Ngày 13/2, tại cuộc họp báo cung cấp tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM đã có những trả lời cụ thể về việc áp dụng Thông tư 29 trên địa bàn thành phố, Dân Việt thông tin.
Theo ông Minh, Thông tư 29 sẽ trả lại sự công tâm cho ngành giáo dục và việc quản lý giáo dục cũng sẽ chặt chẽ, nề nếp hơn.
Ông Hồ Tấn Minh- Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời các vấn đề về dạy thêm học thêm, chiều 13/2. Ảnh: VnExpress
Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Thông tư 29 không cấm việc dạy thêm, học thêm, mà đưa việc dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ, thực hiện đúng quy định.
Cụ thể, giáo viên nếu có nhu cầu phải dạy thêm ở các trung tâm hoặc những nơi có đăng ký kinh doanh đúng quy định của pháp luật, không thu tiền học sinh chính khóa của mình. Giáo viên trường công không được tổ chức, điều hành dạy thêm, theo quy định của Luật Viên chức.
"Đã dạy thêm ngoài nhà trường thì phải thực hiện đúng quy định, dù chỉ dạy kèm 2-3 em", ông Minh khẳng định. "Không có ngoại lệ hay du di các trường hợp vi phạm Thông tư 29".
Đồng thời theo ông Minh, trong Thông tư 29 nêu rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị, từng cơ quan ban ngành.
Đối với giáo viên, việc dạy thêm có thu tiền học sinh đã tham gia học lớp chính khóa của mình là không được phép. Nếu học sinh học chính khóa, thầy cô phải dạy hết những nội dung, hình thành cho các em năng lực tự học, chứ không phải chừa nội dung để dạy thêm, hoặc học sinh đi học thêm vì bài kiểm tra, kỳ thi.
Nhà trường chỉ tổ chức dạy thêm không thu tiền. Có 3 đối tượng được tổ chức ôn tập đó là học sinh yếu thế, bồi dưỡng học sinh giỏi, tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp.
“Trước đây, theo Thông tư 17 và Quyết định 21 của TP.HCM thì dạy thêm vẫn được thu tiền, nhưng việc này dấy lên câu chuyện chính khóa dạy không hết, để dành cho tiết dạy thêm. Việc này cũng mất đi hình ảnh của ngành giáo dục.
Trách nhiệm nhà trường phải thực hiện ôn tập cho học sinh cuối cấp, chứ không phải thông tư ban hành ra rồi các trường lơ đi, bỏ lỏng việc tổ chức ôn tập. Tùy theo điều kiện từng địa phương, sẽ có lộ trình, kinh phí tổ chức ôn tập cho lớp cuối cấp cũng như bồi dưỡng học sinh yếu thế", báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Minh chia sẻ.
Thông tư 29 đã trả lại sự tôn nghiêm cho ngành giáo dục. Ảnh minh họa
Riêng học sinh tiểu học, Bộ yêu cầu không được dạy thêm, học thêm ngoại trừ hoạt động dạy kỹ năng, năng khiếu ví dụ như đàn, hát, múa, vẽ...
"Với học sinh tiểu học, việc học văn hóa ngày hai buổi ở trường đã đủ rồi. Các em cần được rèn kỹ năng, năng khiếu khác để phát triển toàn diện", Chánh văn phòng Sở nhận định. Theo ông, trường học có thể tổ chức các câu lạc bộ để học sinh tham gia sau giờ học, tạo điều kiện cho phụ huynh nếu phải đón con muộn.
Ngoài ra, thầy cô tiểu học không được dạy thêm các môn văn hóa, nhưng nếu có năng lực tổ chức, dạy các hoạt động khác thì vẫn có thể đăng ký dạy thêm theo quy định.
Hiện, Sở GD&ĐT TP.HCM đang có văn bản lấy ý kiến các sở ngành về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.HCM và sẽ sớm ban hành hướng dẫn để các trường thực hiện trong thời gian tới.