Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 6/3, Ngân hàng Nhà nước có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại về việc chuẩn bị nội dung tham dự hội nghị do Thủ tướng chủ trì để bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng. Dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức vào giữa tháng 3, do Thủ tướng chủ trì.
Trong công văn, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc chuẩn bị tổ chức hội nghị của Thủ tướng với Chủ tịch, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng và giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại báo cáo đánh giá nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp thời gian qua, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin, số liệu tín dụng, lãi suất, đánh giá thực trạng, nguyên nhân tín dụng tăng thấp với từng ngành, lĩnh vực.
Các ngân hàng cũng đánh giá tình hình thực hiện giảm lãi suất cho vay thời gian qua và giải pháp cụ thể đã triển khai, sẽ triển khai tiết giảm chi phí, lợi nhuận để chia sẻ và giảm mặt bằng lãi suất.
Báo cáo khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, thực chất để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ cũ vẫn còn duy trì lãi suất cao và dư nợ phát sinh mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu báo cáo phải được các ngân hàng thương mại gửi về Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) trước 14h ngày 7/3.
Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm nay ở mức âm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Theo tạp chí Thuế Nhà nước, để tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành các công cụ chính sách tiền tệ và quyết liệt thực hiện các các giải pháp về điều hành lãi suất, tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực. Từ đó có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa.
Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn. Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh…
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ tín dụng, ngoại hối của tổ chức tín dụng đến công chúng.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm ở mức âm.
Tạp chí Công Thương dẫn số liệu từ Báo cáo Thị trường Tiền tệ tháng 2/2024 của hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC), Ngân hàng Nhà nước ước tính, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1/2024 là -0,6% và tính đến ngày 16/2/2024 là -1,0%.
Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 01/2024 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Ngân hàng Vietcombank (-2,3% so với cuối năm 2023), Ngân hàng BIDV (-1,3%) hay Ngân hàng MBBank (-0,7%).
Không chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức âm trong hai tháng đầu năm, huy động vốn của nền kinh tế cũng không khả quan. Tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 16/02 ước đạt -1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, huy động vốn bằng đồng Việt Nam giảm 1,25% và bằng đồng USD giảm 5,9%.
Vân Anh (T/h)