Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tăng trưởng tín dụng cuối tháng 1 giảm 0,6%, Ngân hàng Nhà nước bàn cách thúc đẩy

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Thông tin được Ngân hàng Nhà nước cho biết tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đến cuối tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% so với đầu năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 1/2024

Theo báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 20/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đại biểu nhân dân

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng (TCTD), thông báo công khai nguyên tắc xác định để các (TCTD) chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến nay, mặc dù đã giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng năm 2024 cho các ngân hàng và có nhiều chính sách thúc đẩy nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn có dấu hiệu suy giảm.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Đây cũng là nguyên nhân hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả ngay từ những tháng đầu năm.

Giải thích nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng suy giảm, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, năm 2024 nhìn chung cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của NHNN là rất thoáng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn suy giảm do khó khăn từ khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn.

Tương tự, đại diện Vietcombank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cũng ghi nhận sự sụt giảm trong tháng 1/2024. “Tín dụng giảm chủ yếu liên quan đến tín dụng bán lẻ, tiêu dùng giảm, do kinh tế khó khăn, các dự án được cấp phép mới rất ít khiến tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm mạnh”, vị đại diện ngân hàng này cho hay.

Giải thích rõ hơn vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Do tính chất quy luật, giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng. Hai là khó khăn từ nền kinh tế và khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, nhất là cho vay tiêu dùng khó khăn nên tín dụng chững lại chứ không phải do cơ chế, chính sách hay là do hoạt động của ngân hàng hiện nay", thông tin trên báo Đại biểu nhân dân.

Bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Theo báo VTC News, năm 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn do các yếu tố như sự thắt chặt trong tài chính, xung đột chính trị, và sự gia tăng của rủi ro tài chính, các dự báo cho thấy lạm phát toàn cầu vẫn sẽ giảm tốc độ nhưng vẫn cao hơn so với mục tiêu ở nhiều quốc gia.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo…

Trong bối cảnh đó, NHNN xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng năm 2024 để quyết liệt thực hiện.

Đáng chú ý nhất là điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng; Mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Theo NHNN, những biện pháp trọng tâm trên sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2024.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật