Theo India Today, vụ việc thương tâm xảy ra vào đêm muộn ngày 26/5 (giờ địa phương), tại một công ty sản xuất đồ trang sức ở bang Jaipur, Ấn Độ. Cảnh sát cho biết, những công nhân tử vong được xác định là Sanjeev Pal, Himanshu Singh, Rohit Pal và Arpit Yadav.
Ngoài ra còn có hai công nhân Ajay Chauhan và Rajpal đã được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện Mahatma Gandhi, trong khi 2 người khác là Amit Pal và Suraj Pal đã được xuất viện sau khi được chăm sóc y tế ban đầu.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: India Express
Những công nhân này đã xuống một bể chứa sâu 3 mét và sau đó họ được cho là đã bất tỉnh. Điều tra ban đầu chỉ ra rằng, các công nhân từ chối vào bể phốt dọn dẹp vì nhiệt độ cao và khí độc. Tuy nhiên, ban quản lý công ty đã thuyết phục họ bằng lời hứa trả thêm tiền.
Trong đó, anh Amit và Rohit là những người đầu tiên xuống bể. Ngay sau đó 2 nạn nhân bắt đầu thở hổn hển và kêu cứu ngay lập tức. 6 đồng nghiệp phía trên phát hiện sự việc cũng chóng xuống bể để giúp 2 người đầu tiên ra ngoài nhưng cũng bất tỉnh.
Bể phốt được cho là chứa một loại bùn hóa chất, có chứa các hạt vàng và bạc, cặn từ quá trình sản xuất và làm sạch đồ trang sức, một nguồn tin cảnh sát cho biết. Cặn bùn được làm sạch định kỳ để chiết xuất các kim loại có giá trị, một thực tế không phải là hiếm trong các cơ sở chế tác trang sức.
Trong một vụ việc tương tự từng xảy ra tại Việt Nam vào 8/2024, chị L.T.Đ (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) có nhiệm vụ kiểm tra bể chứa ngâm thực phẩm sau thời gian dài không sử dụng. Sau khi xuống bể chứa được vài phút, chị Đ bị ngạt khí và nằm bất động dưới sàn.
Thấy vậy, anh N.V.T đã trèo xuống và cố gắng đưa chị Đ. lên nhưng chỉ khoảng 3 phút sau, anh này cũng bị bất tỉnh. Những người còn lại đã tập trung sơ cứu và nhanh chóng đưa 2 người tới cơ sở y tế gần đó trước khi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Sau 24 giờ đầu điều trị tích cực, tình trạng 2 người bệnh ngộ độc khí có nhiều cải thiện, tiến triển tốt, sau 72 giờ từ khi nhập viện, cả 2 người bệnh được cai máy thở. Đến ngày thứ 5, cả 2 người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn.
Các chuyên gia chống độc khuyến cáo, để hạn chế tai nạn ngạt khí, người dân không nên vào những nơi như: khoang chứa, hầm, hố để kín lâu ngày. Người lao động tại các công trình phải có thiết bị bảo hộ lao động (bình dưỡng khí, bộ tự thở độc lập…). Trước khi vào những nơi như khoang chứa, hầm, hố… nên mở thông thoáng một thời gian, có quạt thông gió để tránh nguy cơ ngạt khí, ngộ độc khí.