(ĐSPL) - Ra mắt năm 1997, đề tài phim hình sự đã từng tạo được ấn tượng mạnh với khán giả và tạo được thương hiệu riêng của hãng Phim Truyền hình Việt Nam (VFC). Từ đó đến nay, hàng loạt series phim cũng đã được bấm máy và công chiếu, thế nhưng dường như thể loại phim hình sự, thể loại vốn dễ, thu hút khán giả lại đang dần bị người xem quay lưng…
Khán giả đang quay lưng?
Sau gần 20 năm kể từ khi lên sóng, phim hình sự đã chứng tỏ được sức hấp dẫn với khán giả. Những bộ phim như Chạy án, Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Cổ cồn trắng, Bí mật tam giác vàng, Bản di chúc bí ẩn, Câu hỏi số 5... đã tạo được ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.
"Bộ sậu" phim "Cảnh sát hình sự" để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả. |
Gần 20 năm, kể từ bộ phim hình sự đầu tiên có tên Ngược dòng cái chết được phát sóng, đến nay khán giả được thưởng thức đến 36 series với hàng trăm tập phim của loạt phim cảnh sát hình sự qua tất cả các năm được đài truyền hình Việt Nam sản xuất (trừ năm 2001 và 2014). Phim hình sự được xây dựng với đủ các thể tài từ hình sự, kinh tế, ma túy, điều tra phá án đến nội dung các vụ án gây chấn động xã hội, được tái hiện qua các tác phẩm điện ảnh.
Song, thời gian gần đây, đề tài phim hình sự đang trở nên nhàm chán bởi cách làm đi vào lối mòn và sáo rỗng, nhất là trong thời điểm phim truyền hình đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt giữa các kênh chương trình, các nhà sản xuất và hơn cả, sự phổ biến của mạng internet. Bên cạnh đó, việc phát triển các mảng đề tài một cách dàn trải, thiếu đột phá, khâu kịch bản cũng “có vấn đề” khiến mảng thể tài này càng ngày càng “đuối” trong mắt công chúng.
Kể từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, dòng phim truyền hình đề tài hình sự liên tục được phát sóng, song trái với kỳ vọng, khán giả có dấu hiệu “bội thực” với quá nhiều bộ phim hình sự hời hợt, lời thoại ngô nghê nhiều tình tiết thái quá. Hàng loạt phim hình sự, phá án được trình chiếu thời gian gần đây, từ đài trung ương đến đài địa phương đều bộc lộ nhiều hạn chế bởi đề tài cũ kỹ, tình huống thiếu chân thực và gượng ép.
Trong bộ phim "Nữ cảnh sát tập sự", khán giả ngán ngẩm với những lời thoại ngô nghê vô lý đến mức khó chịu. Phim "Sống để chuộc lỗi" bị chê dài dòng, không logic, khán giả không thấy được tài năng của lực lượng công an vì cách xây dựng tình tiết hời hợt. Các trường đoạn, logic của bộ phim khán giả đánh giá yếu và thiếu thuyết phục.
Một cảnh trong phim "Cô cảnh sát tập sự". |
Cách làm phim hình sự theo công thức “tội phạm thua, công an thắng, có hy sinh một tí” của các nhà làm phim đang không giữ được khán giả, ngược lại còn làm khán giả cảm thấy ngán ngẩm, đặc biệt ở những bộ phim trình chiếu thời gian gần đây.
Thiếu tác phẩm có sức sống
Lý giải về sự đi xuống của dòng phim hình sự, Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu, từng là “lính hình sự” với thâm niên 20 năm công tác, đã có những cái nhìn khách quan về dòng phim này. Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, các loạt phim được chiếu trên truyền hình trong thời gian qua đã phản ánh được tương đối chi tiết về cuộc sống chiến đấu của lực lượng Cảnh sát hình sự. Tuy nhiên, nếu nói về một tác phẩm điện ảnh, hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng phải đánh giá trên hai khía cạnh nội dung và hình thức, được và chưa được.
“Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy rõ những bộ phim cảnh sát hình sự trên truyền hình còn có nhiều “sạn”. Dù đã đưa ra những câu chuyện rất ly kỳ hấp dẫn, tuy nhiên trong một số phim, nhiều cốt chuyện vẫn chưa tới, nhiều câu chuyện đưa ra chưa phản ánh được chân thực nghiệp vụ, những hy sinh vất vả của người lính hình sự nói riêng và chiến sỹ công an nói chung. Quan trọng nhất là phim chưa phản ánh được nội tâm của người trong cuộc.
Nhiều bộ phim để cho giang hồ nói chuyện như dân trí thức. Cảnh sát hình sự mà lúc nào cũng áo mũ chỉnh tề, mũ kepi 24/24, lời thoại đậm chất kịch. Diễn xuất còn gượng gạo, lời thoại ngô nghê và chưa thực sự lột tả được đời sống chiến đấu của người lính, thậm chí đôi khi còn tô hồng thái quá, lên gân lên cốt, không tiệm cận với đời sống của người làm hình sự. Việc phản ánh về tâm lý tội phạm cũng không đúng thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều phim lạm dụng vũ lực nhiều quá. Cảnh sát hình sự trên phim hầu như cứ bắt tội phạm là rút súng chĩa vào đầu, thực tế không đúng như vậy. Nhiều khi xem phim, người trong nghề thấy rất buồn cười”, Trung tá Hiếu nhận định.
Lý giải cho vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, khán giả cũng nên thông cảm bởi những người biên kịch, những người viết ra những tác phẩm này có thể không phải là chiến sỹ công an nên việc truyền tải các vấn đề của đề tài hình sự gặp nhiều khó khăn.
“Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân từ việc người biên kịch khá non tay, phông kiến thức về lực lượng yếu. Nếu người biên kịch là người có vốn sống, sự trải nghiệm và có kiến thức về lực lượng thì tác phẩm sẽ sát với thực tế đời sống của lực lượng hơn. Bên cạnh đó, công tác cố vấn nghiệp vụ cũng còn có nhiều vấn đề chưa sát”, Trung tá Hiếu nói.
Để khắc phục vấn đề này, theo Trung tá Hiếu, cần phải có hướng mới cho việc truyền tải nội dung phim cảnh sát hình sự bởi bản thân công việc và cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm của lính hình sự đã có những nút thắt không thể đoán trước. Trong đời sống hiện thực và nhiệm vụ của lính hình sự đã chứa đựng đầy sự phức tạp, sự gay cấn, những sự khó đoán trước.
Để có những tác phẩm tiệm cận với đời sống thực của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, trước hết người biên kịch cần có sự trải nghiệm và lao động nghiêm túc hơn nữa. Bên cạnh đó, việc khai thác tâm lý, những ngõ ngách của đời sống hiện thực sẽ làm cho các tác phẩm đó sống động và thực tế hơn.
Nếu đem phim hình sự của ta ra so sánh với phim nước ngoài có thể thấy đó là một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, nếu biết khai thác và có những hướng đi hợp lý, đề tài cảnh sát hình sự sẽ vẫn “giữ mắt” được khán giả, bởi đây là một đề tài vẫn hấp dẫn quần chúng.
TRẦN PHƯƠNG
Xem thêm video Giải trí:
[mecloud]SJ4u9PNTUJ[/mecloud]