Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thế giới mới nhất ngày 1/8

(DS&PL) -

Tin thế giới mới nhất ngày 1/8: Tự do đi lại giữa Anh và EU sẽ chấm dứt vào tháng 3/2019; Đức kêu gọi EU đáp trả Mỹ sau vụ trừng phạt Nga;....

Tin thế giới mới nhất ngày 1/8: Tự do đi lại giữa Anh và EU sẽ chấm dứt vào tháng 3/2019; Đức kêu gọi EU đáp trả Mỹ sau vụ trừng phạt Nga; IS tấn công khủng bố đại sứ quán Iraq ở Afghanistan;...

Tự do đi lại giữa Anh và EU sẽ chấm dứt vào tháng 3/2019

TTXVN đưa tin, ngày 31/7, trả lời báo giới, người phát ngôn của Thủ tướng May khẳng định: "Sự tự do đi lại sẽ kết thúc vào tháng 3/2019". Quan chức này cũng nói thêm rằng các yếu tố khác liên quan hệ thống nhập cư thời hậu Brexit sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp.

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, David Davis (trái) và Trưởng đoàn đàm phán châu Âu về Brexit Michel Barnier (phải) tại vòng đàm phán thứ hai ở Brussels ngày 17/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh khẳng định quan điểm của chính phủ về Brexit vẫn giống như những gì đã công bố hồi tháng 1, sau những tuyên bố dường như trái chiều của các thành viên nhóm thân cận hàng đầu của Thủ tướng May trong những ngày gần đây liên quan đến kế hoạch Brexit. Nêu rõ những chi tiết về thời kỳ hậu Brexit vẫn đang được đàm phán, quan chức này cũng nhấn mạnh Anh không tìm kiếm một giải pháp "sẵn có".

Trong khi đó, tuần trước, tờ Financial Times đưa tin Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond (Phi-líp Ham-mơn) kỳ vọng vào một thỏa thuận chuyển tiếp sẵn có, duy trì được những thỏa thuận thương mại hiện nay trong ít nhất 2 năm. Cũng trong ngày 31/7, trả lời báo giới, Bộ trưởng Hammond cho biết Anh không có ý định giảm thuế xuống dưới mức trung bình của EU để duy trì sức cạnh tranh sau Brexit.

Hiện Anh và EU đã tiến hành 2 vòng đàm phán về Brexit, song còn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, nhất là lĩnh vực tài chính và quyền lợi của công dân EU tại Anh. Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ 3 sẽ bắt đầu từ ngày 28/8 tới. Các nhà đàm phán đang hết sức nỗ lực để đạt một thỏa thuận từ nay đến cuối năm 2018. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, nước Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3/2019.

Đức kêu gọi EU đáp trả Mỹ sau vụ trừng phạt Nga

Báo Tri thức trực tuyến dẫn lại lời Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Brigitte Zypries nói với báo Funke Mediengruppe ngày 31/7: "Nói một cách thẳng thừng và đơn giản, chúng tôi xem việc này (trừng phạt Nga) là đi ngược lại luật pháp quốc tế".

"Tất nhiên, chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại. Dù vậy, việc Ủy ban châu Âu xem xét các biện pháp đáp trả cũng rất quan trọng", bà nói.

Bộ trưởng Brigitte Zypries. Ảnh: AFP.

Chính phủ Đức và các lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng các biện pháp trừng phạt vừa được quốc hội Mỹ thông qua sẽ ngăn cản các công ty Đức làm việc tại các công trình đường ống dẫn dầu thiết yếu đối với an ninh năng lượng của Đức.

Ngày 27/7, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mở rộng dành cho Nga. Tổng thống Donald Trump bị đặt vào thế khó khi ông chỉ có 2 lựa chọn, 1 là chấp thuận các biện pháp này, 2 là phủ quyết và chấp nhận làm mất lòng các nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Trong trường hợp Nhà Trắng phủ quyết, dự luật sẽ vẫn trở thành luật nếu 2/3 thành viên lưỡng viện quốc hội Mỹ bác bỏ quyết định của tổng thống.

Ngày 30/7, đáp trả lại lệnh trừng phạt, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ. Trước đó, Nga đã thông báo Mỹ phải cắt giảm số nhân viên ngoại giao ở đại sứ quán và các lãnh sứ quán đặt ở Nga xuống bằng đúng số nhân viên ngoại giao Nga đang có ở Mỹ.

Đồng thời, Moscow sẽ tịch thu 2 cơ sở ngoại giao của Mỹ và cân nhắc hàng loạt lệnh trừng phạt mới nhằm đáp trả quyết định của Washington.

IS tấn công khủng bố đại sứ quán Iraq ở Afghanistan

BáoVnExpress dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ Afghanistan ngày 31/7 cho biết có ít nhất 4 phiến quân tấn công đại sứ quán Iraq ở thủ đô Kabul hôm nay. Một phiến quân tự kích nổ tại lối vào đại sứ quán, ba tên còn lại xông vào tòa nhà.

Hiện trường vụ tấn công. Ảnh: Twitter.

"Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh đã có mặt kịp thời và sơ tán các nhà ngoại giao Iraq tới nơi an toàn. Không có nhân viên đại sứ quán bị thương, chỉ một cảnh sát bị thương nhẹ", theo Bộ Nội vụ Afghanistan. Tất cả kẻ tấn công đều bị tiêu diệt.

Bộ Ngoại giao Iraq thông báo đang phối hợp với nhà chức trách Afghanistan để theo dõi tình hình.

Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm thông qua kênh tuyên truyền Amaq của nhóm phiến quân. Hai phiến quân IS "đã tấn công tòa nhà đại sứ quán Iraq tại thành phố Kabul, Afghanistan".

IS có nhánh ở Afghanistan là Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (IS-K), hoạt động chủ yếu tại hai tỉnh miền đông Nangarhar và Kunar. Chúng từng nhận trách nhiệm một số vụ đánh bom ở Kabul. Lực lượng Mỹ tại Afghanistan đã nhiều lần tấn công IS-K, tiêu diệt thủ lĩnh IS-K Abu Sayed cùng nhiều thành viên cấp cao trong đợt không kích ngày 11/7 ở Kunar.

Hàn Quốc đàm phán với Mỹ để tái triển khai THAAD

Báo Tiền Phong dẫn lời Moon Sang-gyun, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết hôm nay (31/7), Seoul và Washington đã bắt đầu tham vấn về vấn đề nối lại việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.

“Về việc triển khai 6 bệ phóng THAAD, Hàn Quốc và Mỹ sẽ đưa ra quyết định sau khi tham vấn. Cuộc thảo luận đang diễn ra, nhưng cần có thêm tư vấn cho các vấn đề cụ thể như khi nào tiếp tục triển khai và triển khai như thế nào”, ông Moon nói.

Hệ thống THAAD đang dần được triển khiển khai tại địa điểm từng là sân gôn ở Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Theo người phát ngôn, cuộc cuộc luận được kỳ vọng Seoul và Washington sẽ khởi động các cuộc đàm phán toàn diện về việc bổ sung các thiết bị phóng của THAAD trong tương lai gần.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhiều lần chỉ trích chính quyền tiền nhiệm, dưới sự lãnh đạo của bà Park Geun-hye, vì đồng ý triển khai THAAD trong nước mà không xin phép Quốc hội.

Hồi tháng 5, ông Moon đã ký lệnh tạm đình chỉ triển khai hệ thống tên lửa phòng không để tiến hành đánh giá tác động môi trường tại Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang.

Tuy nhiên, thứ Bảy vừa qua (29/7), ông Moon đã đề xuất tiếp tục lắp đặt bổ sung các bộ phận của THAAD sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 lần thứ 2 vào tối trước đó.

Quyết định của ông Moon gây ra chia rẽ trong Quốc hội Hàn Quốc, khi các đảng đối lập chỉ trích chính sách ngoại giao “quá mềm mỏng” của chủ nhân Nhà Xanh đối với triều Tiên.

Mỹ tái khẳng định cam kết bảo vệ các đồng minh NATO

Theo TTXVN, ngày 31/7, phát biểu trước báo giới tại thủ đô Tallinn của Estonia sau cuộc gặp với tổng thống các nước Estonia, Latvia, Litva, Phó Tổng thống Pence nêu rõ: "Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ cam kết thực hiện Điều 5 về phòng thủ chung với NATO, tấn công vào một nước là tấn công vào tất cả chúng ta".

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Pence nhấn mạnh Tổng thống Trump "hiểu rõ an ninh là nền tảng của sự thịnh vượng", đồng thời khẳng định Mỹ cùng các quốc gia Baltic sẽ tìm kiếm những biện pháp mới để đẩy mạnh thương mại hai chiều cũng như đầu tư song phương.

Trước đó, Phó Tổng thống Pence đã có cuộc gặp với Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid, Tổng thống Latvia Raimonds Vejonis và Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite.

Cùng ngày, Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite cho biết Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự trên lãnh thổ Litva từ ngày 14-20/9 tới, đúng vào thời điểm Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận quân sự chung mang tên Zapad 2017.

Estonia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Âu của Phó Tổng thống Mỹ, sau đó là Gruzia và Montenegro. Tại Estonia, ông Pence dự kiến sẽ tới thăm các binh sĩ NATO đến từ Anh, Pháp, Mỹ đang đồn trú tại đây. NATO đã triển khai 4.000 binh sĩ và khí tài quân sự tại 3 quốc gia Baltic và Ba Lan.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật