Theo hãng tin RT, ngày 15/1, núi lửa Tonga-Hunga Haʻapai dưới đáy Thái Bình Dương đột nhiên phun trào dữ dội. Được biết, ngọn núi lửa này nằm cách đảo chính Tongatapu của Tonga (quốc gia ở Nam Thái Bình Dương) khoảng 65 km về phía nam.
Đợt phun trào đã gây ra tiếng nổ lớn có thể nghe rõ ở nơi cách đó 800 km. Một người dân ở Fiji – nơi cách núi lửa khoảng 800km cho biết “cảm giác như sấm rền”. Thậm chí, tại New Zealand cách Tonga khoảng 2.300km, một số người dân cũng nghe thấy tiếng nổ.
Hình ảnh về vụ phun trào núi lửa đã được một số vệ tinh ghi lại, trong đó có vệ tinh của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Từ các video được đăng tải trên mạng xã hội, có thể thấy một vụ nổ kèm theo cột khói màu xám khổng lồ trên mặt biển Thái Bình Dương. Cơ quan Địa chất Tonga cho biết các cột khói, bụi và khí nào cao tới 20km.
Hình ảnh cột tro bụi chụp từ vệ tinh.
Đây là một trong những đợt phun trào lớn nhất trong hàng chục năm qua của núi lửa Tonga-Hunga Haʻapai, cũng là đợt phun trào thứ hai trong 2 ngày qua.
Tro bụi từ đợt phun trào núi lửa phủ xuống bầu trời của Nuku'alofa - thủ đô Tonga, khiến đường dây viễn thông bị phá hỏng. Đất nước này cũng phải đối mặt với một cơn sóng thần nguy hiểm, càn quét qua những con đường vùng ven biển và gây ngập lụt nghiêm trọng. Tàu thuyền lớn bị đẩy vào bờ, trong khi các cửa hàng ven biển cũng bị thiệt hại không nhỏ.
Các video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các đợt sóng lớn đã nhấn chìm bờ biển Tonga, phá hủy đê chắn sóng, làm ngập nhiều tuyến đường và nhà cửa ở đây. Người dân Tonga buộc phải chạy sóng thần khi trời đã nhá nhem tối. Hiện, chưa có thông tin về thương vong, thiệt hại do sóng thần gây ra ở Tonga.
Ngoài Tonga, núi lửa Tonga-Hunga Haʻapai phun trào cũng tác động tới một loạt các quốc gia khác. Cụ thể, núi lửa phun trào gây ảnh hưởng dọc theo Thái Bình Dương, buộc nhiều quốc gia phải ban hành cảnh báo sóng thần, từ New Zealand, Nhật Bản cho đến Mỹ và Canada.
Sáng ngày 16/1, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ban hành cảnh báo sóng thần, sau khi tỉnh Iwate quan sát thấy những đợt sóng cao tới 2,7m. Nhiều đợt sóng thần nhỏ hơn được ghi nhận ở một số khu vực khác.
Tuy nhiên, tới chiều cùng ngày, mọi cảnh báo đã được dỡ bỏ. Theo Cơ quan khí tượng, các đợt sóng thần chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ, khó lòng tiến sâu vào đất liền, dù sẽ có một số ảnh hưởng về thủy triều. Con số thiệt hại về người và vật chất đang được tính toán nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì đáng kể.
Trong khi đó, dư chấn của vụ phun trào chạm tới cả bờ Tây nước Mỹ. Một số đợt sóng dao động từ 0,9m đến hơn 1m đã được ghi nhận vào sáng ngày 15/1 (giờ địa phương), trong đó cao nhất là ở California với con sóng thần cao 1,3m.
Dave Snider - chuyên gia từ Trung tâm cảnh báo sóng thần thuộc Cơ quan Khí tượng Quốc gia nhận định những cơn sóng lớn nhất có vẻ như vẫn chưa tới. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa ghi nhận thiệt hại nào do sóng thần gây ra.
Tại New Zealand, Cơ quan Quản lý khẩn cấp Quốc gia cho biết cảnh báo sóng thần được đưa ra tại phía bắc và phía đông của một số hòn đảo sau khi chứng kiến "những dòng nước khó dự đoán xuất hiện ven biển".
Theo Emily Lane - chuyên gia khí tượng ở New Zealand, sóng thần hình thành từ núi lửa phun trào thường ít phổ biến hơn so với động đất ngầm. Giáo sư Shane Cronin từ Đại học Auckland lại cho rằng trong tương lai, những vụ phun trào tương tự hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Đinh Kim (T/h)