Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tận dụng tốt công nghệ, báo chí mới đủ sức cạnh tranh thương hiệu

  • Nhật Duy - Quỳnh Thi - Thu Oanh
(DS&PL) -

Làm cách nào để cơ quan báo chí tận dụng tốt các công nghệ tiên tiến để phát triển thương hiệu với độc giả là câu hỏi nhiều tòa soạn đang loay hoay tìm câu trả lời.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tác động tới mọi khía cạnh của đời sống - xã hội, lĩnh vực báo chí cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của dòng chảy này. Trong “cuộc đua” công nghệ số chi phối mạnh mẽ, ngành báo chí Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới nhưng cũng đa dạng cơ hội phát triển nếu nắm bắt kịp thời để chuyển mình. Dẫu biết rằng “bầu trời trước mặt, con đường dưới chân” nhưng để lựa chọn một lối đi đến mục tiêu mà mỗi tòa soạn đặt ra trong thời đại công nghệ số chi phối lại là điều không hề dễ dàng.

Để có thêm cái nhìn toàn cảnh về những thuận lợi và rào cản của ngành báo chí, PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Chí Nghĩa - Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân, để hiểu rõ hơn về những thay đổi mà ngành báo chí cần đối mặt trong thời gian tới.

PV: Thưa đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, công nghệ đang ngày càng thay đổi cách thức làm báo truyền thống. Ông có thể chia sẻ về những lợi ích mà công nghệ mang lại cho lĩnh vực báo chí hiện nay?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Công nghệ thực sự phát huy tối đa tiềm năng của báo chí, giúp giảm bớt các khâu trung gian và làm tăng giá trị gia tăng cho người bán trên doanh thu, đồng thời đáp ứng nhu cầu của công chúng. Đặc biệt, những thành tựu công nghệ góp phần nghiên cứu, đánh giá thói quen và hành vi của người dùng, từ đó có thể tiếp cận công chúng tốt hơn.

Thế nhưng, cần phải biết rằng, sự hấp dẫn nhất của bài báo phải nằm ở dấu ấn cá nhân của tác giả. Người làm báo cần có chính kiến, những phát hiện độc đáo và cách xử lý thông tin đặc thù để thu hút độc giả. Sáng tạo của người làm báo nằm ở những giọt mồ hôi, nỗ lực và đúc kết kinh nghiệm của họ, công nghệ không thể thay thế người làm báo. Điều này là chắc chắn, kể cả trong tương lai. Công nghệ sẽ chỉ phát huy tốt khi phóng viên nắm bắt và xử lý tốt để phục vụ cho bài báo hấp dẫn, giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh nhất

 

Công nghệ từ lâu đã thẩm thấu vào nhiều lĩnh vực của đời sống nhưng suy cho cùng, văn hóa vẫn là giá trị cốt lõi, chủ thể chính vẫn là những phóng viên, biên tập viên hàng ngày truyền tải hơi thở của đời sống xã hội tới độc giả. Vì vậy, khi xã hội thay đổi buộc người làm báo cũng phải nắm bắt,xử lý tốt và làm chủ công nghệ để phục vụ công việc của mình. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất khó khăn cho các nhà báo khi công nghệ thay đổi tính theo từng phút như hiện tại.

PV: Hiện nay, chưa có nhiều tờ báo ở Việt Nam áp dụng sâu, rộng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình sản xuất tin, bài, theo ông, để tận dụng tốt AI vào trong tác nghiệp, các cơ quan báo chí cần phải thay đổi những gì?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Công nghệ không phải chỉ đầu tư một lần là xong mà cần cập nhật và đổi mới liên tục. Khi đầu tư lớn cần tránh lãng phí và điều kiện kinh tế còn hạn chế nên lựa chọn đầu tư thông minh dựa trên nguồn lực của mỗi cơ quan báo chí. Cần đánh giá nhu cầu thực tế và hiểu biết về công nghệ của mỗi tòa soạn. Đây là bài toán không đơn giản, tránh việc xây ngôi nhà to đẹp bên ngoài mà nội thất bên trong sơ sài, không tương xứng với hình thức hào nhoáng.

 

Các cơ quan báo chí cần có chiến lược riêng trong chiến lược tổng thể chuyển đổi số quốc gia, buộc phải xác định công chúng của mình là ai? Độc giả của mình đang ở đâu? Đã đánh giá đầy đủ chưa để đầu tư công nghệ.

Sức mạnh của báo in, phát thanh và truyền hình truyền thống vẫn rất lớn. Công chúng vẫn ngồi mâm cơm để xem bản tin thời sự 19h hàng ngày, người đọc vẫn cầm những tờ báo giấy để bất cứ lúc nào cũng có thể đọc được. Công nghệ mới phải đi liền, xen cài với những giá trị truyền thống vẫn còn phát huy được sức mạnh. Công chúng không phải tất cả đều trẻ và thích công nghệ mới, cần phương thức tiếp cận thông tin phù hợp cho mọi đối tượng.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là những tác phẩm ý nghĩa, thông tin chất lượng, kịp thời. Không nên chỉ chạy theo xu hướng ngắn hạn mà cần ập trung làm những chuyên đề, phim tài liệu, phóng sự chuyên ngành, phát trên nhiều nền tảng khác nhau để thu hút công chúng. Mỗi cơ quan báo chí cần có phân khúc và công chúng của mình để định vị được thương hiệu.

PV: Là một người có nhiều năm kinh nghiệm lãnh đạo một tờ báo hàng đầu Việt Nam, ông đánh giá AI sẽ góp phần như thế nào để thúc đẩy truyền thông chính sách?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: AI sẽ đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và báo chí. Ứng dụng AI như tạo bản tin, MC ảo, và viết tin theo công thức giúp giảm nhân lực và công sức. Tuy nhiên, AI sẽ chọn lọc người làm báo, giữ lại những ai có bản sắc, sử dụng công nghệ tốt và có chính kiến riêng. Nhiều vị trí sẽ bị AI thay thế, buộc con người phải thích nghi và tìm kiếm vị trí mới.

Để tăng hiệu quả, báo chí cần đầu tư vào nghiên cứu công chúng trên các thiết bị điện tử. Điều này không chỉ mở rộng nguồn thu mà còn hỗ trợ tốt hơn cho truyền thông chính sách. Các cơ quan truyền thông chính sách cần đặt hàng báo chí và nghiên cứu công chúng kỹ lưỡng hơn để đưa ra quyết định chính xác.

 

Báo chí cần phát hiện và dự báo xu thế phát triển, không chỉ dừng lại ở việc phản ánh. Để làm được như vậy, nhà báo cần xung trận, trí tuệ, sát sao thực tiễn và dũng cảm. AI sẽ giúp báo chí nghiên cứu công chúng và phát triển sản phẩm hiệu quả hơn, góp phần vào truyền thông chính sách hiệu quả hơn.

PV: Trong thời gian gần đây, AI đang dần trở thành mối lo ngại của nhiều người vì khả năng tạo ra những thông tin giả, thông tin không đúng, theo ông cả người làm báo và độc giả cần làm gì để tự xây dựng được “lớp màng lọc” thông tin hữu hiệu cho mình?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Công nghệ luôn mang lại sức hấp dẫn nhưng cũng tạo ra nhiều rủi ro. Tin giả trên mạng lan tràn, đặc biệt khi người dùng chưa kịp tiếp cận thông tin chính thống. Một bài báo mới đăng tải trên mạng internet có thể bị khai thác và biến tướng trên các trang khác, thông tin giả mạo đôi khi chỉ là một phần nhỏ được cài cắm khiến công chúng khó phát hiện. Điều này làm triệt tiêu công sức của các phóng viên, nhà báo khi tác phẩm bị khai thác trái phép, thương mại hóa. Nguy hiểm hơn là thông tin đúng bị gài cắm chi tiết sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích dân tộc và quốc gia.

 

Để chống lại tin giả (fake news), nhà báo phải tăng cường tính tin cậy, nhận diện thương hiệu của cá nhân cũng như cơ quan báo chí nơi công tác. Đầu tư công nghệ để làm chủ công nghệ, khẳng định vị trí trên không gian mạng là cần thiết để công chúng có thể kiểm chứng thông tin. Thêm vào đó, công chúng cũng cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, phải có sự cảnh giác và không bị dẫn dắt bởi cảm xúc cá nhân. 

Báo chí cần phát huy vai trò, sẵn sàng xuống trận và chịu trách nhiệm về thông tin đưa ra. Đồng thời, cũng cần cảnh báo công chúng về những nguy cơ của tin giả. Các phương tiện truyền thông khác và các tổ chức cũng cần chia sẻ trách nhiệm với báo chí, không thể đổ hết trách nhiệm cho báo chí. Phải tăng niềm tin, tăng sự tỉnh táo và sức đề kháng cho công chúng trong việc chọn lọc thông tin chính xác.

PV: Trên thực tế, muốn đầu tư công nghệ thì cần có ngân sách nhưng để có ngân sách thì cơ quan báo chí phải phát triển về kinh tế. Nó như một vòng tròn có thể thúc đẩy nhưng cũng có thể kìm hãm nhau, quan điểm của ông về vấn đề nguồn thu thương mại của các cơ quan báo chí ra sao?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Đúng vậy, công nghệ là một lối ra chứ không phải là nguồn thu duy nhất của báo chí. Để giải quyết bài toán kinh tế, trước hết cơ quan báo chí cần phải xác định đúng phân khúc, tệp độc giả truyền thống của mình. Báo chí chi trả “quyền lợi” tương xứng cho công chúng là điều quan trọng hàng đầu của mỗi cơ quan báo chí. Công chúng còn tìm đọc thì tờ báo vẫn sẽ có quảng cáo, còn xem kênh truyền hình thì sẽ có thương mại chảy vào. Đây là điều kiện tiên quyết để giúp mỗi cơ quan báo chí “sống khỏe” trong bất cứ giai đoạn hay hoàn cảnh nào. 

Các cơ quan báo chí  cần khai thác tối đa các sản phẩm báo chí để tạo ra nguồn thu. Ví dụ như báo chí dữ liệu có thể bán thêm thông tin thị trường, thu phí độc giả truy cập bài viết chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm phải có giá trị thật, không thể làm hàng mù mờ vì nếu không thực sự chất lượng thì độc giả sẽ không chi trả thêm bất cứ lần nào.

 

Truyền thông chính sách là nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó báo chí phối hợp. Các cơ quan nhà nước cần chủ động truyền thông chính sách, có kế hoạch và ngân sách hàng năm để làm việc này. Các cơ quan báo chí là phương tiện hữu hiệu để đáp ứng yêu cầu này. Phải làm sao để công chúng hiểu rõ và đón nhận chính sách một cách hấp dẫn, truyền thông chính sách phải thông minh, kịp thời và theo cách công chúng muốn chính là phương thức giúp các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu để đảm bảo hoạt động cho mình.

Cuối cùng, báo chí phải tiếp cận công chúng bằng cách hiểu rõ và giải quyết những bức xúc của độc giả. Khi báo chí nói lên tiếng nói của người dân, giải quyết những vấn đề đó tạo dựng được lòng tin với độc giả. Và đương nhiên, có lòng tin của độc giả thì cơ quan báo chí sẽ có tất cả. Các cơ quan báo chí hàng ngày phát hành sản phẩm chất lượng để người độc giả tìm đọc và nghề báo sẽ hấp dẫn hơn khi mang hơi thở, tâm sự của người dân.

PV: Một số quốc gia đã buộc công ty công nghệ toàn cầu như Google hay Meta phải trả phí cho các cơ quan báo chí vì những nền tảng này sử dụng các thông tin của họ, theo ông việc này liệu có khả thi khi thực hiện ở Việt Nam không?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Theo tôi, điều này là hoàn toàn có khả năng thực hiện trong tương lai vì các cơ quan báo chí là nơi sản xuất ra những tin tức độc quyền, hấp dẫn cần cần phải được trả công, thù lao tương xứng và nhất là không thể khai thác miễn phí mãi được. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí chưa làm được điều này vì vẫn phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận công chúng. Với vị thế yếu như vậy, chúng ta khó có thể yêu cầu cao hơn.

Để có thể thực hiện được như một số quốc gia đã làm, các cơ quan báo chí Việt Nam cần liên kết lại thông qua cơ chế của hội nhà báo, các tổ chức nghề nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để đòi quyền lợi phù hợp. Phải có sự phối hợp và thống nhất về quan điểm để tạo sự công bằng lâu dài. Đấu tranh đơn lẻ sẽ rất khó vì hiện tại các cơ quan báo chí cần các nền tảng mạng xã hội hơn là ngược lại. Thông tin báo chí được đưa lên các nền tảng mạng xã hội giúp các tờ báo tiếp cận công chúng rộng rãi hơn nhưng ngược lại, các nền tảng này cũng sống dựa vào nội dung do các nhà báo tạo ra để có thể giữ chân người dùng.

Để có sự công bằng trong chia sẻ doanh thu, cần sự phối hợp giữa nhà báo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và Bộ Thông tin và Truyền thông. Chỉ khi có sự phối hợp và thống nhất về quan điểm, chúng ta mới có thể đạt được sự công bằng và bảo vệ quyền lợi cho các cơ quan báo chí.

Báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề công nghệ, thông tin giả, đến nhu cầu thay đổi trong cách tiếp cận công chúng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để báo chí khẳng định vai trò của mình, tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả làm việc và tiếp cận công chúng một cách hiệu quả hơn. Với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng, ngành báo chí Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng trong thời đại số.

Tin nổi bật