Đóng

Sau khi ăn gỏi cá mè sống vài ngày, kinh hoàng phát hiện sinh vật "lạ" bò lổm ngổm dưới da

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Sau khi ăn gỏi cá mè sống vài ngày, một người dân Phú Thọ đã phải nhập viện với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, ngứa da và nổi mẩn đỏ toàn thân.

Theo thông tin từ Tạp chí Tri thức, các bác sĩ Trung tâm Y tế khu vực Hạ Hòa (Phú Thọ) tiếp nhận người bệnh đến khám trong tình trạng đau bụng âm ỉ kèm buồn nôn, da ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ khắp người. Bệnh nhân cho biết bản thân cảm thấy mệt mỏi kéo dài, ăn uống kém, cơ thể ngày càng gầy yếu trong những ngày gần đây.

Qua khai thác bệnh sử, người này cho biết đã ăn gỏi cá mè sống tại nhà cùng người thân trước khi khởi phát triệu chứng vài ngày. Kết quả thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết cho thấy người bệnh bị nhiễm giun sán. Sau khi được điều trị nội khoa và theo dõi sát tại cơ sở y tế, tình trạng của bệnh nhân dần cải thiện.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Trong thời gian gần đây, Trung tâm Y tế khu vực Hạ Hòa đã tiếp nhận nhiều ca bệnh tương tự, phần lớn có biểu hiện đau bụng không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hóa, ngứa da kéo dài, dị ứng nổi mẩn, cơ thể suy nhược, gầy sút cân.

Tình trạng này phổ biến hơn ở các vùng nông thôn, nơi vẫn còn tồn tại thói quen ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là ăn cá sống, gỏi cá hoặc các món tái.

Ăn gỏi cá mè sống, người bệnh "sốc" khi phát hiện điều kinh hoàng dưới da. Ảnh: Tạp chí Tri thức.

Theo các bác sĩ, giun sán có thể xâm nhập vào cơ thể người qua nhiều con đường, trong đó phổ biến nhất là đường tiêu hóa thông qua việc ăn uống thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc chưa được nấu chín kỹ. Những loại ký sinh trùng này thường ký sinh ở ruột, gan, phổi, thậm chí lan đến cơ và các mô khác trong cơ thể.

Tùy theo loại giun sán và vị trí chúng cư trú, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khác nhau như:

Đau bụng kéo dài, rối loạn tiêu hóa

Mẩn ngứa, dị ứng da

Thiếu máu, xanh xao, gầy yếu

Rối loạn hô hấp, ho dai dẳng nếu ký sinh ở phổi

Tổn thương gan, tắc mật, gây biến chứng nặng nếu để lâu

Nếu chẳng may nhiễm giun sán nhưng không phát hiện sớm do triệu chứng mờ nhạt hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm ký sinh trùng kéo dài có thể gây ra tổn thương mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng sống người bệnh.

Theo báo Hà Nội mới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 triệu người ngộ độc sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm, với hơn 420.000 ca tử vong. Ngộ độc thực phẩm phần lớn do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc có độc tố.

Do đó, WHO khuyến cáo, mọi người cần tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, bởi hầu hết giun, sán hoặc trứng, ấu trùng của chúng đều bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi. Chúng không chết khi ngâm muối, chanh hay tẩm nước sốt. Ngoài ra, nên hạn chế ăn rau sống, tuyệt đối tránh ăn cá, mực hoặc các loại cá biển còn sống, tái hay chưa nấu chín, nhất là cá mòi, cá thu... hay thịt heo tái, sống, tiết canh.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo người dân, nhất là những người có vấn đề về tiêu hóa như bị viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý gan, béo phì hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường tiêu hóa, tuyệt đối không tham gia trào lưu ăn thực phẩm sống. Thay vào đó, người dân nên chọn lựa thực phẩm bảo đảm an toàn, rõ nguồn gốc, còn hạn sử dụng, khi chế biến bảo đảm vệ sinh và tuân thủ “ăn chín, uống sôi”.

Tin nổi bật