạt kinh tế Nga;...

Tin thế giới mới nhất ngày 3/8: Mỹ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa; Bốn nước Đông Âu gia hạn trừng phạt kinh tế Nga; Đại sứ quán Nga ở Syria bị tấn công;....

Mỹ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa

Theo báo Dân trí, vào lúc 2h10 ngày 2/8 giờ địa phương, Mỹ đã bắn thành công tên lửa không đầu đạn Minuteman III từ căn cứ Không quân Mỹ North Vandenberg ở bang California.

(Ảnh minh họa: Boeing)

Theo Đại tá Michael Hough, chỉ huy Phi đội Không gian 30 thuộc Bộ chỉ huy tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ, mục tiêu của lần thử nghiệm này là “kiểm tra và xác minh tính hiệu quả, sự sẵn sàng và tính chính xác của hệ thống”.

Đây là lần thứ 4 tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman được phóng từ căn cứ Vandenberg trong năm nay. Lần bắn thử này được cho là động thái “nắn gân” Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đêm 28/7 thử nghiệm một tên lửa tầm xa mà Hàn Quốc và Mỹ cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tên lửa này được cho là đã bay xa 1.000km, cao 3.700km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

Cộng đồng quốc tế đã chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên do tên lửa bay vào khu vực hoạt động của máy bay thương mại. Tin truyền thông cho biết, một máy bay của hãng Air France khởi hành từ Tokyo đi Paris chở hơn 300 hành khách đã bay qua khu vực tên lửa Triều Tiên rơi chỉ khoảng 10 phút trước đó.

Nhà Trắng đã ra thông cáo chỉ trích Bình Nhưỡng: “Việc bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày 28/7 là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng. Đây là hành động liều lĩnh và nguy hiểm mới nhất của Bình Nhưỡng”.

Tên lửa Minuteman III được sản xuất bởi Boeing và được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1975 với vòng đời ước tính 10 năm. Năm 1993, hãng sản xuất đã nâng cấp hệ thống điện tử cho phép tên lửa hoạt động tới năm 2020.

Bốn nước Đông Âu gia hạn trừng phạt kinh tế Nga

TTXVN đưa tin, ngày 2/8, 4 nước Đông Âu bao gồm Montenegro, Albania, Na Uy và Ukraine đã gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga đến ngày 31/1/2018.
Trước đó, hồi tháng 6, EU cũng gia hạn biện pháp trừng phạt của mình thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2018.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo tuyên bố của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, 4 nước này đã tham gia cùng với quyết định của EU và EU ghi nhận và hoan nghênh quyết định đó.

Trong 4 nước này, Montenegro và Albania là nước thành viên EU, Na Uy là thành viên Hiệp hội thương mại tự do châu Âu và Ukraine là nước có quan hệ ở mức căng thẳng với Nga.

Chính sách trừng phạt của EU bao gồm 3 định hướng độc lập với nhau: hạn chế thị thực đối với công dân Nga (có hiệu lực đến tháng 9/2017); biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại hàng loạt các công ty nhà nước Nga trong lĩnh vực dầu mỏ, quốc phòng và tài chính (được gia hạn đến 31/1/2018); và biện pháp trừng phạt liên quan đến Crimea (có hiệu lực đến ngày 23/6/2018).

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định này của EU và đánh giá rằng "chính trị đang lấn át kinh tế", ông cam kết sẽ có biện pháp đáp trả thích hợp từ phía Nga.

Đại sứ quán Nga ở Syria bị tấn công

Báo Công an nhân dân thông tin, ngày 2/8, Đại sứ quán Nga ở thủ đô Damascus, Syria đã bị pháo kích bởi khủng bố, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận.

Không có thương vong trong vụ tấn công, tuy nhiên, tòa nhà sứ quán chịu thiệt hại nhất định.

Đại sứ quán Nga ở Damascus, Syria. Ảnh: RT

2 vỏ đạn pháo đã rơi xuống khuôn viên Đại sứ quán, theo Tuyên bố của Bộ Ngoại giao.
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố vào phái đoàn ngoại giao Nga ở Damascus”, tuyên bố nêu.

“Chúng tôi xin nhắc lại rằng Nga đã nhiều lần chú ý đến tính man rợ của những tên khủng bố tấn công khu vực dân cư ở Damascus và thành phố đông dân khác trên khắp Syria. Mỗi ngày, nhiều người dân bao gồm phụ nữ và trẻ em đều trở thành nạn nhân”, theo tuyên bố.

Bộ Ngoại giao Nga hy vọng các nước phương Tây trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ lên án vụ tấn công.

Đây không phải là lần đầu tiên phái đoàn ngoại giao Nga ở Damascus bị tấn công. Trước đó, hôm 16/7, Đại sứ quán Nga cũng phải chịu một vụ tấn công tương tự.

Trump ký luật trừng phạt Nga

Theo báo VnExpress, một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay đã ký dự luật trừng phạt mới với Nga, nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng, theo CNN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NRU

Trước đó đã có một số tín hiệu mâu thuẫn từ chính quyền Trump về lệnh trừng phạt. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với các phóng viên rằng ông và ông Trump không tin các biện pháp trừng phạt mới sẽ hữu ích cho những nỗ lực ngoại giao với Nga. Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence bình luận dự luật cho thấy Trump và quốc hội Mỹ đang "có tiếng nói thống nhất".

Mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow của Trump đã bị cản trở bởi cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Moscow bác bỏ điều này. Trump cũng bác bỏ thông tin chiến dịch của ông thông đồng với Nga.

Sau khi lưỡng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt vào tuần trước, Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Nga. Với việc Trump ký dự luật, giới chuyên gia cho rằng Nga có thể tung ra thêm các biện pháp trả đũa như cấm vận thương mại hay chặn các đề xuất của Mỹ ở Liên Hợp Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ thay thế hàng loạt tư lệnh quân đội

TTXVN đưa tin, ngày 2/8, Hội đồng Quân sự tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (YAS) đã thay thế tư lệnh các lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân của quân đội nước này sau một phiên họp do Thủ tướng Binali Yildirim chủ trì.

Đây là một nỗ lực mới nhất trong việc cải tổ lực lượng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi năm ngoái.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Ảnh: AFP/TTXVN

YAS đã quyết định thay thế Tư lệnh Lục quân, Tướng Salih Zeki Colak bằng Tư lệnh lực lượng hiến binh Yasar Guler. Phó Đô đốc Adnan Ozbal sẽ đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Hải quân thay cho Đô đốc Bulent Bostanoglu. Tư lệnh Không quân, Tướng Abidin Unal sẽ được thay thế bằng Tư lệnh Lực lượng Chiến tranh Không quân Hasan Kucukakyuz.

Những sự thay đổi nói trên sẽ sớm được trình lên để Tổng thống Tayyip Erdogan phê chuẩn. Hiện giới chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

Duterte: Kim Jong Un là 'gã ngốc có khuôn mặt bầu bĩnh'

Tin tức trên báo Tri thức trực tuyến, ngày 2/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kịch liệt thoá mạ nhà lãnh đạo Triều Tiên là "gã ngốc" bởi tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Philippines nhiều lần thóa mạ các nhà lãnh đạo trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Những phát ngôn của ông Duterte đưa ra chỉ vài ngày trước khi Manila tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) dự kiến có sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao ở khu vực.

Tổng thống Philippines không ngại ngần chỉ trích ông Kim Jong Un là "đùa giỡn với những đồ chơi nguy hiểm".

"Kim Jong Un, một gã ngốc... ông ta đang đùa giỡn với những đồ chơi nguy hiểm, tên ngốc đó", ông Duterte nói trong một bài phát biểu trước các quan chức thuế.

"Khuôn mặt bầu bĩnh đó có vẻ tử tế... Nếu ông ta phạm sai lầm, vùng Viễn Đông sẽ trở thành vùng đất cằn khô. Chiến tranh hạt nhân phải dừng lại", tổng thống Philippines nói.

Triều Tiên hiện quyết tâm phát triển loại tên lửa đạn hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ. Theo các quan chức Washington, vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 29/7 của Bình Nhưỡng cho thấy tên lửa này có tầm bắn tới hầu hết lãnh thổ Mỹ.

Đây không phải lần đầu ông Duterte chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên về tham vọng hạt nhân. Hồi tháng 4 ông đã kêu gọi Mỹ thể hiện sự kiềm chế và không để "mắc bẫy" một người "muốn kết liễu thế giới".

Ngày 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, dự kiến tham dự diễn đàn sắp tới ở Manila, cho biết ông muốn đối thoại với Triều Tiên, nhấn mạnh Bình Nhưỡng không phải kẻ thù và Mỹ không tìm cách lật đổ chế độ của ông Kim.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật