Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thế giới mới nhất ngày 4/8

(DS&PL) -

Tin thế giới mới nhất ngày 4/8: Thủ tướng Nhật cải tổ nội các giữa khủng hoảng; Ông Trump nói quan hệ Nga - Mỹ ở mức thấp nhất mọi thời đại; ....

Tin thế giới mới nhất ngày 4/8: Thủ tướng Nhật cải tổ nội các giữa khủng hoảng; Ông Trump nói quan hệ Nga - Mỹ ở mức thấp nhất mọi thời đại; EU khẳng định tất cả các bên cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran;...

Thủ tướng Nhật cải tổ nội các giữa khủng hoảng

Báo VnExpress đưa tin, ngày 3/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lựa chọn nhiều gương mặt cũ trong lần thay đổi bộ trưởng, giữa lúc ông đang phải đối mặt với khủng hoảng và tình trạng uy tín sụt giảm. Tuy nhiên, nội các mới có thể không đủ sức lấy lại sự ủng hộ như ông kỳ vọng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) cùng những thành viên nội các mới. Ảnh: Reuters.

Ông Taro Aso sẽ tiếp tục làm bộ trưởng tài chính, vị trí ông giữ từ khi Thủ tướng Abe nắm quyền vào cuối năm 2012. Ông Hiroshige Seko được tái bổ nhiệm làm bộ trưởng thương mại. Một số cựu bộ trưởng cũng trở lại các chức vụ từng nắm giữ trước đây, như ông Itsunori Onodera sẽ thay thế cựu bộ trưởng quốc phòng Tomomi Inada từ chức tuần trước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản cũng bổ nhiệm mới ông Toshimitsu Motegi, thành viên lâu năm của đảng cầm quyền, vào vai trò bộ trưởng kinh tế và bổ nhiệm tân Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono, người nổi tiếng vì sự thẳng thắn, sẵn sàng phê phán đảng cầm quyền. Đây là điều hiếm gặp ở một chính trị gia Nhật Bản.

Bà Seiko Noda, người từng được đánh giá có thể trở thành nữ thủ tướng Nhật đầu tiên, sẽ đảm nhận vị trí bộ trưởng nội vụ.

"Kinh tế vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi sẽ tìm cách chấm dứt lạm phát bằng cách tăng tốc chu kỳ kinh tế", ông Abe phát biểu sau đợt cải tổ nội các.

Ông Abe trở thành thủ tướng Nhật Bản từ tháng 12/2012 với mục tiêu chấm dứt lạm phát và hồi sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông đã giảm mạnh trong vài tháng qua sau hàng loạt bê bối chính trị, bao gồm cáo buộc Thủ tướng Nhật thiên vị một người bạn khi ký kết hợp đồng kinh tế. Ông Abe đã bác bỏ cáo buộc này.

Hồi tháng trước, đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) của ông Abe cũng hứng chịu thất bại trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo.

Ông Trump nói quan hệ Nga - Mỹ ở mức thấp nhất mọi thời đại

Báo Dân trí dẫn lời Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter ngày 3/8: “Mối quan hệ của chúng ta với Nga đang ở mức thấp chưa từng có và rất nguy hiểm”. Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó đã đổ lỗi cho quốc hội vì dẫn tới mối quan hệ ngày càng xấu đi với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm đầu tiên tại Đức hồi tháng 7. (Ảnh: Reuters)

“Các bạn có thể cảm ơn Quốc hội, cũng chính họ là những người thậm chí không thể mang lại cho chúng ta một đạo luật chăm sóc sức khỏe”, Tổng thống Trump viết tiếp trên Twitter.

Trong bình luận trên, Tổng thống Trump đã đề cập tới một thất bại mà chính quyền của ông vừa trải qua trong tháng này. Đó là việc các nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người nắm quyền kiểm soát ở cả Hạ viện và Thượng viện, đã không thể nhất trí thông qua dự luật thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe có từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra một ngày sau khi ông chủ Nhà Trắng ký thông qua dự luật mới nhằm trừng phạt Nga. Mặc dù là người hoàn tất quy trình thông qua dự luật, nhưng chính ông Trump sau đó lại lên tiếng chỉ trích dự luật này.

Ông Trump cho rằng việc dự luật mới yêu cầu tổng thống phải được sự chấp thuận của quốc hội trước khi muốn xóa bỏ hay nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga đã cản trở quyền lực của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc định hình chính sách đối ngoại.

Trước khi dự luật trừng phạt Nga được mang tới cho Tổng thống Trump ký, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật này với tỷ lệ ủng hộ áp đảo. Điều này khiến ông Trump gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đặt bút ký mặc dù ông từ lâu đã bày tỏ mong muốn được cải thiện quan hệ với Nga.

Phản hồi về động thái của Mỹ, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết thông qua lệnh trừng phạt, Washington đã tuyên bố chiến tranh thương mại toàn diện với Moscow, đồng thời hy vọng của Nga trong việc cải thiện mối quan hệ với chính quyền mới của Mỹ đã chấm dứt.

Trước đó, Nga cũng đã công bố các biện pháp trả đũa ngoại giao Mỹ, bao gồm việc tịch thu hai khu nhà ngoại giao của Mỹ và đòi Washington cắt giảm số nhân viên ngoại giao ở Nga.

EU khẳng định tất cả các bên cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran

TTXVN thông tin, Liên minh châu Âu (EU) ngày 3/8 khẳng định tất cả các bên tham gia thỏa thuận Chương trình Hành động chung toàn diện (JPCOA) sẽ vĩnh viễn cam kết với nội dung thỏa thuận bất chấp việc Tehran cáo buộc các trừng phạt mới của Mỹ là vi phạm văn kiện này.

Đại diện của 6 cường quốc hạt nhân và Iran tại cuộc họp thường kỳ ở Viên (Áo) ngày 21/7. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 2/8, Mỹ đã áp dụng các trừng phạt mới nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, sự hỗ trợ đối với lực lượng Hezbollah ở Liban, nhóm mà Washington xếp vào danh sách tổ chức khủng bố. Đáp lại, Tehran khẳng định các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ vi phạm thỏa thuận JPCOA, trong đó yêu cầu các cường quốc nới lỏng trừng phạt để đổi lại việc Iran ngừng chương trình hạt nhân của mình. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần dọa hủy bỏ thỏa thuận lịch sử mà Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng Đức) đạt được hồi năm 2015.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), bà Catherine Ray, người phát ngôn của Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định: "Đến nay, EU vẫn cho rằng tất cả các bên đều đang thực thi các cam kết của mình trong thỏa thuận". Khi được hỏi về các cáo buộc của Iran, bà Ray bày tỏ hy vọng "cam kết này sẽ được duy trì".

Nhận định của bà Ray dựa trên kết quả cuộc họp ngày 21/7 vừa qua tại Vienna (Áo) do Đại diện cấp cao EU Mogherini chủ trì, với sự tham gia của Iran và các bên khác trong thỏa thuận để thảo luận về quá trình thực thi JPCOA. Sau cuộc họp này, văn phòng của bà Mogherini đã ra tuyên bố khẳng định tất cả đại biểu tham dự cuộc họp đều khẳng định tiếp tục cam kết và "nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo việc thực thi đầy đủ và hiệu quả trong bầu không khí mang tính xây dựng".

Thăm dò dầu khí ở Biển Đông là hoạt động bình thường

Theo báo Tri thức trực tuyến, ngày 3/8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết dự án dầu hợp tác giữa Việt Nam và tập đoàn REPSOL có phải đang bị ngừng lại hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với đối tác Tây Ban Nha là hoạt động kinh tế bình thường. Lộ trình, tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: báo Tri thức trực tuyến

Khi phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao xác nhận một số thông tin nói rằng Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam nếu Việt Nam tiến hành thăm dò tại lô số 136-03, người phát ngôn khẳng định: "Tất cả hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam được tiến hành trong khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982".

"Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Việt Nam, đóng góp tích cực và thiết thực cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.

Trước đó, ngày 28/7, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động dầu khí của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

"Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Liên quan tình hình Biển Đông, bà Hằng cho biết tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan sắp tới tổ chức tại Manila, Philippines, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và của Trung Quốc sẽ xem xét thông qua thỏa thuận khung về bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là COC mà đã được các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc hoàn tất tại hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc về tham vấn COC.

"Tôi xin khẳng định lại lợi ích chung của các nước ASEAN và khu vực là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và Biển Đông. Trên cơ sở đó, ASEAN luôn nhất trí cần sớm có một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông hiệu quả và ràng buộc về mặt pháp lý nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982," bà nhấn mạnh.

Cháy dữ dội tại chợ cá nổi tiếng Nhật Bản

Theo báo Công an nhân dân, vào 3h (giờ địa phương) ngày 3/8, một ngọn lửa lớn bất ngờ bùng lên tại khu chợ cá nổi tiếng Tsukiji - Tokyo. Toàn bộ các chủ hộ kinh doanh hải sản và khách du lịch đã được di dời khỏi khu vực đám cháy.

Cảnh tượng đám cháy nhìn từ xa. Ảnh: The Straits Times

Một số lượng lớn lính cứu hộ và chữa cháy cùng khoảng 30 chiếc xe chuyên dụng và trực thăng đã được huy động đến hiện trường để dập tắt đám cháy. Hiện vẫn chưa có bất cứ báo cáo thương vong nào được đưa ra. Chính quyền địa phương bước đầu cho biết không có ai bị kẹt trong đám cháy.

Trong các bức ảnh do truyền thông đưa lên, một phần khu vực chợ cá bị bao trùm bởi những cột khói lớn.  Một nguồn tin nói địa phương nói rằng ngọn lửa bắt đầu từ khu vực tòa nhà 3 tầng nằm bên trong chợ. Sau khi ngọn lửa bùng lên, lửa bắt đầu lan nhanh sang những khu nhà khác, gây cháy cục bộ 4 tòa nhà của chợ cá, trang News.com.au cho biết.

Gần đây, chính quyền địa phương đang bắt đầu di dời chợ Tsukiji sang một khu vực cách vị trí hiện tại khoảng 2km, cạnh một nhà máy khí đốt cũ trước đây do lo ngại về mức độ an toàn của khu chợ 80 tuổi này.

Mỹ tính đưa Triều Tiên trở lại danh sách nước tài trợ khủng bố

Báo VnExpress ngày 3/8 dẫn lời người phát ngôn đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập Khang Hyo-shang cho biết: "Chưa có kết luận chính thức nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đang xem xét việc coi Triều Tiên là quốc gia tài trợ khủng bố". Ông Khang đồng thời khẳng định Washington muốn tăng cường các cuộc tập trận với Seoul và Tokyo.

Ông Khang Hyo-shang phát biểu trước báo giới. Ảnh: Yonhap.

Theo ông Khang, thông tin trên được đưa ra bởi đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun. Ông Yun khẳng định đây là một biện pháp nhằm đáp trả các hành động gây hấn của Bình Nhưỡng. Mỹ cũng xem xét áp đặt thêm lệnh cấm vận kinh tế đối với Triều Tiên, trong bối cảnh nước này được cho là đang chuẩn bị các bước để tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6.

Triều Tiên từng bị Mỹ liệt vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố vào năm 1988 sau vụ đánh bom máy bay chở khách làm 115 người thiệt mạng. Tới năm 2008, Bình Nhưỡng được loại khỏi danh sách nhờ tiến triển trong đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước đang thảo luận các biện pháp phối hợp để trừng phạt Triều Tiên sau vụ việc Bình Nhưỡng hai lần thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi tháng trước.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật