Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thế giới mới nhất ngày 2/8

(DS&PL) -

Tin thế giới mới nhất ngày 2/8: Syria bị liên quân Mỹ không kích, 60 thường dân thiệt mạng; Mỹ bắt đầu tháo dỡ tài sản tại cơ sở ngoại giao ở Nga; ...

Tin thế giới mới nhất ngày 2/8: Syria bị liên quân Mỹ không kích, 60 thường dân thiệt mạng; Mỹ bắt đầu tháo dỡ tài sản tại cơ sở ngoại giao ở Nga; Mỹ triển khai hàng chục tiêm kích F-16 đến trấn thủ tại Hàn Quốc;...

Syria bị liên quân Mỹ không kích, 60 thường dân thiệt mạng

Báo Tiền Phong dẫn nguồn tin theo SANA, liên quân do Mỹ dẫn đầu vào ngày 1/8 đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào một số khu vực thuộc tỉnh Deir Ez-Zour (Syria).

Mục tiêu của cuộc tấn công là một số làng mạc thuộc vùng nông thôn phía đông Deir al-Zour.
Ít nhất 60 dân thường Syria đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em). Nhiều ngôi nhà cũng bị hư hỏng nặng do trúng bom từ chiến đấu cơ của liên quân.

Ảnh minh họa: SANA

Cuộc không kích diễn ra sau chưa đầy 48h kể từ khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công bệnh viện và một câu lạc bộ ở thành phố Bukamal (thuộc Deir al-Zour, Syria), khiến 6 thường dân thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Theo Tân Hoa Xã, liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã liên tục tấn công các căn cứ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở bắc Syria kể từ năm 2014.

Bộ Ngoại giao Syria hôm 30/7 đã gửi hai bức thư tới Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để yêu cầu giải thể liên quân quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đang hoạt động tại Syria mà không được sự cho phép của Damascus.

“Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiếp tục thực hiện các vụ tàn sát nhằm vào người dân Syria vô tội thông qua các cuộc không kích có hệ thống ở các tỉnh Raqqah, Hasakah, Aleppo và Dayr al-Zawr hằng ngày” - thư viết.

Mỹ bắt đầu tháo dỡ tài sản tại cơ sở ngoại giao ở Nga

Báo VOV đưa tin, ngày 1/8, Mỹ bắt đầu tháo dỡ trang thiết bị tại một cơ sở ngoại giao tại thủ đô Moscow của Nga.

Đây là động thái đầu tiên của phía Mỹ sau khi Tổng thống Putin yêu cầu Mỹ giảm hơn 700 nhân viên tại các cơ quan ngoại giao và lãnh sự tại Nga.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump: IJAVN

Theo yêu cầu của Tổng thống Putin, Mỹ phải giảm khỏang 60% số nhân viên ngoại giao tại Nga xuống còn 455 người đến ngày 1/9 tới. Con số này bằng với số nhà ngoại Nga đang có mặt tại Mỹ.

Bên cạnh đó, Nga cũng sẽ phong tỏa tài sản tại 2 cơ sở ngoại giao của Mỹ. Những hành động của Nga nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt mới do Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước.

Phản ứng ngay sau lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông báo cho biết tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryanyy Bor và khu nhà kho tại phố ở ngoại ô Moscow từ 1/8.

Mỹ triển khai hàng chục tiêm kích F-16 đến trấn thủ tại Hàn Quốc

Theo báo An ninh thủ đô, ngày 1/8, lực lượng không quân Thái Bình Dương (PACAF) của Mỹ cho biết, ngoài các máy bay chiến đấu F-16, 200 nhân sự của không quân cũng sẽ được triển khai đến căn cứ Kunsan, Hàn Quốc vào cuối tháng 8 này.

Phi đội F-16 của Mỹ sẽ ở lại Hàn Quốc trong vòng 4 tháng

“Mỹ muốn đánh giá thường xuyên khả năng sẵn sàng chiến đấu và tái định vị lại lực lượng khi cần thiết nhằm đáp ứng được yêu cầu an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc triển khai này cho thấy Mỹ thực hiện đúng cam kết về an ninh trên khắp khu vực Tây Thái Bình Dương và muốn đảm bảo hòa bình tại đây”, thông cáo từ PACAF cho hay.

Tuyên bố triển khai phi đội F-16 của Mỹ đến Hàn Quốc diễn ra chỉ ít ngày sau khi 2 nước cùng tiến hành một cuộc tập trận không quân với Nhật Bản, trong đó có sự huy động của máy bay ném bom B-1B Lancer. Hành động này nhằm biểu dương sức mạnh trước Triều Tiên sau vụ nước này thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Vụ thử nghiệm của Triều Tiên cũng khiến Seoul phải nối lại đàm phán với Washington về việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng 2 lần vào hôm 4 và 28/7 với khả năng được Bình Nhưỡng tuyên bố là đủ sức vươn tới Mỹ. Trong vụ thử nghiệm mới nhất, nó đã bay được 998km và đạt độ cao 3.724km.

Nhật phản đối Trung Quốc hoạt động tại mỏ khí đốt ở Hoa Đông

Báo VnExpress dẫn lời Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật, ngày 1/8 cho biết: "Chúng tôi xác nhận Trung Quốc đang tham gia một số hoạt động khi có các tàu khoan dầu di động dừng lại" gần đường trung bình phân chia vùng đặc quyền kinh tế của hai nước tại khu vực. Thật hết sức đáng tiếc khi Trung Quốc đơn phương tiếp tục hoạt động khai thác của mình".

Hai giàn khoan Trung Quốc ở biển Hoa Đông trong bức ảnh chụp năm 2015. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Fumio Kishida cho hay Nhật trao công hàm phản đối hồi tháng trước, sau khi phát hiện hoạt động, nhưng không nói rõ tàu Trung Quốc có hành động cụ thể gì. Đây là lần đầu tiên tàu khoan dầu di động của Trung Quốc được nhìn thấy gần đường trung bình kể từ tháng 10/2016.

Đến nay, Trung Quốc đã lập 16 giàn khoan ở phần của nước này gần đường trung bình, Asahi Shimbun đưa tin. Tokyo lo ngại Trung Quốc có thể khai thác tài nguyên bên dưới phần của Nhật phía bên kia đường trung bình.

Ông Suga hối thúc Trung Quốc nhanh chóng nối lại cuộc đàm phán đã bị đình chỉ, dựa trên thoả thuận song phương 2008 về khai thác chung khí đốt tại khu vực.

Hai nước từ lâu tranh chấp xung quanh chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Chuỗi đảo hiện do Nhật quản lý.

Tokyo và Bắc Kinh hồi tháng 6/2008 nhất trí hợp tác về các nguồn dầu khí trong khu vực, nhưng đàm phán bị dừng hai năm sau đó trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, và đến nay chưa được nối lại.

Mỏ khí đốt trong thoả thuận khai thác chung nằm tại khu vực hai vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Nhật cho rằng đường trung bình giữa hai nước nên là đường đánh dấu giới hạn của các vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng Trung Quốc khăng khăng đường ranh giới phải được vẽ gần Nhật hơn, khi xét đến thềm lục địa và các thực thể khác trên biển.

Indonesia trục xuất 153 người Trung Quốc lừa đảo

Báo Dân trí dẫn thông báo của cảnh sát Indonesia hôm 1/8 cho biết, những đối tượng cầm đầu dường dây lừa đảo đã điều hành mọi hoạt động từ nước ngoài để tránh bị các cơ quan chức năng của Trung Quốc phát hiện. Đường dây này chỉ nhắm đến các nạn nhân là người Trung Quốc.

Theo cảnh sát Indonesia, các đối tượng lừa đảo đã bỏ túi khoảng 6.000 tỷ rupiah (khoảng 450 triệu USD) kể từ khi đường dây bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2016. 153 đối tượng đã bị bắt giữ sau khi vụ việc bị phanh phui.

Các đối tượng lừa đảo là công dân Trung Quốc bị áp giải từ Bali về Jakarta (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi đang tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng và hiện phối hợp với cảnh sát Trung Quốc để trục xuất họ”, người phát ngôn của cảnh sát quốc gia Indonesia, ông Rikwanton, cho biết.

Các công dân Trung Quốc đã bị bắt tại Jakarta, thành phố Surabaya và đảo nghỉ mát Bali trong các cuộc đột kích riêng rẽ vào cuối tuần trước. Cảnh sát cũng vào cuộc điều tra cách thức các nghi can lừa đảo nhập cảnh vào Indonesia trong khi không có hộ chiếu hợp lệ.

Cảnh sát Jakarta nói rằng tổ chức lừa đảo, với địa bàn hoạt động trải khắp Indonesia, đã tìm cách liên lạc với các nạn nhân, sau đó giả làm cảnh sát hoặc các quan chức luật pháp Trung Quốc, hứa hẹn giúp họ giải quyết các vụ kiện. Đổi lại, các nạn nhân sẽ chuyển tiền mặt ngay lập tức cho các cảnh sát hoặc quan chức giả này.

Đường dây lừa đảo này có sự tham gia của các chuyên gia công nghệ thông tin - những người thu thập thông tin về nạn nhân và phát triển các hệ thống thông tin liên lạc để kết nối với họ.

Trước đó, Campuchia cũng đã trục xuất 74 công dân Trung Quốc về nước sau khi cáo buộc những người này có dính líu tới mạng lưới lừa đảo qua điện thoại. Năm ngoái, 67 người cũng đã bị trục xuất từ Kenya về Trung Quốc để phục vụ cho một cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc lừa đảo.

Ông Khaqan Abbasi trở thành Thủ tướng Pakistan lựa chọn

Báo VOV thông tin, với 221/342 phiếu ủng hộ tại Quốc hội (Hạ viện) Pakistan, ứng cử viên Shahid Khaqan Abbasi của đảng cầm quyền Liên đoàn Hồi giáo Pakistan đã trở thành Thủ tướng mới của nước này.

Ông Khaqan Abbasi làm Thủ tướng mới của Pakistan (Ảnh: Reuters)

Theo kế hoạch, ông Abbasi sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay trong ngày 1/8. Ông Abbasi từng giữ chức Bộ trưởng Dầu khí Pakistan. Trước khi tham gia chính trường và được bầu làm nghị sĩ Quốc hội, ông từng làm việc tại Mỹ và Saudi Arabia.

Sau quyết định của Tòa án Tối cao, Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan cũng đã chỉ định ông Abbasi làm Thủ tướng lâm thời. Ông Abbasi và tỉnh trưởng Punjab Shahbaz Sharif là 2 ứng cử viên của đảng cầm quyền tham gia tranh cử Thủ tướng.

Phe đối lập Pakistan cũng có ứng cử viên, song chiếc ghế Thủ tướng đang bỏ trong rơi vào tay ông Abbasi là không hề bất ngờ khi đảng cầm quyền nắm đa số ghế tại Quốc hội.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật