"Vào giữa tháng 6, chúng tôi đã đưa ra một đề xuất khác nhằm giải quyết (xung đột Ukraine). Với sự sẵn sàng từ phía Ukraine và quan trọng nhất là các nhà tài trợ phương Tây, đề xuất này sẽ giúp chấm dứt chiến sự, cứu sống sinh mạng và khởi động các cuộc đàm phán ngay lập tức", Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm nay 4/7.
Ông Putin cũng cảm ơn các nước thành viên SCO vì nỗ lực theo đuổi mục tiêu chung. "Chúng tôi rất biết ơn các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải về những đề xuất của họ nhằm giải quyết cuộc xung đột này. Nga chắc chắn sẵn sàng xem xét các ý tưởng và sáng kiến của các thành viên", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putinut. Ảnh: BBC
Tổng thống Putin ngày 13/6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi quân sự hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.
Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga luôn sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine, thậm chí ngay ngày mai, nhưng các bên cần nghiên cứu đề xuất hòa bình của Moscow. Chủ nhân Điện Kremlin cho biết, Nga chưa bao giờ bác bỏ ý tưởng đàm phán.
Trong khi đó, tại cuộc phỏng vấn với tờ báo Philadelphia Inquirer hôm 30/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine “có thể tìm ra một hình mẫu” cho giải pháp tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột với Nga. Tổng thống Ukraine đề cập đến thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian dàn xếp 2 năm trước, giúp thiết lập hành lang xuất khẩu nông sản từ các cảng của nước này.
Theo ông Zelensky, Ankara và Liên Hợp Quốc đã ký các thỏa thuận riêng với Moscow và Kiev. “Việc đó đã thành công. Hành lang xuất khẩu ngũ cốc sau đó đã tồn tại đủ lâu”, người đứng đầu Ukraine bày tỏ.
Ông Zelensky tin Moscow và Kiev có thể ký kết các thỏa thuận về “sự toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và tự do hàng hải” theo hình thức tương tự. Ông đề xuất có thể mời các nước khác ở châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ tham gia hòa giải. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine lưu ý, thỏa thuận cuối cùng phải “phù hợp” với Kiev và dựa trên các điều khoản của nước này.
Tổng thống Zelensky lâu nay vẫn tìm cách thúc đẩy kế hoạch hòa bình 10 điểm do ông đề xuất, nhưng Moscow nhất quyết bác bỏ. Nhà chức trách Nga coi kế hoạch này là “phi thực tế” khi đòi hỏi Moscow phải trao trả bán đảo Crimea, trả tiền bồi thường thiệt hại do xung đột gây ra cũng như lập tòa án xét xử các sai phạm của quân Nga trong xung đột.