Tăng trưởng tín dụng 9,1%
Sáng 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành cùng Chủ tịch, Tổng Giám đốc 38 ngân hàng thương mại...cùng tham dự hội nghị này.
Ngoài ra, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng góp mặt.
Theo chuyên trang Đầu tư chứng khoán, báo cáo tại Hội nghị, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành. Đến nay mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. NHNN cũng đã phân bổ room tín dụng 14,5% cho các ngân hàng.
Mặc dù triển khai nhiều giải pháp và đã đóng góp tích cực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng đặt ra. Đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ các năm.
Đại diện các ngân hàng thương mại tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao theo Phó thống đốc chủ yếu từ các yếu tố khách quan. Đó là đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát, khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không trả được nợ vay; Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các TCTD còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng tại một số TCTD, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng. Xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án theo Nghị quyết 42/2017/QH14 gặp khó khăn, chưa thực hiện được.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó thống đốc thẳng thắn chỉ ra còn có nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đó là mặc dù lãi suất cho vay của các TCTD đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên lãi suất cho vay ở một số NHTM còn ở mức khá cao. Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế TSĐB còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Thiếu sự kết nối của khách hàng và ngân hàng để trực tiếp trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, người dân đã nỗ lực, cố gắng để khắc phục, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn, thách thức về vốn.
“Hội nghị hôm nay có tinh thần như hội nghị "Diên Hồng" nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhận định, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển. Ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển.
Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế chúng ta đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế nên hành động phải thận trọng, chắc chắn, bước đi phù hợp. Nhưng phải có lộ trình để ngày càng sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn là công cụ hành chính, tiến tới thị trường đầy đủ, theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu NHNN có giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời, hiệu quả, xác định hạn mức tăng trưởng cả năm 2023 phù hợp với thực tế. Việc điều hành tín dụng phải đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, an toàn hệ thống tín dụng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt phù hợp
Theo thông tin trên Thông tấn xã Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, phản ánh đúng tình hình thực tế; kinh nghiệm quý, bài học hay và giải pháp cụ thể, thiết thực, sát thực tiễn của lãnh đạo các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại, hiệp hội, ngành hàng; yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và xử lý, giải quyết kịp thời các kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trước tác động tiêu cực kép do tác động từ bên ngoài và những vấn đề nội tại, song tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Có được kết quả đó nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự đóng góp của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đối với các tổ chức tín dụng, ngành Ngân hàng, tín dụng cho vay trung hạn, dài hạn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tác động hoạt động kinh doanh đang còn tiếp tục khó khăn; tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều; doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn; các vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo còn khó khăn…
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng, một phần do hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp, lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp; một mặt do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm, một số doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả…
Trên cơ sở phân tích, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chủ thể liên quan từ Chính phủ, các bộ, ngành, ngành Ngân hàng, người dân, doanh nghiệp phải vào cuộc, chung tay, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần trách nhiệm với đất nước, doanh nghiệp, sự nghiệp phát triển kinh tế, tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn, hành động phải quản lý thị trường nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng khẳng định, không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; đẩy mạnh chính sách tài khoá liên quan vốn, phí, lệ phí, đầu tư công, các hoạt động khác để hỗ trợ chính sách tiền tệ; kịp thời xử lý những vướng mắc từ thực tiễn, cơ chế, chính sách ban hành để tháo gỡ khó khăn nhưng chưa đi vào cuộc sống; đẩy mạnh các công cụ liên quan thị trường, giảm bớt, tiến tới loại bỏ công cụ hành chính; đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc, giảm giá để thúc đẩy thị trường…
Vân Anh (T/h)