Mới đây, trên diễn đàn của Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), một sinh viên đã chia sẻ việc bị trừ 50% bài tiểu luận do bị giảng viên phát hiện đã sử dụng ứng dụng AI trong bài viết. Đến bản thân sinh viên này cũng bày tỏ sự bất ngờ khi bị giáo viên phát hiện sự việc, và đưa ra lời khuyên với các sinh viên khác để không bị gặp trường hợp như mình.
Thông tin về sự việc, thầy Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng trường HUFLIT cho biết, trường có hướng dẫn sinh viên các nguyên tắc sử dụng ứng dụng AI như sự minh bạch, trách nhiệm và hiểu rõ những ưu điểm và hạn chế của các mô hình tạo sinh.
Văn bản chính thức về chế tài đối với việc sinh viên sử dụng ứng dụng AI làm bài tập thì chưa có, song trường có các quy định về liêm chính học thuật.
Việc sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần phải phù hợp với môi trường học thuật. Ảnh minh họa.
Về sự việc trừ điểm được sinh viên chia sẻ trên mạng xã hội, thầy Vũ xác nhận: "Trong trường hợp này, giảng viên đã dặn dò sinh viên trước khi làm bài tiểu luận không sử dụng các ứng dụng AI làm bài.
Đây là môn viết, bài tập kiểm tra khả năng viết độc lập của sinh viên. Do đó khi dùng công cụ hỗ trợ, AI đã vi phạm các quy tắc liêm chính. Việc trừ điểm của giảng viên trong trường hợp này là phù hợp".
Bên cạnh đánh giá về trường hợp cụ thể này, thầy Vũ cho rằng AI và các mô hình tạo sinh là sự hỗ trợ tốt cho con người trong học tập, làm việc. Tùy vào môn học có thể tính là vi phạm (ví dụ môn viết đòi hỏi kỹ năng viết của sinh viên) nhưng có môn học có thể tham khảo, học tập trí tuệ nhân tạo. Sản phẩm từ các công cụ tạo sinh có phải là đạo văn hay không hiện nay thế giới vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Nếu hiểu rõ các ưu nhược điểm của AI, kết hợp cùng kiến thức của bản thân, kiểm tra chéo từ nhiều nguồn khác nhau, sản phẩm từ AI là nguồn tham khảo hữu ích. Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào AI, đôi khi kết quả sai do không có nguồn tổng hợp hoặc tổng hợp sai, sẽ rất nguy hiểm.
Thực tế, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào việc dạy và học ở các cấp đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều giảng viên, chuyên gia cũng bày tỏ các quan điểm trái chiều về vấn đề này.
Vừa qua, báo Thanh niên cũng đưa ra một số lời bình xét của các giảng viên về việc sử dụng AI trong học tập. Cụ thể, Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết trường hiện chưa có quy định cụ thể về việc sinh viên sử dụng AI để làm bài kiểm tra, tiểu luận, khóa luận.
"Tuy nhiên làm tiểu luận, khóa luận thì có hội đồng chấm hoặc bảo vệ, sinh viên dùng AI mà giảng viên phát hiện ra thì sẽ bị chấm rớt. Theo tôi, AI cũng như Google vậy, nó là một công cụ hỗ trợ. Nếu biết cách sử dụng để hỗ trợ cho việc học thì rất tốt, còn nếu copy y chang cho bài học có chấm điểm thì chắc chắn không được", tiến sĩ Duy chia sẻ.
Hay Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng sinh viên sử dụng AI làm bài tiểu luận, khóa luận, báo cáo... cũng chính là cách áp dụng công nghệ vào học tập, nghiên cứu và công việc sau này.
"Nhưng chỉ nên coi AI như một trợ lý để hỗ trợ đắc lực cho học tập, công việc, nhờ đó có thêm nguồn thông tin tham khảo để chọn lọc và hệ thống kiến thức, hiểu vấn đề và giải quyết vấn đề theo cách của mình chứ không đơn thuần chỉ là sao chép kiến thức. Sử dụng như vậy chắc chắn AI sẽ phát huy hiệu quả", thạc sĩ Dung nhận định.
Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Trưởng bộ môn kinh tế học Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết mình cho phép sinh viên sử dụng AI vì nếu cấm thì sẽ đi ngược với xu thế của thời đại 4.0. Tuy nhiên PGS-TS Tình sẽ dùng phần mềm để kiểm tra đạo văn.
Như vậy có thể thấy việc sử dụng ứng dụng AI sẽ có 2 mặt, do đó học sinh, sinh viên cần sử dụng ứng dụng này như một công cụ bộ trợ cho sự sáng tạo của con người, nhằm khai thác tối ưu tác dụng của AI nhưng không làm mất đi năng lực của con người.
Bảo An (T/h)