Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thế giới mới nhất ngày 29/7

(DS&PL) -

Tin thế giới mới nhất ngày 29/7: Nga trả đũa trừng phạt, ép Mỹ cắt giảm nhân viên ngoại giao; Tai nạn tàu hỏa ở Tây Ban Nha khiến ít nhất 54 người bị thương;...

Tin thế giới mới nhất ngày 29/7: Nga trả đũa trừng phạt, ép Mỹ cắt giảm nhân viên ngoại giao; Tai nạn tàu hỏa ở Tây Ban Nha khiến ít nhất 54 người bị thương; 4 nước Arab nhóm họp tại Bahrain về khủng hoảng với Qatar;...

Nga trả đũa trừng phạt, ép Mỹ cắt giảm nhân viên ngoại giao

Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trên website rằng Nga đã yêu cầu Mỹ cắt giảm số nhân viên ngoại giao tại Nga xuống còn 455 người. Thời hạn Moscow đưa ra cho Washington thực hiện yêu cầu là ngày 1/9.

Ngoài ra, phía Nga cũng sẽ tịch thu 1 khu nhà nghỉ dưỡng của các nhà ngoại giao và 1 nhà kho mà Mỹ đang sử dụng ở Moscow.

Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Moscow, Nga. Ảnh: AFP.

"Chúng tôi đề nghị phía Mỹ giảm số nhà ngoại giao cũng như nhân viên kỹ thuật làm việc ở đại sứ quán Mỹ và các tổng lãnh sự quán xuống bằng đúng số nhà ngoại giao và nhân viên kỹ thuật Nga đang có ở Mỹ", AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.

455 người là số lượng nhân sự của Bộ Ngoại giao Nga còn ở Mỹ sau khi Washington trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga hồi tháng 12/2016. Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhân viên Mỹ sẽ phải rời Nga sau yêu cầu này. Moscow cũng cảnh báo sẽ phản ứng nếu Washington lại quyết định trục xuất nhà ngoại giao Nga.

Đây được xem là biện pháp trả đũa của Nga sau việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mở rộng dành cho Nga trước đó 1 ngày. Tổng thống Donald Trump bị đặt vào thế khó khi ông chỉ có 2 lựa chọn, 1 là chấp thuận các biện pháp này, 2 là phủ quyết và chấp nhận làm mất lòng các nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Trong trường hợp Nhà Trắng phủ quyết, dự luật sẽ vẫn trở thành luật nếu 2/3 thành viên lưỡng viện quốc hội Mỹ bác bỏ quyết định của tổng thống.

Tai nạn tàu hỏa ở Tây Ban Nha khiến ít nhất 54 người bị thương

Theo tin tức trên TTXVN, ít nhất 54 người đã bị thương trong một vụ tai nạn tàu hỏa tại nhà ga ở trung tâm thành phố Barcelona của Tây Ban Nha xảy ra trong giờ cao điểm buổi sáng 28/7.

Theo giới chức thành phố và các cơ sở y tế, trong số những người bị thương trên có lái tàu, 1 người bị thương nặng và 34 người bị thương nhẹ. 19 người không bị đe dọa tính mạng. Vụ tai nạn xảy ra cùng thời điểm nhiều nhân công ngành đường sắt bắt đầu cuộc đình công trên diện rộng kéo theo hàng trăm chuyến tàu bị hủy.

Đầu tàu bị hư hỏng sau va chạm. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo thông báo của các cơ quan bảo vệ dân sự, đoàn tàu Rodalies nói trên đã đâm vào thanh chéo bẻ ghi tàu hỏa vào 7h30 giớ địa phương (12h30 giờ Việt Nam) khi đang trong hành trình từ làng Sant Vicenc de Calders, tỉnh Tarragona tới nhà ga Francia, thành phố Barcelona. Không có người thiệt mạng, song tại thời điểm xảy ra tai nạn, rất nhiều hành khách đang trên tàu.

Nhà ga Francia được xây dựng tại trung tâm lịch sử của Barcelona, thành phố lớn thứ 2 của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn, các tuyến đường xung quanh nhà ga đã tạm thời bị phong tỏa để các nhóm cứu hộ nhanh chóng tiếp cận hiện trường.

4 nước Arab nhóm họp tại Bahrain về khủng hoảng với Qatar

Báo VOV đưa tin, ngày 29/7, Bộ Ngoại giao Ai Cập 4 quốc gia Arab sẽ nhóm họp để thảo luận về cơ chế phong tỏa gây sức ép đối với Qatar.

Theo nguồn tin, tại cuộc họp hai ngày này, đại diện của Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập và Bahrain sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tiếp tục gây sức ép buộc Qatar phải tuân thủ các yêu cầu mà các nước này đưa ra, coi đây là điều kiện tiên quyết để khôi phục quan hệ ngoại giao với Qatar.

Thủ đô Doha của Qatar. (Ảnh: Bloomberg)

Những nỗ lực trung gian hòa giải của Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với một số cường quốc phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Italy đến nay dường như chưa thể hàn gắn được những rạn nứt tồi tệ nhất kể từ nhiều thập kỷ qua giữa Qatar và các quốc gia Arab láng giềng. Tuần trước, bốn nước này đã thêm 18 cá nhân và thực thể có liên kết với Qatar vào danh sách khủng bố.

Hồi tháng 6, đồng loạt 4 nước Arab vừa nêu tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và tiến hành phong tỏa hoạt động thương mại với Qatar với cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Hành động tẩy chay đồng loạt đó đã đẩy Qatar tiến gần hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Philippines bắt giữ hàng chục viện binh của phiến quân tại Marawi

TTXVN đưa tin, quân đội Philippines ngày 28/7 cho biết đã bắt giữ 59 phiến quân định đột nhập vào vùng chiến sự để tăng cường cho các tay súng Hồi giáo đang cố thủ tại thành phố Marawi, miền Nam nước này trong suốt hai tháng qua.

Binh sĩ Philippines tuần tra tại Marawi thuộc đảo Mindanao ngày 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn quân đội khu vực, Đại úy Jo-Ann Petinglay nêu rõ có 32 nghi phạm bị bắt giữ tại một chốt kiểm soát của quân đội ở thị trấn Ipil, trong khi 27 tên còn lại bị bắt tại một ngôi nhà ở thành phố Zamboanga vào ngày 25/7 vừa qua. Ngoài ra, lực lượng an ninh cũng thu giữ tổng cộng 59 bộ đồng phục cảnh sát và quân đội.

Nhóm trên bị tình nghi lên kế hoạch đột nhập vào Marawi để trợ giúp lực lượng phiến quân đang giao tranh với quân chính phủ từ ngày 23/5 vừa qua. Trong quá trình giao tranh, các tay súng đã bắt giữ nhiều con tin, phóng hỏa các tòa nhà và mang theo cờ đen của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Trong khi đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội vùng Tây Mindanao, Trung tướng Carlito Galvez xác nhận việc quân đội đã kịp thời ngăn số tay súng trên tăng cường viện binh cho phiến quân tại Marawi. Lực lượng an ninh đã nhận được nguồn tin tình báo về số tay súng trên từ chính quyền và người dân địa phương.

Mặc dù chính phủ ban đầu khẳng định chỉ có vài trăm phiến quân tại Marawi, song các tay súng vẫn cầm cự trước lực lượng vũ trang trong suốt nhiều tuần qua, bất chấp các cuộc không kích và pháo kích dữ dội. Khả năng chống cự, cũng như việc tăng cường nhân lực, vũ khí, đạn dược dù bị bao vây của phiến quân khiến quân đội Philippines hết sức ngạc nhiên.

Theo Đại úy Petinglay, những kẻ bị bắt giữ đều là người Philippines song thông tin này vẫn cần được kiểm chứng. Ông cũng xác nhận hiện chỉ còn lại 60 tay súng đang cố thủ trong khu vực có diện tích chưa đầy 1km2 của thành phố Marawi.

Mindanao, gồm 20 triệu dân, chiếm gần 1/3 lãnh thổ Philippines. Tại khu vực này, các cuộc xung đột đã diễn ra nhiều thập kỷ qua. Hồi tháng 5 vừa qua, các tay súng cam kết trung thành với IS đã chiếm thành phố Marawi, thành phố lớn của người Hồi giáo ở miền Nam Philippines.

Các lực lượng an ninh Philippines đang thực hiện chiến dịch tiêu diệt các phần tử này. Các cuộc giao tranh cho đến nay đã làm hơn 600 người thiệt mạng.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn thiết quân luật trên toàn bộ tỉnh miền Nam Mindanao cho đến cuối năm nay nhằm tạo điều kiện cho lực lượng an ninh quét sạch khủng bố khỏi miền Nam nước này.

Việt Nam khẳng định quyền hoạt động dầu khí ở Biển Đông

Theo tin tức trên báo VnExpress, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định quyền hoạt động dầu khí ở Biển Đông và đề nghị các bên tôn trọng quyền hợp pháp của Việt Nam.

Việt Nam khẳng định có quyền khai thác dầu khí ở Biển Đông. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

"Hoạt động dầu khí của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)", người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm nay nêu rõ.

Bà Hằng đưa ra tuyên bố trên khi trả lời câu hỏi về những thông tin gần đây liên quan đến hoạt động dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.

“Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông", người phát ngôn nhấn mạnh.

Thượng viện Mỹ bác dự luật hủy bỏ đạo luật Obamacare

Báo VOV thông tin, các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã quyết định bỏ phiếu về dự luật hủy bỏ một phần đạo luật Obamacare sau một cuộc tranh luận sáng sớm 28/7 (theo giờ Mỹ).

Biểu tình phản đối dự luật của phe Cộng hòa ở bên ngoài trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh: PA.

Với 49 phiếu ủng hộ và 51 phiếu chống, dự luật này không nhận đủ số phiếu ủng hộ cần thiết. Mặc dù các nghị sĩ Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, nhưng 3 nghị sĩ Cộng hòa đã cùng về phe Dân chủ phản đối dự luật này. Đây có thể coi là một vật cản đối với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn lật ngược chương trình cải cách y tế của chính phủ tiền nhiệm.

Hủy bỏ đạo luật Obamacare cũng là một trong những cam kết của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm ngoái. Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đang chịu sức ép từ cả Nhà Trắng và cử tri trong việc đưa ra một dự luật đầy đủ nhằm thay thế đạo luật Obamacare. Dù vẫn quyết tâm loại bỏ Obamacare song họ chưa thể đưa ra đạo luật thay thế vì vẫn đối mặt với nhiều bất đồng.

Đây tiếp tục được coi là một “bước lùi” của Tổng thống Donald Trump trong việc giành sự ủng hộ lập pháp sau hơn 6 tháng cầm quyền. Đây cũng là một thông tin không tốt lành đối với thị trường tài chính, đang hi vọng ông Trump sẽ có những thay đổi nhanh chóng về các vấn đề sức khỏe, thuế và chi tiêu cơ sở hạ tầng.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật