Đóng

Thấy ruồi bu kín cửa sổ, người đàn ông bàng hoàng phát hiện bi kịch thương tâm

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Nhìn thấy đàn ruồi bu đen đặc ở cửa sổ một căn hộ, anh A có linh cảm lạ nên gọi báo cảnh sát. Sự việc sau đó khiến người đàn ông vô cùng ám ảnh.

Theo SaoStar ngày 5/7, khi anh A đang đi bộ trên một con phố ở Nhật Bản và tình cờ ngước nhìn lên một căn hộ chung cư. Anh lập tức chú ý đến một đàn ruồi dày đặc đang bay lượn trên khung cửa sổ – một cảnh tượng kỳ lạ đến mức khiến anh phải dừng lại. Dù đắn đo, anh A cuối cùng đã quyết định gọi điện báo cảnh sát. Hành động tưởng chừng nhỏ nhặt của anh đã cung cấp manh mối quan trọng, dẫn đến việc phát hiện ra một cái chết thương tâm.

Anh A sau đó đã chia sẻ cảm xúc của mình trên mạng xã hội, kèm theo bức ảnh hiện trường: "Tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Khi tìm hiểu thêm, tôi bắt đầu nghĩ rằng có thể ai đó đã qua đời trong cô độc. Nghĩ tới điều đó, tôi thực sự thấy sợ."

Người đàn ông cảm thấy bất an khi nhìn thấy đàn ruồi bu trên cửa sổ.

Linh cảm của anh A đã hoàn toàn chính xác. Khi cảnh sát kiểm tra căn hộ, họ phát hiện một thi thể đang trong tình trạng phân hủy, xác nhận đây là một trường hợp tử vong đơn độc – cái chết âm thầm của một con người giữa lòng đô thị hiện đại.

Anh A bày tỏ sự thương cảm: "Quả thực là do cô đơn mà chết. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho linh hồn người ấy được yên nghỉ." Bài đăng của anh nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác, dấy lên làn sóng thảo luận sâu sắc về vấn nạn "chết vì cô đơn". Đây là một hiện tượng ngày càng phổ biến ở các quốc gia phát triển, nơi con người sống gần nhau nhưng lại xa cách đến mức không ai hay biết khi một sinh mạng lặng lẽ rời đi.

Nhiều cư dân mạng để lại bình luận đầy ám ảnh: "Không ngờ một con ruồi cũng có thể là dấu hiệu của cái chết", "Một tình huống không tưởng, nhưng sự quan sát và nhân tính đã giúp đưa tiễn người ấy trong khoảnh khắc cuối cùng", "Cầu mong người đã khuất được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng". 

VOV dẫn lại báo cáo của Cơ quan cảnh sát Nhật Bản cho biết, trong số hơn 204.000 trường hợp tử vong phải tiến hành khám nghiệm tử thi trong năm 2024, có tới hơn 76.000 trường hợp là những người già sống một mình, không nơi nương tựa.

Trong đó, số người từ 65 đến 70 tuổi chiếm khoảng 70%, còn lại là những người từ 70 đến 85 tuổi. Cảnh sát Nhật Bản cũng cho biết, trong số những người cao tuổi chết cô độc, có gần 29.000 được phát hiện sau khi chết 1 ngày, gần 7.000 người được phát hiện sau 31 ngày, và đặc biệt, có tới 253 người sau khi chết hơn 1 năm mới được phát hiện.

Liên tục trong những năm gần đây, số người già không nơi nương tựa phải sống một mình và chết trong cô độc tại Nhật Bản không ngừng gia tăng và được coi là một vấn đề xã hội nghiêm trọng cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Hiện nay, các bộ ngành, cơ quan, tổ chức của Nhật Bản đang phải tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp đối phó khẩn cấp như lên danh sách người cao tuổi cần hỗ trợ, phái cử các nhân viên phúc lợi xã hội đến nhà người già neo đơn thăm hỏi định kỳ, ký kết hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ có nhân viên thường xuyên đến các hộ gia đình để thu thập thông tin về tình trạng của người già cô độc, thiết lập mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ người cao tuổi, cung cấp các thiết bị có thể giữ liên lạc liên tục với người già neo đơn, thành lập các trung tâm tư vấn giành riêng cho người cao tuổi phải sống một mình …

Mặc dù những biện pháp này đang mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp người già neo đơn cải thiện được tâm lý và thể chất, cũng như giảm áp lực tinh thần về sự cô đơn…, nhưng vẫn chưa làm giảm được số người ra đi lặng lẽ không ai hay biết.

Trong bối cảnh đó, Cơ quan cảnh sát Nhật Bản cam kết sẽ tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống “cái chết cô độc” thông qua việc cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, cũng như bổ sung thêm vào phạm vi trách nhiệm của cảnh sát khu vực việc theo dõi tình hình người cao tuổi neo đơn trên địa bàn mình quản lý.

Tin nổi bật