Tin thế giới mới nhất ngày 13/10/2017. Cập nhật tin thế giới mới nhất ngày 13/10/2017 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nga chỉ trích việc Mỹ gỡ quốc kỳ khỏi lãnh sự quán, dọa đáp trả
Theo tin tức trên báo VnExpress, ngày 12/10, Sputnik dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova."Ngày hôm qua chính quyền Mỹ lại có thêm một hành động thù địch mới chống lại cơ quan ngoại giao của chúng tôi. Quốc kỳ Nga đã bị gỡ bỏ khỏi các cơ sở đại diện thương mại Nga tại Washington và Tổng lãnh sự quán Nga ở San Francisco".
Cột cờ trống không trên nóc tòa nhà Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco, Mỹ. Ảnh: Twitter/RussiaInUSA. |
Theo bà Zakharova, Moscow coi động thái này là "sự xúc phạm biểu tượng quốc gia của nước Nga" và bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ với chính quyền Washington.
Quan chức ngoại giao Nga nói rằng với hành động này, một số lực lượng chính trị Mỹ đang cố tình hủy hoại quan hệ với Nga, đồng thời khẳng định Kremlin sẽ cân nhắc đưa ra những biện pháp đáp trả.
Ngày 11/10, tài khoản Twitter của Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng đăng tải tuyên bố phản đối hành động của Mỹ đối với các cơ sở ngoại giao của Moscow.
"Nga phản đối mạnh mẽ Mỹ, liên quan đến việc quốc kỳ Nga bị hạ xuống tại các cơ sở ngoại giao của chúng tôi ở San Francisco và Washington vốn đang do giới chức Mỹ quản lý. Chúng tôi coi đây là bước đi cực kỳ không thân thiện", tuyên bố của đại sứ quán Nga nhấn mạnh.
Nga và Mỹ đã có hàng loạt động thái trả đũa lẫn nhau kể từ khi cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cuối năm ngoái trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Chính quyền Obama nói rằng họ phản ứng trước việc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, cáo buộc mà Moscow đã bác bỏ.
Mỹ rút khỏi UNESCO do bất đồng về Israel - Palestine
Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, ngày 12/10, chính quyền Tổng thống Trump thông báo việc rút khỏi Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO), sau nhiều năm tự tách mình khỏi tổ chức này để phản đối việc "chống Israel".
UNESCO từng nhiều lần khiến Mỹ "giận dỗi" vì những quyết định của mình. Ảnh: Global Look Press. |
France24 dẫn thông báo từ bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn sẽ giữ vai trò quan sát viên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Nauert cho biết đã thông báo cho Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova về quyết định này vào ngày 12/10.
"Quyết định này không được xem nhẹ và phản ánh mối quan tâm của Mỹ với những khoản nợ quá hạn tại UNESCO, sự cần thiết phải cải cách cơ bản trong tổ chức, cũng như việc UNESCO liên tục chống lại Israel”, AFP dẫn thông cáo của bộ Ngoại giao Mỹ.
Phản ứng ngay sau thông báo của Mỹ, UNESCO cho hay “rất lấy làm tiếc” về sự ra đi này. Washington phản đối mọi động thái của các tổ chức Liên Hợp Quốc công nhận Palestine là một quốc gia và cho rằng phải chờ đợi thỏa thuận hòa bình Trung Đông được thiết lập. Mỹ đã dừng tài trợ cho UNESCO kể từ năm 2011 để phản đối việc tổ chức kết nạp Palestine làm thành viên. Thời điểm đó, Mỹ đóng góp tới 22% ngân sách của UNESCO.
Căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bị đẩy lên cao
Báo VOV thông tin, căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tiếp tục bị đẩy lên một nấc cao hơn khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 12/10 cáo buộc Mỹ đang giấu một kẻ tình nghi có liên quan đến giáo sĩ Gulen ở đại sứ quán Mỹ tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan. Ảnh: al-Monitor. |
Phát biểu trước báo giới, ông Erdogan cũng nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định dừng dịch vụ cấp thị thực cho công dân Mỹ là để trả đũa động thái mà phía Mỹ đưa ra trước đó. Ông Erdogan cũng đổ lỗi những bất đồng nảy sinh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho cựu đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ đang hy sinh mối quan hệ với một trong số những đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ.
Bất đồng giữa hai nước xuất phát từ vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến việc Mỹ ngày 8/10 tạm ngưng dịch vụ cấp thị thực không định cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và vài giờ sau đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra biện pháp tương tự đối với công dân Mỹ.
Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng liên quan đến việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho các tay súng người Kurd ở Syria và Mỹ không muốn dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016 về Thổ Nhĩ Kỳ.
Biểu tình phản đối cải cách lao động biến thành bạo lực tại Paris
Theo TTXVN, cảnh sát Paris ngày 12/10 cho biết bạo lực đã bùng phát trong cuộc biểu tình chống lại cải cách luật lao động của Chính phủ Pháp tại phía Tây thành phố này. Lực lượng an ninh đã bắt giữ 41 người sau vụ việc.
Biểu tình phản đối cải cách luật lao động của Chính phủ Pháp tại Paris ngày 11/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo nguồn tin trên, một nhóm 80 người đã phóng hỏa 3 ô tô, phá hủy 4 xe khác khi tuần hành tại Công viên Bois de Boulogne. Hành động phá hoại này đã dẫn tới đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình. Cảnh sát cáo buộc họ đã mang theo vũ khí, tấn công nhân viên thực thi pháp luật và tham gia vào các hành động phá phách.
Trước đó, ngày 22/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký ban hành luật cải cách lao động nhằm giúp các chủ doanh nghiệp linh hoạt hơn khi đàm phán lương và điều kiện làm việc với người lao động, trong khi giảm chi phí cho người sử dụng lao động trong việc sa thải nhân công. Tuy nhiên, động thái này liên tục vấp phải sự phản đối của người dân với hàng loạt cuộc biểu tình và đây cũng là vấn đề gây chia rẽ trong dư luận Pháp.
Nga tăng cường triển khai tên lửa “dằn mặt” Mỹ ở Baltic
Báo Dân trí đưa tin, ngày 12/10, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov cho biết Moscow sẽ có các biện pháp đáp trả việc Mỹ tăng cường triển khai vũ khí tới Ba Lan trong thời gian gần đây. Theo Tướng Shamanov, Nga có thể sẽ đưa thêm các hệ thống tên lửa Iskander hiện đại của nước này tới khu vực phía tây, bao gồm vùng lãnh thổ Kaliningrad.
Hệ thống tên lửa Iskander của Nga (Ảnh: Sputnik) |
Tướng Shamanov cáo buộc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự bất hợp pháp ở cả Ba Lan lẫn khu vực Baltic. Moscow cho rằng Washington đang âm thầm triển khai một sư đoàn thiết giáp tới Baltic và điều này đã vi phạm thỏa thuận giữa Moscow và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Với tầm bắn lên tới 500 km và có độ chính xác cao, tên lửa Iskander được Nga triển khai tới Kaliningrad từ năm 2013 và có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu tới các cơ sở đặt tại một số quốc gia thành viên của NATO. Nga cũng có thể trang bị thêm đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân lên tên lửa Iskander.
Nguyễn Hà (T/h)