Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quy định mới về dạy thêm, học thêm sắp có hiệu lực: Trường học "cân đo đong đếm" trả thù lao giáo viên

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Được dạy thêm nhưng phải miễn phí, một số trường vận động giáo viên dạy miễn phí, số khác dự sẽ "cân đo đong đếm" phần kinh phí hoạt động để trả thù lao giáo viên.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2.

Vận động giáo viên dạy miễn phí

Báo VnExpress dẫn lời lãnh đạo một trường THPT tại Vĩnh Phúc cho biết từ tuần sau, trường dự kiến dạy thêm miễn phí cho học sinh khối 12 nhưng giảm 1/3 thời lượng. Trước đây, các em được học thêm 12 tiết Toán, Văn và hai môn tự chọn vào buổi chiều, theo nguyện vọng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mỗi tiết, trường thu 6.000 đồng.

Tuy nhiên, theo Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, trường không được thu phí học sinh. Trong khi ngân sách có hạn và đã được phân bổ cho nhiều nội dung, hoạt động, theo kế hoạch từ đầu năm học, trường đành vận động giáo viên dạy miễn phí.

"Các thầy cô rất sẵn lòng vì trách nhiệm đối với học sinh. Còn hơn 4 tháng nữa thi mà bỏ các em thì không được", người này nói. Với hơn 600 học sinh, trước đây, mỗi giáo viên nhận được khoảng 10-12 triệu đồng khoản này mỗi học kỳ.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2. Ảnh minh họa 

Ở trường THPT Nguyễn Bình Chiểu, TP.HCM, cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng, cho biết trường vận động giáo viên dạy không lương trong thời gian ôn luyện cho các em lớp 12, rồi ghi nhận ngày công để xếp loại, hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 của TP.HCM (tối đa 1,5 lần lương). Bởi theo quy định của thành phố, hoạt động bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh trong hè là căn cứ để được tính thu nhập tăng thêm.

Nhưng thay vì ôn luyện cho tất cả học sinh đăng ký, trường dự kiến sàng lọc những em học lực trung bình, yếu để hỗ trợ trước.

Lấy nguồn kinh phí ở đâu để chi trả giáo viên

"Quy định không được thu phí khiến chúng tôi đau đầu tìm phương án trả tiền cho thầy cô nhưng dù thế nào thì cũng phải ôn tập cho học sinh cuối cấp", cô Nguyễn Thị Hoa Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, nói.

Cô Huệ cho hay nếu không được cấp thêm ngân sách, nhà trường phải "cân đo đong đếm" phần kinh phí hoạt động để trả thù lao cho giáo viên, nhưng chắc chắn ít hơn mọi năm (5-7 triệu đồng một tháng). Trường kêu gọi, hoan nghênh những thầy cô tự nguyện dạy miễn phí.

"Những năm trước, nhiều giáo viên sẵn sàng phụ đạo miễn phí cho những em quá kém, nhất là hai môn Toán, Tiếng Anh", cô Huệ nói trên VnExpress. Ngoài ra, trường tính vận động mạnh thường quân tài trợ cho việc ôn tập.

Học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, trong giờ ôn tập môn Ngữ Văn, năm 2023. Ảnh: VnExpress

Tương tự, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ trên VTC News, việc dạy thêm trong nhà trường không thu phí đối với 3 nhóm đối tượng được quy định tại Thông tư 29 là rất nhân văn. Quy định này nếu được các nhà trường triển khai sẽ tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, đảm bảo học sinh khó khăn hoặc cần bồi dưỡng năng lực được hỗ trợ mà không bị hạn chế bởi điều kiện kinh tế.

Tuy vậy, ngân sách hạn chế là thách thức lớn với nhiều trường học, trong đó có việc lấy nguồn kinh phí ở đâu để chi trả cho giáo viên tham gia giảng dạy, bổ trợ học sinh cuối cấp. Do đó, cần có kinh phí hỗ trợ để chi trả cho giáo viên hoặc xây dựng cơ chế để các nhà trường có thể huy động nguồn lực tài chính phù hợp để duy trì hoạt động này.

Trước những quy định mới về dạy thêm, học thêm, bên cạnh những khó khăn, nhiều trường cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch học tập hài hòa, đảm bảo thời lượng chính khóa và củng cố kiến thức cho học sinh cuối cấp.

Tháng 12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 quy định nhiều điểm mới, tăng cường quản lý về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 14/2.

Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: Tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…

Theo Bộ GD&ĐT, quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm. Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện.

Tin nổi bật